Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH đường sách TP.HCM.
|
Trước khi trò chuyện, Giám đốc Lê Hoàng dẫn tôi đi một vòng trong khuôn viên đường sách. Những ngày dịch COVID-19 phải giãn cách, cả thành phố vắng vẻ. Quanh khu vực đường sách - Nhà thờ Đức Bà vốn nhộn nhịp người qua lại, nay vắng tanh. Đường sách cũng tạm đóng cửa.
“Ấy vậy mà lúc này tôi lại làm được nhiều việc mà trước đó không làm được. Nào là nghiên cứu các kế hoạch hoạt động sắp tới, làm mới văn phòng, xây dựng thêm ki-ốt, sửa sang, sắp xếp lại nhiều hạng mục... để khi mở cửa, bạn đọc có một không gian đường sách mới đẹp đẽ hơn”, ông nói.
PV: Đây cũng là cách mà các doanh nghiệp đang “tranh thủ” làm trong đợt dịch, nói theo cách người làm kinh doanh là quản trị, cải tổ lại mô hình hoạt động. Ông có nghĩ đây là tư duy nhờ nhiều năm làm... sách? Có ý kiến làm văn hóa, nghệ thuật không cần quản trị như kinh doanh?
- Bất cứ tổ chức nào có con người, có hoạt động thì đều có quản trị. Doanh nghiệp làm kinh doanh thì gọi là quản trị kinh doanh. Còn các lĩnh vực khác như văn hóa, nghệ thuật thì quản trị con người, quản trị hoạt động trong tổ chức, nôm na là quản trị sự nghiệp văn hóa.
Khi Việt Nam mở cửa, kinh tế tư nhân phát triển, nhiều doanh nghiệp ra đời, khái niệm quản trị kinh doanh cũng bắt đầu được quan tâm. Nhiều khóa học, nhiều sách viết về quản trị ra đời. Doanh nhân cũng tham gia nhiều hơn vào các lớp đào tạo kỹ năng quản trị và ứng dụng hiệu quả.
Năm 1990, thời điểm tôi về làm Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cũng là lúc ngành xuất bản chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường, nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Mặc dù xuất bản được xem là lĩnh vực văn hóa tinh thần nhưng sản phẩm của nó là những cuốn sách và giá trị nó mang lại cho người đọc là thông tin, kiến thức.
Vậy làm sao sản phẩm đó được đón nhận, “sống” được và tiêu thụ một cách mạnh mẽ? Để từ đó nhà xuất bản cũng phải “sống” được, bộ máy cũng “sống” được. Đây là câu hỏi tôi phải giải đáp và chuyển hóa bằng cách làm, kế hoạch cụ thể. Đó là quản trị sự nghiệp.
PV: Rồi ông làm thế nào?
- Tìm giá trị cốt lõi của sản phẩm để tạo sự khác biệt. Nhớ lại bối cảnh năm 1990, báo chí có nhiều tin, bài nói về thị trường sách phát triển khá tự phát, hỗn loạn, người người làm sách, nhà nhà làm xuất bản, rất nhiều người chạy theo thị hiếu dễ dãi, tò mò của một số người đọc, đó là những cuốn tiểu thuyết diễm tình, kiếm hiệp, bạo lực. Tôi không chọn mảng sách mang tính giải trí nhất thời mà tìm hướng riêng đi vào giá trị cốt lõi của sách là hướng chân - thiện - mỹ, theo phương châm nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn tri thức, làm cho con người lạc quan, sống đẹp, yêu đời và tích cực hơn.
PV: Còn nhớ thời đó, thị hiếu đọc các loại sách có giá trị như Nhà xuất bản Trẻ định hướng không nhiều, nhu cầu mua và đọc loại sách này chưa cao. Hỏi thật, lúc đó ông có vừa làm vừa run?
- Những năm đầu thập niên 1990, dù thị trường sách và nhu cầu đọc nổi lên vấn đề như đã nêu, tuy nhiên cũng vào thời điểm đó, một bộ phận không ít người dân, xã hội dấy lên nhu cầu đọc những ấn phẩm lành mạnh nhưng lại rất thiếu, đặc biệt là sách cho thiếu nhi. Và đây là lúc mà trong quản trị sự nghiệp, tôi bắt đầu có những kế hoạch chuyển hóa cụ thể.
Nói thật, thời điểm đó tôi cũng chưa học qua lớp quản trị nào nhưng làm khá bài bản, có nghiên cứu cẩn thận nhu cầu của thị trường chứ không phải làm đại. Vì thế, tôi tin là thắng. Để đáp ứng nhiều loại nhu cầu đọc và tùy theo các độ tuổi khác nhau, tôi chia ra nhóm sách phù hợp theo độ tuổi từ 6-18 gồm tủ sách Măng non, Tuổi hồng, Áo trắng, Tuổi 20.
