Doanh nhân – Hành trình không có sẵn

"Doanh nghiệp là sáng tạo, doanh nhân là người sáng tạo", nói theo cách của Giám đốc Học viện doanh nhân LP Việt Nam – Nguyễn Liên Phương thì đã mang “cái nghiệp” làm doanh nhân là chấp nhận một hành trình chưa có bước chân người qua.

Không thể “đi tắt” đến tương lai trên một cây cầu cũ

Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện doanh nhân LP Việt Nam

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến ở đâu đó thông điệp phải “đi tắt, đón đầu” để tạo ra những bước phát triển đột phá. Chỉ tiếc rằng, chúng ta đã không chỉ ra được rằng đi tắt là đi thế nào, đón đầu là đón cái gì. Thông điệp đó vẫn tồn tại “nguyên bản” giống như khi nó vừa ra đời cách đây nhiều thập kỷ. Trong khi đó, thế giới chúng ta sống đang biến chuyển từng phút. Nhiều giá trị hôm qua được coi là “vàng ròng” thì hôm nay đã “sale off” 90%. Thị trường hiện đại buộc tất cả phải chấp nhận một thực tế, không có một mô thức nào, không có một giá trị nào là không “mất giá”!

Cách đây cũng chưa lâu, chúng ta thường nghe giới thiệu cuốn sách này, cuốn sách kia là sách gối đầu giường của doanh nhân. Nhưng ngày nay, trong môi trường kinh doanh hiện đại không có chỗ cho những tấm biển chỉ dẫn, không có con đường nào được vạch ra cứ thế mà đi. Kinh doanh hiện đại là một hành trình bất tận khám phá những điều chúng ta chưa từng quen biết, những con đường chưa từng đi, sáng tạo ra những giá trị mà chúng ta chưa từng có.

Trong thị trường hiện đại, trình độ tư duy quyết định tầm vóc và mức độ thành công của doanh nhân. Tôi muốn nhấn mạnh mức độ thành công chứ không phải mức độ giàu có của một số ít doanh nhân, vì ở Việt Nam, cũng như ở một số quốc gia đang phát triển khác, có những người trở nên rất giàu mà không bằng tài năng kinh doanh đích thực. Chính điều đó đã làm méo mó cảm nhận của không ít doanh nhân và thậm chí là của cả một bộ phận người dân trong xã hội về kinh doanh, làm cho việc phổ biến những nhận thức kinh doanh đúng đắn trở nên khó khăn hơn và thị trường luôn bị nhiễu loạn vì nhiều kiểu kinh doanh phi thị trường. Do đó, chúng ta rất cần nhận thức tốt hơn về thị trường hội nhập, về kinh doanh hiện đại và về doanh nghiệp hiện đại. Thế giới luôn thay đổi mà chúng ta không thay đổi hoặc chậm thay đổi thì sẽ gặp khó khăn và khó khăn sẽ ngày càng lớn hơn. “Không có gì như cũ nữa” là câu mà tôi rất muốn các doanh nhân luôn tự nhắc mình.

Bằng thực tế hoạt động của mình và nghiên cứu các mô hình kinh doanh hiện đại của các doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng trên nhiều quốc gia, chúng tôi phát hiện ra một hình thái kinh tế mới gắn liền với một loại tài sản mới, đó là cái đẹp. Giá trị cốt lõi của kinh tế hình ảnh chính là cái đẹp. Cái đẹp là đặc trưng của kinh tế hình ảnh, cũng như kinh tế nông nghiệp gắn liền với đất; kinh tế công nghiệp gắn liền với tri thức (công nghệ). Ngày nay, vẻ đẹp của sản phẩm có vai trò quyết định đến hành vi tiêu dùng. Những sản phẩm cùng loại và có cùng tính năng, chất lượng thì cái nào đẹp (theo quan niệm thẩm mỹ của người tiêu dùng) họ sẽ chọn mua.

