Nỗi lo người làm điện Hải Dương

Đến với Công ty Điện lực Hải Dương là chúng tôi đến với một doanh nghiệp (DN) có bước đi vững vàng. Đất xứ Đông là đất lành chăng mà rất nhiều DN trong nước, ngoài nước kéo về đây khởi nghiệp? DN mở ra nhiều thì việc cung ứng điện cho các DN cũng đặt lên vai người làm điện không ít lo toan.

Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu là con người điềm đạm. Tôi biết ông từ khi tách Hải Hưng ra thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, ông được giao trách nhiệm Giám đốc Điện lực Hải Dương (nay là Công ty Điện lực Hải Dương) từ 1997 đến nay. Thời gian đã nhuộm dần mái tóc, nhưng cách tư duy của ông giám đốc thì xem ra vẫn còn trẻ trung lắm. Đi lên từ anh cán bộ kỹ thuật, làm Giám đốc Chi nhánh điện huyện, thành phố rồi mới là người đứng đầu của Điện lực Hải Dương, thuộc từng trạm biến thế đến từng đường dây cao áp, hạ áp. Có phải thế mà gặp gỡ CBCNV của Công ty, từ anh thợ đường dây, nhân viên các chi nhánh, ai cũng tự hào về vị Giám đốc của mình!

Con người của công việc đấy! Câu chuyện của ông với vị Phó giám đốc kỹ thuật lại cho tôi ấn tượng mới về giám đốc Nguyễn Trọng Hữu, khi ông nhắc đi nhắc lại với cán bộ dưới quyền: Điện áp 48 V là đã chạm mức nguy hiểm rồi. Chất lượng điện cung ứng cho sản xuất, cho đời sống mới chỉ là lo đủ nguồn cung, còn sự an toàn về điện bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Từ chủ trương bàn giao việc quản lý điện nông thôn về cho ngành Điện quản lý, Công ty Điện lực Hải Dương đã quyết liệt phối hợp với các ngành, các huyện, các xã, các tổ chức xã hội với cái đích: Nhanh chóng nhận bàn giao để cải tạo lại đường dây, lắp đặt thêm biến thế mới. An toàn lưới điện là nỗi lo âu thường trực. Nhưng cả tỉnh còn duy nhất huyện Nam Sách là “cố thủ” khó xoay chuyển. Thì ra mấy cái “lô cốt” cứ lỳ ra là của mấy “ông cai điện” cũng đâu dễ nhổ. Xoay tròn với đủ biện pháp mà huyện này vẫn cứ chậm chạp bàn giao. Chẳng phải người dân không muốn đưa lưới điện nông thôn về cho ngành Điện quản lý mà lại là sự cản phá ngấm ngầm của cái gọi là “hợp tác xã tiêu thụ điện” của một nhóm người có sự bợ đỡ, che chắn của mấy ông xã, ông thôn.

Ông Giám đốc không ít lần bức xúc. Muốn lo cho dân, vì dân, vì sự an toàn điện cũng đâu có dễ. Thêm câu chuyện lợi ích của một nhóm người cũng đủ thách thức. Nói thế, nhưng ông giám đốc vốn từ đất quê, người quê mà trưởng thành vẫn chưa lúc nào quên đau đáu với sự an toàn của lưới điện nông thôn. Thảo nào, bao giờ ông cũng nhắc nhở cấp dưới của mình "điện áp 48 V là nguy hiểm rồi", càng hiểu việc ông công bố số điện thoại di động của mình cho dân cả tỉnh biết. Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu bộc bạch:

- Từ khi công khai số điện thoại di động, tôi mới có thể xử lý được sự cố điện xảy ra ở khắp tỉnh Hải Dương. Từ tiếng khen, hay lời chê về sự phiền nhiễu của nhân viên chi nhánh này, chi nhánh kia mới biết để chấn chỉnh.

Mới hay văn hóa DN của Công ty Điện lực Hải Dương không giản đơn ở việc giáo dục tư tưởng chung chung mà còn ở cách giám sát của người đứng đầu DN, bằng cách làm “khôn ngoan” nhờ khách hàng giám sát, nhờ dân cả tỉnh Hải Dương giám sát. Ý thức của CBCNV Công ty cũng bởi thế mà thành nề nếp. Mọi sự cố về điện đều được xử lý kịp thời. Tiếng khen của khách hàng với người làm điện cũng nhiều hơn.

Càng thấy việc cung ứng điện như người “làm dâu trăm họ”. Với những khách hàng tiêu thụ điện lớn như Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Phúc Sơn cho đến các DN dệt, da giày, các cơ sở làm thép, các DN làm dịch vụ... khi nguồn điện căng thẳng thì là cả một vấn đề lớn cần giải quyết. Phải có kế hoạch phân bổ cung ứng điện cho từng DN sao cho hợp lý. Rồi cuộc vận động tiết kiệm điện trong cả tỉnh; Các DN sản xuất không dồn vào giờ cao điểm; Việc sử dụng điều hòa ở các công sở, thay bóng đèn tròn bằng bóng compact… 

Không thể không nói đến chiến lược giảm tổn thất điện năng bền bỉ bao năm qua của lãnh đạo và CBCNV Công ty. Con số tổn thất điện năng trên lưới qua mỗi năm mỗi giảm là kết quả rất đáng ghi nhận ở Công ty Điện lực Hải Dương – một đơn vị đi tiên phong trong chống tổn thất.

 


  • 08/11/2011 10:30
  • Theo Thời báo doanh nhân
  • 1987


Gửi nhận xét