“Giai điệu mùa thu 2015” khép lại với dư âm đẹp

Chương trình “A night of three Bs Bach - Beethoven - Brahms” tối 30-8 đã khép lại Festival Âm nhạc “Giai điệu mùa thu 2015” tại TP HCM.

Festival lần này đã quy tụ nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam trong và ngoài nước và rất nhiều nghệ sĩ khách mời đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, như: nhóm hòa tấu thính phòng cổ điển “Fantasmi”, nhóm “Hòa tấu kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy”, nữ ca sĩ nhạc jazz Majken Christiansen…

Không những vậy, “Giai điệu mùa thu 2015” còn là bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với “thực đơn” vô cùng phong phú, từ những thể loại quen thuộc, như: giao hưởng, thính phòng, piano… với các trường phái âm nhạc: Baroque, cổ điển, lãng mạn, đương đại… và nổi bật nhất, hấp dẫn nhất là 2 “món” mới: Hòa nhạc Kèn - Gõ của nhóm hòa tấu kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy và vở múa đương đại “Mái nhà” (“The roof”) của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM.

Cảnh trong vở múa đương đại “Mái nhà”. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Nói đến kèn đồng, người ta thường liên tưởng những giai điệu mạnh mẽ, hùng tráng của thể loại hành khúc. Thế nhưng, nhóm hòa tấu Kèn - Gõ đã làm người nghe hết sức ngạc nhiên, thú vị khi họ thể hiện từ những tác phẩm cổ điển với giai điệu mang đầy tính vũ khúc dân gian như: “Carmen suite” (George Bizet) hoặc mượt mà, trữ tình với “So lokka me over den myra” (Edward Grieg) hay đầy phức điệu của trường phái tiền cổ điển trong “The arrival of the Queen of Sheba” (G. F. Handel)… Thậm chí, những nhạc phẩm pop, jazz khi thì trữ tình lúc lại sôi động như: “Jeanie with the light brown hair” (Stephen Foster), “Smile” (Charlie Chaplin), “Can’t buy me love” (The Beatles)… và đặc biệt là nhạc phẩm quen thuộc “Cereza Rosa” (Louis Guglielmi) được đông đảo người Việt biết đến với tên gọi “Cánh bướm vườn xuân”.

Trong chương trình hòa tấu Kèn - Gõ đương đại còn có sự tham gia của nữ ca sĩ Majken Christiansen tài năng và duyên dáng,  góp phần làm khán phòng nóng lên không chỉ với tiếng hát mà còn cả khả năng diễn tấu kèn harmonica và beatbox cũng như những câu nói giao lưu với khán giả bằng một vài câu tiếng Việt rất dí dỏm.

Sau khi xem xong chương trình của nhóm hòa tấu Kèn - Gõ Hải quân Hoàng gia Na Uy, khán giả đều tỏ vẻ hết sức phấn khích và chỉ có thốt lên: “Tuyệt!”, “Hay quá!”. Sau chương trình này liệu có gì gợi mở cho các dàn kèn đồng của TP HCM, nhất là đội quân nhạc, nơi mà các nhạc công đều được đào tạo bài bản?

Trái ngược với sự phấn khích khi xem chương trình hòa tấu Kèn - Gõ, vở múa đương đại “Mái nhà” lại chứa đầy chất nội tâm, lắng đọng. Đây là một hình thức biểu diễn hoàn toàn mới mẻ ít ra là với sân khấu TP HCM, nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt, ngôn ngữ hình thể, tiếng nói, hình ảnh, âm nhạc và một vài đoạn có cả lời thoại.

Những hình khối tam giác khi thì là những mái nhà; khi biểu hiện cho những con dốc cho người trèo qua, lăn xuống; khi thì được sử dụng như những màn hình để chiếu hình ảnh hỗ trợ. Mở đầu vở diễn là một giai điệu da diết cất lên từ một giọng hát đầy tính hoài niệm, vài bóng người xuất hiện trên mái nhà, song song với giai điệu ấy là những âm thanh từ chiếc loa công cộng thông báo về việc giải tỏa nhà đất, rồi những hình ảnh con mắt, đôi môi mấp máy như tượng trưng cho sự nhìn, sự nói. Từ đó, phát triển ra rất nhiều hình tượng, nhiều số phận, những sinh hoạt đời thường của những người trẻ, những dằn vặt của tình yêu, những thân phận bị đám đông vùi dập (qua hình tượng đám đông dùng những chiếc gậy xúm vào một cô gái), những cô đơn, lạc lõng (qua giọng hát mộc mạc, đầy nội tâm của diễn viên múa Sùng A Lùng)… Đỉnh điểm là sự xuất hiện của nhân vật Yến, một cô gái nổi loạn, muốn đi tìm sự bình yên bằng tiếng hát của mình nhưng càng hát, cô càng thấy nỗi đau day dứt, vỡ òa thành những tiếng khóc xé lòng…

Nghệ thuật đương đại không đóng khung trong một công thức mà mỗi người có thể cảm nhận một cách riêng theo tâm trạng của mình nhưng với “Mái nhà”, cảm xúc của rất nhiều người sau đó là sự lặng đi, điều đó cho thấy dù ở trường phái nghệ thuật nào, nếu phản ánh được chân thực những khía cạnh trong cuộc sống thì vẫn tạo được sự đồng cảm, đón nhận của khán giả.

Tạm biệt những ngày hội âm nhạc của “Giai điệu mùa thu 2015” với những dư âm đẹp. Hy vọng công chúng yêu âm nhạc sẽ được thưởng thức nhiều “món” mới lạ, hấp dẫn hơn ở Festival Âm nhạc “Giai điệu mùa thu 2017”.


  • 01/09/2015 04:55
  • Theo nld.com.vn
  • 1011


Gửi nhận xét