Đừng cố gắng làm nhiều việc cùng lúc

Giáo sư Earl Miller chuyên ngành thần kinh học tại Viện Picower của Đại học MIT cho biết rằng con người không nên làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking). Ông đưa ra lời khuyên: “Đừng cố gắng làm nhiều việc cùng lúc. Điều đó sẽ giết chết năng suất làm việc, gây ra những sai lầm và ngăn cản suy nghĩ sáng tạo”.

Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ: “Nhưng tôi giỏi việc đó mà!”. Đáng buồn thay, đó là một sự ảo tưởng không hề nhẹ. Não bộ con người có năng lực rất hạn chế trong việc duy trì các luồng suy nghĩ khác nhau cùng một lúc, và tâm trí chúng ta lưu giữ được rất ít thông tin trong một thời điểm bất kỳ.

Điều tai hại ở đây não bộ lại thường xuyên đánh lừa rằng bạn có thể làm được nhiều hơn thế. Để hiểu nguyên nhân của điều này, hãy xem cách chúng ta nhìn thế giới xung quanh như thế nào.

Theo lý thuyết cơ bản, đôi mắt con người là một máy quay góc rộng cho phép chúng ta nhìn mọi thứ xung quanh. Thế nhưng thực tế là mắt chúng ta liên tục đảo qua đảo lại để “chụp” từng phần của cảnh vật xung quanh với tốc độ khoảng 3 - 4 lần/ giây, rồi đưa về não xử lý.

Những thứ mà chúng ta thấy có vẻ giống như là một hình ảnh đồng nhất, nhưng thực tế là não bộ đã ghép những hình ảnh riêng biệt lại với nhau để tạo thành một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh.

Điều này cũng giống như chuyện làm nhiều việc cùng lúc. Khi chuyển đổi giữa các tác vụ khác nhau, chúng ta thường cảm thấy đó là một chuỗi liền mạch, nhưng trong thực tế là nó liên tục đòi hỏi một loạt các thay đổi nhỏ.

Giả sử, bạn cần ngừng công việc kiểm tra sổ sách hiện tại để kiểm tra một email, và khi bạn quay trở lại với mớ sổ sách, não của bạn đã phải tiêu hao “năng lượng” cho việc tập trung lại vào công việc cũ và nhớ lại xem mình đã làm tới đâu.

Điều này không chỉ gây ra sự lãng phí thời gian mà nó còn làm giảm khả năng sáng tạo. Xét cho cùng, tư duy sáng tạo xuất phát từ sự tập trung mở rộng (extended concentration), nghĩa là khả năng theo đuổi một ý tưởng thông suốt qua mạng lưới các mối liên kết mới. Nói nôm na, khi bạn cố gắng làm nhiều thứ cùng lúc, thay vì đi thẳng thì tư duy của bạn đi cứ lang thang lòng vòng, để rồi “chưa đi đến chợ, đã tiêu hết tiền”.

Nếu bạn đang có ý nghĩ: “Điều này chắc có lẽ chỉ áp dụng với những người khác” thì thật là sai lầm. Thực tế cho thấy, những người tự nghĩ rằng mình giỏi trong việc làm nhiều thứ cùng lúc lại là những người kém nhất trong việc này.

Thông thường, những người mắc lỗi này thường rất kém trong việc lờ đi các yếu tố gây xao lãng, nhưng thay vì cố gắng để cải thiện khả năng tập trung, họ lại xoay qua tự thuyết phục bản thân rằng việc đa nhiệm sẽ giúp làm tăng năng suất.

Có lẽ, bạn đang tự hỏi: “Nếu việc làm nhiều thứ cùng lúc là không tốt, vậy tại sao chúng ta lại hay cảm thấy bị thúc giục nên làm như vậy?”. Điều này liên quan đến quá trình tiến hóa của não người.

Vào thời tiền sử, bất kỳ một thông tin nào cũng có thể là quan trọng - ví dụ, có tiếng sột soạt trong bụi cây nghĩa là có thể có một con hổ sắp nhảy ra vồ lấy bạn. Vì vậy, điều này đã kích thích não bộ của chúng ta tiến hóa theo hướng luôn tìm kiếm và chú ý đến những thông tin mới.

Thật đáng tiếc, những gì đã từng là lợi thế tiến hóa để sinh tồn nay lại hóa thành trở ngại. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nơi chúng ta ít khi phải đối diện với các nguy hiểm đến tính mạng, sự tấn công không ngừng nghỉ của các thông tin mới có khả năng làm tê liệt tư duy. Sự thật đơn giản là não của chúng ta không được thiết kế để xử lý việc bị quá tải thông tin.

Làm sao để bỏ thói quen làm nhiều việc cùng lúc?

Bạn nên bắt đầu bằng cách tự tạo ra một khoảng thời gian riêng biệt để tập trung. Loại bỏ càng nhiều phiền nhiễu càng tốt.

Hãy tránh xa điện thoại, tắt màn hình máy tính nếu không cần thiết, thậm chí là tắt luôn email nếu cần. Đừng cố gắng tập trung vào 1 việc chỉ bằng ý chí; việc chống chọi lại sự tò mò, thèm muốn thông tin mới thực sự là rất khó.

Thay vào đó, bạn có thể ngăn chặn sự thèm muốn đó bằng cách loại bỏ các yếu tố cám dỗ. Nếu bạn thấy mình không thể tập trung, hãy cố gắng nghỉ ngơi hay vận động một chút. Việc tăng lưu lượng máu lên não có thể giúp khôi phục lại sự tập trung.

Và đây là điều phải luôn ghi nhớ: Tuyệt đối tránh xa điện thoại khi bạn đang lái xe. Hãy chuyển điện thoại sang chế độ im lặng và để xa tầm tay của bản thân (đừng tính tới việc đeo tai nghe, vì nhu cầu phải nhận thức khi nói chuyện điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung).

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể vừa tập trung lái xe, vừa nghe gọi điện thoại thì đó chỉ là ảo tưởng - các nghiên cứu của nhóm David Stayer đã chỉ ra rằng việc nghe điện thoại khiến cho các tài xế mất tập trung, bỏ lỡ hơn một nửa những chuyển động xung quanh. Tóm lại, nếu bạn thích làm nhiều thứ cùng lúc khi đang lái xe, hãy đóng sẵn bảo hiểm nhân mạng để sau này gia đình bạn còn có chỗ dựa.


  • 30/12/2016 10:00
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 1551