Dunkin vào Việt Nam: Châm ngòi cuộc chiến giữa tân binh, ông lớn và chủ nhà

Nối gót Starbucks, Dunkin' Donuts, một thương hiệu cà phê có tên tuổi trên thế giới khác bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của "ông lớn" này đã châm ngòi cho cuộc chiến chưa bao giờ nguội trên thị trường cà phê Việt.

 

Dunkin’ Donuts vào thị trường Việt Nam, chính thức trở thành đối tượng nặng ký của Starbucks - Ảnh sưu tầm.

Chủ nhà lo âu

Vượt qua nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam, ngay cả thương hiệu thấu hiểu khẩu vị người Việt như Nestlé, Trung Nguyên hiện nay vẫn được xem là "ông vua cà phê Việt".

Khéo léo kết hơp tinh thần vị dân tộc và chiến lược marketing đối đầu khôn ngoan, Trung Nguyên đã khẳng định mình là thương hiệu không ngại những "ông lớn". Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường cà phê hiện nay, vị thế “vua cà phê Việt” của Trung Nguyên đứng trước nguy cơ bị lung lay. 

Thêm vào đó, thương hiệu PhinDeli với bước đi thận trọng và bài bản tấn công vào thị trường Mỹ nhằm tăng sức "chiến đấu" ở Việt Nam đã trở thành một "đòn đánh bất ngờ" đối với các thế lực cà phê nội địa khác. Tân binh này đang có dấu hiệu lấn lướt các thương hiệu cà phê rang xay khác trên mọi mặt trận.

Bên cạnh ông vua tại vị và những tân binh đầy nội lực, thương hiệu chủ nhà khác ít tham dự vào cuộc chiến cà phê ồn ào nhưng đầu năm nay, tại đại hội cổ đông thường niên, ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐQT Vinacafé Biên Hòa cho biết: "Với sự tham gia và hỗ trợ lớn của Masan, trong tầm nhìn năm 2016, Công ty sẽ thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với thị phần chiếm 80% thị trường cà phê hòa tan và 51% thị trường cà phê rang xay".

Như vậy, nhiều cái tên hiện nay gián tiếp hay trực tiếp đều bày tỏ tham vọng hướng đến ngôi vị số 1 của ngành cà phê. Khi sự cạnh tranh nóng dần, cuộc đổi ngôi trên thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Các "ông lớn" không ngại cạnh tranh

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị của Nestlé cho biết: “Mỗi công ty có một mô hình kinh doanh khác nhau. Như Starbucks không phải bán cà phê mà bán môi trường uống cà phê. Do đó, dù cùng kinh doanh trong ngành cà phê nhưng không thể nói Starbucks là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nestlé”. Bà Yến cũng tin tưởng: Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng bởi khi có cạnh tranh, mỗi công ty sẽ phải nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm tốt hơn, với giá thành cạnh tranh hơn. Chính vì lẽ đó, “chúng tôi không ngại cạnh tranh” – bà Yến nhấn mạnh.

Nhắc tới các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới, ta thấy nổi trội nhất bao gồm các tên tuổi như Starbucks, Dunkin, The Coffee Bean và Mc Coffee. Đây là 4 “ông vua” liên tục bành trướng thế lực của mình ra toàn thế giới, nhưng mỗi ông lớn này lại có con đường phát triển của riêng mình.

Starbucks và The Coffee Bean phát triển lên từ mô hình cửa hàng, nơi cung cấp “chốn thứ 3” cho khách hàng. Họ phát triển cà phê và xem đó là sản phẩm chủ lực của mình.

Còn với Dunkin's Donuts và Mccoffee thì khác, tiền thân của 2 thương hiệu này là thức ăn nhanh, họ nhận ra tiềm năng phát triển của mình sẽ mạnh mẽ hơn nếu có thêm cà phê trong menu.

Dunkin với chiến lược "Quick Quality" đang áp dụng đã khiến Starbucks hay McCoffee phải “khó chịu” rất nhiều tại những nơi mà Dunkin xuất hiện. Và có thể Dunkin sẽ làm điều tương tự với các thương hiệu cà phê chuỗi đang có mặt tại Việt Nam.

Dunkin và McCoffee chính thức tham chiến tại Việt Nam, Starbucks đang tỏ ra chậm chạp nhưng chắc chắn với những bước đi bài bản của mình, còn cà phê Bean chạy đua phủ sóng ở mọi góc đường. Trong khi đó, Trung Nguyên đang căng sức thể hiện khát vọng Việt, Highland coffee đang tái cơ cấu khi thay đổi bộ máy điều hành tới định hình lại chính mình, và một Nestlé không ngừng thấu hiểu khẩu vị người Việt, thị trường cà phê Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều bất ngờ trong tương lại, khi cuộc chiến của các "tân binh" và những "ông lớn" ngã ngũ.

 


  • 26/12/2013 04:56
  • Tổng hợp theo Brand Việt Nam
  • 1986


Gửi nhận xét