Ba trong số những người này là Dana R.H. Doan, Lain Heringman, Malte Hoepfner đến từ Mỹ, Tây Ban Nha và Đức. Bà Dana R.H. Doan, người gốc Mỹ, đang sống và làm việc tại TP HCM, nhận danh hiệu "Doanh nhân xã hội 2011" với đề tài "Dịch vụ tư vấn từ thiện", hiện có trụ sở ở quận 1, TP HCM. Dự án nhằm hỗ trợ các nhà hảo tâm, tổ chức về kỹ năng, nguồn lực cần thiết để thực hiện hoạt động từ thiện.
Bà Dana R.H. Doan, người Mỹ, sống và làm việc tại TP HCM, đạt danh hiệu doanh nhân xã hội 2011 với dự án "Dịch vụ tư vấn từ thiện".
|
Theo bà Dana R.H. Doan, Việt Nam hiện có nhiều cá nhân, tổ chức muốn làm từ thiện và cũng có không ít hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hai nhu cầu đó không phải lúc nào cũng gặp nhau một cách kịp thời. Đó là lý do khiến bà xây dựng đề án này. Bà Dana cung cấp dịch vụ tư vấn từ thiện, giúp kết nối hiệu quả nguồn lực hỗ trợ sẵn có và nhu cầu cộng đồng, thúc đẩy sự minh bạch và tính bền vững của các hoạt động từ thiện.
Bà Dana R.H. Doan sống ở TP HCM từ năm 2001, có bằng thạc sỹ về chính sách công từ trường Gerald R. Ford thuộc Đại học Michigan, Mỹ. Năm 2010, bà hoàn thành chứng chỉ về tài trợ và thành lập quỹ phát triển tại Đại học New York. Trước đó, bà đã công tác 5 năm tại Hội thương mại Mỹ - Việt Nam. Hiện, bà Dana cũng là thành viên ban cố vấn của AIESEC Đại học Ngoại thương - tổ chức lãnh đạo dành cho sinh viên và Working with Others - chương trình tài trợ nhỏ Hội từ thiện trẻ em Sài Gòn.
Lain Heringman đến từ Tây Ban Nha và Malte Hoepfner, người Đức, hiện sống ở Hà Nội và cùng hợp tác trong dự án "Bloom Microventures (BM)", trụ sở làm việc ở đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội. BM phát triển sản phẩm du lịch trách nhiệm xã hội và mang tính giáo dục, sử dụng lợi nhuận từ những tour du lịch tài chính vĩ mô để cung cấp các khoản vay cho phụ nữ nông thôn thiệt thòi.
Lain và Malte chia sẻ, họ muốn tận dụng tiềm năng du lịch để góp phần xóa đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn. Đồng thời, hoạt động của dự án thúc đẩy phát triển ngành du lịch trách nhiệm, giúp du khách quốc tế hiểu và chia sẻ với thách thức của Việt Nam.
Lain Heringman và Malte Hoepfner muốn phát triển sản phẩm du lịch trách nhiệm xã hội ở Việt Nam.
|
Lain và Malte đến Việt Nam chưa đầy một năm. Trước đó, Lain là một doanh nhân xã hội được ca ngợi nhiều ở Tây Ban Nha, Anh, Mỹ. "Đằng sau tất cả những dự án là phải giải quyết được một vấn đề bức xúc nào đó của xã hội chứ không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận" là tâm niệm của Lain. Còn Malte từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Đức về các vấn đề môi trường. Anh thích thử nghiệm những điều mới lạ, chấp nhận rủi ro nếu nó mang lợi ích lớn cho cộng đồng.
Cùng với 12 doanh nhân xã hội khác, Dana R.H Doan, Lain Heringman và Malte Hoefner sẽ nhận khoản vốn 7.000 đôla trong 12 tháng cho mỗi dự án, chia thành 2 đợt, từ Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, họ được cung cấp về kiến thức và kỹ năng quản lý doanh nghiệp, truyền thông, kết nối mạng lưới để thực hiện đề án.
Chị Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng cho biết, trong số hơn 200 hồ sơ đăng ký xét duyệt doanh nhân xã hội 2011 thì gần 10% là đề án của người nước ngoài. Theo chị Oanh, việc người ngoại quốc tham gia vào chương trình này mang lại nhiều mặt tích cực. "Điều đó chứng tỏ họ có tình cảm sâu sắc và muốn đóng góp xây dựng xã hội Việt. Mô hình này ở Việt Nam còn mới mẻ, trong khi thế giới đã có trước đó rất lâu nên các bạn nước ngoài có lợi thế hơn về kinh nghiệm. Việc họ gia nhập là cơ hội để doanh nhân xã hội trong nước học hỏi và cùng kết nối chia sẻ". chị Oanh nói.
Chị Oanh cho biết thêm, 20% doanh nhân xã hội được nhận hỗ trợ năm nay là người nước ngoài thể hiện môi trường kinh doanh trong nước đang mở rộng, đón nhận ý tưởng của tất cả cá nhân, tổ chức có mục đích phục vụ cộng đồng Việt, chứ không bị giới hạn, bó hẹp về mặt địa lý, lãnh thổ.
Doanh nhân xã hội là người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể. Khác với doanh nhân kinh tế là đánh giá sự thành công qua lợi nhuận thu được, doanh nhân xã hội thể hiện thành tích của mình bằng những tiến bộ xã hội mà họ góp phần mang lại cho cộng đồng. |