Nhóm sách theo nhu cầu thì có tủ sách Kiến thức bách khoa Tuổi xanh cho trẻ em và người lớn thì có tủ sách Bạn gái trẻ (gồm những câu chuyện, hướng dẫn may mặc, nấu ăn, công dung ngôn hạnh, kỹ năng sống, giao tiếp...), tủ sách Sống đẹp, Kiến thức bách khoa Thanh niên, Hướng nghiệp, Doanh nhân trẻ...
Khi các tủ sách này ra đời, niềm vui không thể quên là sách bán rất chạy. Lý do là chúng tôi đã đáp ứng được nhu cầu có thật của người đọc, lại đi tiên phong, gần như một mình một chợ.
PV: Nói vậy, nhu cầu văn hóa đọc lúc đó đã có?
- Đi cùng nền kinh tế bao cấp sang thị trường, nhiều người cũng bắt đầu có nhu cầu tìm đọc những quyển sách thật sự cần, có tính chất chuyên biệt hơn và ngày càng cá thể hóa nhu cầu đọc. Nghĩa là văn hóa đọc đã có bước chuyển đi vào chiều sâu cũng như nhu cầu khác nhau như thẩm mỹ, cái đẹp, kiến thức, nghề nghiệp và văn hóa.
PV: Theo như ông nói thì không cần học quản trị vì ông vẫn có kế hoạch và làm hiệu quả đó thôi...
- Thời chúng tôi, hầu như những người làm quản lý đều không được đào tạo bài bản cũng như học cách quản trị thế nào? Tất cả đều vừa làm vừa trải nghiệm, có thể thành công và thất bại. Còn nếu hỏi tôi “vì sao nghĩ ra sự khác biệt và làm được?”, câu trả lời là vì tôi là người Sài Gòn trước 75. Được sống trong thời kỳ tiền tư bản của đất Sài Gòn, gia đình lại làm nghề kinh doanh dệt vải, nếu không làm khác người ta thì làm sao bán hàng được? Vì thế, trong suy nghĩ của tôi cũng “nhiễm” ít nhiều máu kinh doanh của những người Sài Gòn thời đó và hiểu thế nào là phải khác biệt.
Chính môi trường kinh doanh thực tiễn, sự mưu sinh đã cho tôi vốn sống và cách quản trị. Có những khởi đầu lại chính là từ những bài học thực tế và đúc kết kinh nghiệm.
Nói vậy, không có nghĩa là không cần học tiếp nữa. Quan niệm người lãnh đạo giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm đã không còn chuẩn xác trong thời đại này. Xã hội càng phát triển, thị trường càng cạnh tranh, người lãnh đạo muốn chèo lái con thuyền của mình vững chắc thì phải học và đọc nhiều hơn, thậm chí là mỗi ngày để không ngừng bổ sung kỹ năng và kiến thức mới.
Ngoài ra, còn có những cuốn sách quản trị đầu đời mà tôi đã đọc, “ngấm’ vào máu, theo tôi suốt mấy chục năm qua và dẫn đường cho tôi tự tin, mạnh dạn đi xa, đó là cuốn Những nguyên lý của công tác tổ chức, Kinh nghiệm quản lý, Chuyện thường ngày ở huyện, Xa Mạc Tư Khoa... Trong những quyển sách này, có nhiều nguyên tắc quản trị mà các nhà kỹ trị muốn thành công cần phải thuộc.
PV: So với những năm thập niên 1990, văn hóa đọc bây giờ có gì khác, theo ông?
- Khác và không khác. Trong văn hóa đọc có ba yếu tố: thói quen đọc, sự yêu thích đọc và kỹ năng đọc. Trong đó, yếu tố hai và ba là có khác và thay đổi nhưng thói quen đọc thì không.
Trước đây thói quen đọc của người Việt vẫn thấp và bây giờ cũng không thay đổi. Lấy số liệu của xuất bản từ năm 2014-2019 của cả ngành xuất bản thì suốt 6 năm qua, số bản sách lưu hành chỉ trên dưới 400 triệu bản/năm. Nếu chia bình quân cho khoảng 90 triệu dân thì chỉ có hơn 4 cuốn sách/người/năm, trong đó gần 3 đầu sách là sách giáo khoa và giáo trình. Cho đến bây giờ con số đó vẫn không nhúc nhích. Trong khi tại Malaysia năm 2002 là 2 đầu sách/người/năm và bây giờ là 15 đầu sách/người/năm. Đây cũng là mục tiêu của Hội Xuất bản trong những năm tới, làm sao cho các hoạt động khuyến đọc ngày càng hiệu quả.