Doanh nhân - hành trình sáng tạo

Các doanh nghiệp Việt Nam đang va chạm hàng ngày với sự cạnh tranh hình ảnh từ các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam. Vì không tự tạo được hình ảnh, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận làm gia công, lắp ráp, làm dịch vụ thuê, bán hàng thuê cho doanh nghiệp nước ngoài. Việc áp dụng Lý thuyết và Mô hình Kinh tế Hình ảnh sẽ làm thay đổi cuộc chơi, đưa các doanh nghiệp Việt Nam sang một thời kỳ phát triển mới, tự tạo ra hàng hóa và dịch vụ với hình ảnh và thương hiệu của riêng mình, tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài ngay trong thị trường nội địa và trên thị trường thế giới.

Trong thị trường hiện đại, cái đẹp của hàng hóa và dịch vụ được đồng nghĩa với chất lượng (theo chuẩn của thị trường mục tiêu). Rất khó tìm thấy một sản phẩm rất đẹp mà không chất lượng. Cái đẹp ở đây nằm trong giá trị đầu tư. Không có nhà sản xuất nào dại dột chỉ thuần tuý đầu tư cho cái vỏ của sản phẩm. Phải đạt chuẩn chất lượng song song với việc đầu tư cho cái đẹp bởi đầu tư cho cái đẹp cũng là một sự đầu tư tốn kém.

Mọi con người trên thế giới này đều giống nhau trong tình yêu cái đẹp. Việc làm đẹp cho các sản phẩm đã có từ lâu trong lịch sử (kinh tế thị trường), nhưng nó diễn ra từ từ, chậm chạm bởi thế kỷ 20 là thế kỷ của chất lượng. Ví dụ, Electrolux quảng cáo “40 năm vẫn chạy tốt”. Nhưng sang thế kỷ 21, Electrolux không quảng cáo thế nữa mà đi vào thời trang. Nếu quảng cáo “40 năm vẫn chạy tốt” là chết! Ở thế kỷ 21, cái đẹp thực sự trở thành vũ khí cạnh tranh hiệu quả.

Quyến rũ thế giới bằng vẻ đẹp

Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay, khoa học công nghệ là cuộc đua tranh quyết liệt của các quốc gia và các tập đoàn kinh tế có tiềm lực hùng mạnh. Kinh tế hình ảnh sẽ giúp các quốc gia và doanh nghiệp đi sau tìm ra một hướng phát triển mới, tránh được cuộc đối đầu căng thẳng về đầu tư phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệp chế tạo.

Để góp phần mở rộng tư duy kinh doanh, doanh nhân rất cần có môi trường trí tuệ để có thể chia sẻ và cộng hưởng những nhận thức mới về kinh tế thị trường hiện đại, kinh doanh hiện đại và doanh nghiệp hiện đại, đó cũng là lý do mà chúng tôi thành lập Học viện Doanh nhân LP Việt Nam. Học viện nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, và là nơi chia sẻ với các doanh nhân về những kết quả nghiên cứu này. Học viện hiện có 2 công trình nghiên cứu là Học thuyết Kinh tế Hình ảnh (Bao gồm lý thuyết kinh tế hình ảnh và mô hình kinh tế hình ảnh) và chương trình Quản trị cao cấp dành cho doanh nhân.

Mô hình kinh tế hình ảnh là giải pháp có tính đột phá để tái cấu trúc nền kinh tế, là sự lựa chọn tối ưu nhất để giải phóng hết tiềm năng và thế mạnh, tân dụng và phát huy được những thành tựu kinh tế đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, xây dựng một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc, tiến tới phồn vinh trên chính đôi chân và tài trí của dân tộc mình.

Mô hình lý tưởng nhất cho Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế xanh. Trong khu vực và trên thế giới, không có nhiều quốc gia có đủ điều kiện để xây dựng một nền kinh tế Xanh “có tầm cỡ”. Cùng với một dải non sông gấm vóc với vị trí địa lý hết sức đắc địa, với những tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng (núi rùng, hang động, bãi biển, vịnh biển, đảo…) và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của dân tộc là thế mạnh thu hút khách du lich văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Nếu Việt Nam biến những tiềm năng, lợi thế này thành một nền kinh tế Xanh với hình ảnh thật sống động, thật hấp dẫn, quyến rũ, thì đó chính là con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc vững bền cho đất nước, cho các doanh nghiệp và cho người dân.


  • 16/11/2011 03:31
  • Theo Báo Đầu tư
  • 2129


Gửi nhận xét