Doanh nghiệp 4.0 và văn hóa coaching

Nhân sự luôn luôn là một trong những bài toán lớn nhất trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hoá coaching (tạm hiểu là huấn luyện) trong doanh nghiệp sẽ góp phần gắn kết nhân sự, nâng cao năng lực – chất lượng nhân sự, cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư cho đào tạo nhân sự.

Thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo

Chương trình “Xây dựng Văn hóa coaching trong doanh nghiệp” góp phần trực tiếp thúc đẩy tư duy cởi mở, sáng tạo, tích cực, lắng nghe thông qua trang bị các kỹ năng Coach cho các cấp quản lý lãnh đạo, từ đó tạo ra văn hóa “cởi mở hợp tác, cống hiến và liên tục đổi mới” trong tổ chức. Điều này có thể cảm nhận rõ ràng khi khảo sát văn hoá doanh nghiệp tại các tập đoàn tiên phong trên thế giới, bao gồm Google, Facebook và Twitter.

Google đã đi tiên phong trong việc cho phép nhân viên tự do khám phá cách họ muốn làm việc. Chìa khóa cho một nền văn hóa làm việc sáng tạo và thú vị là tập hợp một nhóm người thông minh, khiêm nhường và cho họ không gian để thử nghiệm, cho phép nhân viên làm quen với nhau.

Theo quan điểm của Google: Khi các nhân viên hạnh phúc, năng suất sẽ tăng cao hơn và giảm bớt tỉ lệ nghỉ việc dẫn đến tăng lợi nhuận và mang lại thành công lớn hơn. Văn hóa làm việc của Google khuyến khích sự cộng tác, chẳng hạn như các cuộc họp ngẫu nhiên giữa những người sáng tạo và kỹ sư. Đây là một tiến trình “hỏi và đáp” theo rất nhiều các chiều khác nhau, để nhân viên gắn bó với nhau, gắn bó với văn hóa công ty và giữ cho Google phát triển mạnh mẽ.

Hay như Facebook với sứ mệnh của mình là “Làm cho thế giới cởi mở và kết nối hơn”. Điều này tất nhiên được thể hiện rõ nét trong hoạt động của chính Facebook với văn hoá coaching được áp dụng triệt để. Để trao quyền và truyền cảm hứng, mọi nhân viên đều làm việc cùng nhau trên những bàn làm việc chung.

Ngay cả CEO Mark Zuckerberg cũng không có văn phòng riêng. Anh làm việc cùng với các nhân viên khác trong một không gian làm việc chung. Với môi trường này, quá trình tương tác diễn ra thường xuyên không cấp bậc, mọi câu hỏi đều được trả lời bởi “cộng đồng” và việc của từng nhân sự Facebook là chắt lọc những điều phù hợp với bản thân, để cải thiện khả năng của chính bản thân mình và thúc đẩy sự phát triển chung của toàn hệ thống.

Tạo môi trường làm việc theo nhóm, trong đó mỗi người đều được thúc đẩy bởi mục tiêu của Công ty là văn hoá của Twitter. Và theo đó, mỗi nhân viên của Twitter đều tự hào là một phần của Công ty và đóng góp một phần quan trọng vào thế giới.

Twitter có 2 “đặc sản” trong quản lý nhân sự, là đào tạo mạnh mẽ cho đội ngũ lãnh đạo/ quản lý ngay khi bước vào hệ thống và khảo sát sự hài lòng của nhân viên mỗi 6 tháng với bảng hỏi 15 câu phản ánh hiệu quả sự gắn kết với Công ty, cũng như trao cho nhân viên cơ hội để đóng góp ý tưởng và giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn bộ máy. Để duy trì và phát triển nhân viên của mình - từ các cá nhân đến quản lý và các lãnh đạo, Twitter thúc đẩy năm kỹ năng cốt lõi bao gồm: Giao tiếp, Phát triển, Lãnh đạo, Thay đổi và Hợp tác.

Vận dụng thế nào?

Nghiên cứu gần đây nhất về “Xây dựng văn hoá Coach trong tương lai” do Liên đoàn Coach Quốc tế (ICF) và Học viện Nguồn lực Con người (HCI) tiến hành đã chỉ ra rằng 83% các tổ chức có kế hoạch phát triển các quản lý/ lãnh đạo có kỹ năng coach trong vòng 5 năm tới. Hay nói một cách khác là trong tương lai, coaching sẽ trở thành một trong những năng lực cốt lõi của các quản lý/ lãnh đạo. 