* Nhưng chỉ tuyên truyền và các hoạt động khuyến đọc thì chưa phải là giải pháp gốc rễ...
- Đúng. Ở các nước phát triển, hay ngay khu vực Đông Nam Á, khi ra bến xe, bến tàu, trên xe điện, trạm xe buýt... đều thấy cảnh nhiều người cầm sách chăm chú đọc và hình ảnh ngược lại của chúng ta là dành thời gian đó để chuyện trò hoặc xem điện thoại.
Một trong những nguyên nhân để người Việt không có thói quen đọc sách là do không được hình thành thói quen đọc từ khi còn nhỏ, con trẻ trong gia đình cũng ít được bố mẹ khuyến khích đọc sách, cộng thêm đó là công nghệ và nhiều thể loại giải trí khác bao vây trẻ mỗi ngày. Ngay trường học, phần lớn là sách giáo khoa, giáo trình cũng chỉ là sách công cụ để phục vụ việc học, chưa có tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu mà chỉ đọc vào giờ ra chơi - giờ mà các em phải được giải lao, thì làm sao đọc sách một cách hiệu quả để trở thành thói quen tốt được?
PV: Nghĩa là khó thay đổi và không có giải pháp?
- Khó nhưng không phải không có giải pháp. Cách đây vài tháng, một tín hiệu vui là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn cho các trường hình thành các tiết đọc sách tại thư viện linh hoạt trong thời khóa biểu từ 2-4 tiết/tháng. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đẩy mạnh việc dạy và học tương tác giữa thầy và trò thông qua sách và các tiết học ngoại khóa, tạo cho học sinh thói quen đọc sách để phục vụ cho việc học. Đây là điều tốt nhưng chưa mừng vì mới chỉ là tín hiệu, việc thực hiện vẫn chưa đồng bộ và còn nhiều khó khăn. Đơn cử là chính thầy cô giáo cũng không phải ai cũng có thói quen đọc và thích đọc thì sẽ khó để khuyến khích và truyền cảm hứng cho học sinh.
PV: Gần đây, nhiều doanh nhân đã có thói quen đọc sách, cũng là tín hiệu vui, ông có thấy như thế?
- Đã có rất nhiều doanh nhân quan tâm đến sách và đọc sách nhưng vẫn chưa phải đa số và nếu là tín hiệu thì cũng chưa vui. Với những doanh nhân đọc sách và xem sách như một phương tiện để nạp kiến thức, vốn sống và tìm kiếm kỹ năng, giải pháp trong kinh doanh, trong lãnh đạo thì thường đa số là những người thành công thật sự trong quản trị và kinh doanh. Bởi họ tìm được giá trị đích thực từ sách phục vụ cho nghề nghiệp, phát triển bản thân.
PV: Trở lại câu hỏi còn bỏ ngỏ về nghiệp và duyên với sách. Là ông chọn nghề?
- Quê tôi ở Quảng Nam, mười tuổi theo gia đình vào Nam để tránh sự đàn áp của Ngô Đình Diệm với những người kháng chiến trong gia đình tôi.
Năm 1970, tôi tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Rồi vào Đoàn, vào Đảng, 20 tuổi bị bắt vào tù và biệt giam đến 30/4/1975 mới được ra... Sau đó về làm công tác thanh niên ở Thành Đoàn, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố rồi làm công tác chuyên gia thanh niên ở Campuchia.
Năm 34 tuổi, có đề nghị chuyển tôi về làm công tác chính quyền nhưng tôi lại xin làm công tác văn hóa vì đã quen, gắn bó và thích, nhất là thích đọc sách. Thế là tôi về Nhà xuất bản Trẻ, sau đó làm Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, rồi Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn.
Ngẫm lại, cả cuộc đời gần như gắn với lĩnh vực văn hóa, đến các hoạt động tinh thần, kể cả thời kỳ tham gia đấu tranh sinh viên cũng thông qua văn hóa để tập họp, vận động những người trẻ cùng lứa đấu tranh. Đó là duyên nghề chọn tôi và tôi cũng chọn nghề.
PV: Nghe nói, thời còn làm Phó chủ tịch Hội Xuất bản, ông đã “nhăm nhe” ý tưởng thực hiện đường sách.
