Doanh nhân Thái Hương - Bà chủ "táo bạo" của TH Milk

Năm 2015, bà Hương lần đầu được Tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, cùng với chủ tịch Vinamilk - Mai Kiều Liên.

Bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk.

“Tôi không có đối thủ!”. Năm 2012, một nữ doanh nhân mới bước chân vào ngành sữa hùng hồn tuyên bố khiến không ít người nóng mặt. Đó là Thái Hương, bà chủ Bắc Á Bank và TH Milk. Ý tưởng có từ năm 2008, khi vụ sữa melamine từ Trung Quốc trở thành vấn đề nóng, bà Hương khiến cả Hội đồng cổ đông Bắc Á Bank “ngớ người” khi tuyên bố “Tôi sẽ làm sữa”. Năm 2009, bà Hương chính thức nhập bò từ Newzealand về Nghệ An, áp dụng công nghệ Israel với vốn đầu từ 350 triệu USD. Hiện trang trại của TH Milk có 45.000 con bò sữa, đây là trang trại bò sữa quy mô lớn nhất ở Việt Nam.

Những người cùng ngành nói gì về bà Thái Hương?

Phù thủy quảng cáo Trần Bảo Minh: Việc đầu tư của bà Hương là “sự dũng cảm, nếu không nhìn vào bài toán lợi nhuận. Tới năm 2015, TH True Milk đứng đầu về sữa tươi là chắc chắn. Đây là con số nhìn thấy được, không phải phân tích nhiều. Nhưng nói là số 1 ở thị phần sữa tươi chứ thị trường sữa tới 3 tỷ đô, làm sao đứng đầu được!”.

Forbes: Năm 2015, bà Thái Hương lần đầu tiên được lọt vào danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á, đứng cạnh "bậc tiền bối" Mai Kiều Liên.

Bà Hương vốn là dân tài chính, nổi tiếng trên thương trường với vai trò bà chủ ngân hàng Bắc Á. Còn trước đó nữa, những năm 1990, bà là một cán bộ nhà nước tại ban tài chính Hải Phòng, bà quyết định nghỉ việc nhà nước để ra ngoài kinh doanh. Nguyên nhân được bà lý giải là “cảm thấy nhiều cái mình muốn làm mà bị ràng buộc bởi cơ chế, không được tự do để phát triển”.

Năm 2012, ngành sữa được phen dậy sóng với phát biểu của nữ doanh nhân này: "Tôi không có đối thủ, tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình" và kế hoạch “vượt qua Vinamilk vào năm 2015”.

Trước tuyên bố này, Hiệp hội sữa Việt Nam cho là quá ngạo mạn. Một vị giám đốc doanh nghiệp ngành sữa nhận xét: “Tôi thấy những chiêu PR của họ có vẻ tầm thường, dân trong ngành không đánh giá cao”. Bà Hương phản ứng ra sao trước nhận xét đó? Bà ấy nói: “Nếu ai nghĩ tôi ngạo mạn thì tôi xin nhận hai chữ này, nhưng nên dùng hai chữ kiêu hãnh trong định vị TH True Milk”.

Trước hết, chắc chắn là nhờ quy mô đầu tư bài bản của TH Milk cho toàn bộ hệ thống trang trại, áp dụng công nghệ cao khép kín từ trồng cỏ, nuôi bò và sản xuất sữa thay vì nhập nguyên liệu về pha chế. Thứ hai là công tác truyền thông - marketing. TH Milk đã làm rất tốt khâu gia nhập thị trường với từ khóa "SẠCH". Đây là một thành công quan trọng bước đầu của hãng sữa này. Trong báo cáo của hãng nghiên cứu Business Monitor International, cái tên TH Milk cũng được nhắc đến như là một thách thức của Vinamilk bằng việc nhập khẩu bò, tự túc nguyên liệu thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu.

Năm 2013, 4 năm sau khi nuôi bò, TH Milk từng công bố doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng. Bà Hương cũng từng tự tin ước tính, đến năm 2017, TH sẽ đạt được doanh thu 23.000 tỷ đồng.Thế sau 5 năm, TH Milk đã có lãi chưa? Khi được hỏi về vấn đề nhạy cảm này, bà Thái Hương cho biết mình “lăn lộn đâu phải vì tiền mà vì một sự nghiệp. Nuôi được bò cho sữa tốt đã là có lãi, còn lãi vật chất sẽ đến từ từ”.


  • 12/03/2015 03:32
  • Nguồn bài và ảnh: Trí thức trẻ
  • 1860


Gửi nhận xét