Điều này thể hiện rằng: Văn hoá coaching nên được triển khai trước tiên là với đội ngũ lãnh đạo/ quản lý. Theo đó, coaching giúp cho lãnh đạo phát triển bản thân để trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, thấu hiểu bản thân, cân bằng cuộc sống và công việc, có tầm nhìn chiến lược và nhất quán trong việc xây dựng văn hoá tôn trọng giá trị và tạo sự kết nối sâu sắc trong doanh nghiệp.

Đội ngũ quản lý- những người đảm nhiệm công việc chuyên môn, chuyên trách, đòi hỏi sự linh hoạt, kỹ năng làm việc với con người và trí tuệ cảm xúc cao. Theo một khảo sát của Everwise – một tổ chức chuyên cung cấp các phần mềm và các khoá huấn luyện đào tạo quốc tế, thì một quản lý tốt có thể làm tăng năng suất làm việc của nhân viên lên 25% và tỉ lệ giữ chân nhân viên hơn 40%. Nhưng đáng tiếc là 50% nhân viên đã từng nghỉ việc có ít nhất một lần lý do là “muốn thoát khỏi sếp trực tiếp”. Vậy để đội ngũ quản lý thực sự có sự cảm thông, có mong muốn phát triển nhân viên thì bản thân họ cũng cần được giúp đỡ để tháo gỡ những hoang mang, băn khoăn và thách thức của mình.

Việc tham gia các khoá huấn luyện hàng năm sẽ giúp đội ngũ này giữ vững được tinh thần, thấu hiểu và đồng hành trong xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp. Đặc biệt, sẽ là rất tuyệt vời nếu đội ngũ quản lý của doanh nghiệp được dẫn dắt bởi lãnh đạo có tầm nhìn, có kỹ năng khai vấn (coach). 

Mô hình “lý tưởng” để đưa coaching vào áp dụng trong doanh nghiệp bao gồm coach 1-1 dành cho lãnh đạo và các quản lý cấp cao (chủ yếu được thực hiện bởi coach của các tổ chức khai vấn chuyên nghiệp), coach nhóm có thể kết hợp đào tạo. Coach 1-1 giúp phát triển năng lực dựa trên tiềm năng và nhu cầu của từng cá nhân, tập trung vào thay đổi tư duy và hành vi quản lý, giúp mỗi cái nhân lựa chọn và áp dụng những kỹ năng/công cụ mới trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Các buổi coach nhóm ở các cấp độ khác nhau hướng tới việc thiết lập mục tiêu thấu hiểu và cam kết về tầm nhìn chung để đạt được một mục tiêu cụ thể trong doanh nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng những vị trí coach nội bộ là một kênh độc lập giúp tổ chức phát hiện và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của nhân sự, việc này đặc biệt cần thiết đối trong việc nuôi dưỡng và giữ chân những nhân tài khó kiếm mà dễ đi.

Nói về lợi ích của việc xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp, khi mà mỗi nhân viên đều có kỹ năng huấn luyện lẫn nhau, đặc biệt là ở khía cạnh tiết kiệm chi phí, năm 2018, Giám đốc phụ trách lĩnh vực phát triển nhân tài của IBM, ông Jason Trujillo, đã từng chia sẻ với tạp chí uy tín Harvard Business Review rằng: “Việc tiến hành đào tạo cho 370.000 người sẽ mất rất nhiều nguồn lực và thời gian. Trong khi đó, việc kết nối các đồng nghiệp với nhau sẽ hiệu quả hơn và một khi phương pháp này được áp dụng, sẽ tạo ra hiệu quả mang tính lan tỏa lớn trong cả mạng lưới”.

IBM đã không chỉ áp dụng văn hoá coaching trong doanh nghiệp mà còn tạo nên một hạ tầng dành cho mọi nhân viên với tên gọi “Coach me” để thông tin về các nhu cầu và giải pháp cho việc khai vấn. Hạ tầng này giúp kết nối những người có nhu cầu học hỏi một kỹ năng nào đó với những đồng nghiệp có thể huấn luyện cho nhau kỹ năng đó. Giải pháp này giúp mọi người kiểm soát được nhu cầu của mình, cũng như kết nối với hạ tầng đào tạo kỹ thuật số của IBM. Thông điệp của họ với nền tảng này là: Thông qua việc giúp đỡ đồng nghiệp, chúng ta cũng đang giúp IBM phát triển.

Đó cũng là điều đáng để cho lãnh đạo các doanh nghiệp/ tổ chức có thêm suy ngẫm về cách thức và lộ trình xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp thời đại 4.0.

Link gốc


  • 16/10/2020 04:59
  • Nguồn: https://enternews.vn/
  • 2546