- Đó là ý tưởng của tôi và một số anh em gắn bó với ngành xuất bản là muốn tạo ra một điểm đến văn hóa của người dân Thành phố, cũng như một không gian để lan tỏa và khích lệ tinh thần khuyến đọc. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng không ít khó khăn. Nhưng mừng là 5 năm qua, đường sách đã trở thành điểm hẹn cuối tuần, sau giờ làm việc, học tập cho rất nhiều người dân Thành phố. Đây cũng là một không gian cho nhiều hoạt động văn hóa, giới thiệu sách, giao lưu quốc tế...
PV: Bên cạnh công việc chính ở đường sách, ông vẫn tham gia hoạt động mới như Phó chủ tịch Hội đồng sách doanh nhân, ông tìm thấy niềm vui gì?
- Việc thành lập Hội đồng sách doanh nhân là sáng kiến của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và mỗi năm vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sẽ có các hoạt động giới thiệu sách do doanh nhân viết. Sáng kiến này đã được nhiều doanh nhân tham gia nhiệt tình, cho thấy sự quan tâm của doanh nhân đến sách và đời sống văn hóa tinh thần. Đó là niềm vui rất lớn của những người sáng lập ra Hội đồng sách và của riêng tôi - một người đã gắn cả cuộc đời với sách.
Hoạt động này cũng tạo ra hiệu ứng văn hóa đọc tốt, khích lệ phong trào viết và đọc trong doanh nhân. Thông qua sách, họ cũng gửi gắm những thông điệp tích cực, truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho nhiều bạn đọc trẻ. Ngược lại cũng tạo nên thương hiệu cá nhân của người viết thông qua tác phẩm.
PV: Nhưng liệu có quá ít đầu sách doanh nhân viết không, thưa ông?
- Mục tiêu của chương trình là đi vào thực chất, không cần nhiều, không phát triển ồ ạt mà cần chất lượng. Các doanh nhân tham gia cũng phải là người thật sự yêu sách và thích viết sách. Các tác phẩm của họ phải hữu ích, hay và thuyết phục.
* Dịch COVID-19 cũng là dịp để nhiều người sống chậm và suy ngẫm lại nhiều thứ trong cuộc sống mà trước đây khó thể nhìn lại, ông đã suy ngẫm điều gì?
- Nhìn lại cuộc đời đã qua, tôi thấy hài lòng và hạnh phúc với con đường đã chọn. Công việc cũng cho tôi “giàu có” hơn về vốn sống, tinh thần và các mối quan hệ, đặc biệt là một nhân hiệu Lê Hoàng mà tôi có sự an lòng nhất định.
Trước nay, khi ngồi trò chuyện với phóng viên là lúc tôi thường bị quyện vào công việc nhưng bây giờ ở tuổi ngoài sáu mươi, nhất là những ngày tháng này, khi đã thoát ra khỏi công việc, tôi có nhiều thời gian hơn để nhìn lại mình, sống cho gia đình và bản thân. Những gì tôi có thể chia sẻ với bạn bây giờ là giá trị sống, giá trị mang tính người hơn - một giá trị có tính bất biến mà chỉ ở tuổi này mới ngộ ra và ngẫm được. Còn trước đây những gì tôi có chỉ là bài học đúc kết và kinh nghiệm.
PV: Giá trị sống đó là...
- Năm 2014, trước khi về hưu vài tháng, tôi bắt đầu suy nghĩ mình sẽ sống thế nào khi về hưu? Và tôi đã đọc rất nhiều bài viết về đề tài sinh - ký (ký thác), tử - quy (nạp, hướng về). Đây là một câu dù chỉ bốn chữ mà bất cứ ai ở tuổi xế chiều cũng đều phải quan tâm. Theo những bài viết này, từ lúc sinh ra đến trước tuổi 60, con người sẽ ký thác cuộc đời mình vào cõi tạm của thế gian này và sau 60 tuổi sẽ là lúc quy (quay về núi, rụng về cội). Nhưng khi đọc hết những bài có chữ quy, tôi ngộ ra tử không có nghĩa là chết mà là trên con đường để đi về cõi chết và quy là quay trở về với những giá trị. Nghĩa là những ngày tuổi già trên hành trình đi về cát bụi, hãy sống bằng giá trị tốt đẹp nhất. Và khi trả lời câu hỏi mình sẽ làm gì trước khi chết là đã tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho mệnh đề tử - quy.
PV: Mang lại cho mình niềm vui, hạnh phúc, sự tự tại, an nhiên, phải chăng chính là những giá trị tốt đẹp nhất mà ông vừa nói?
- Đúng vậy. Có 5 biểu hiện của giá trị đó, đầu tiên là sức khỏe. Suốt 7 năm liền trước đó, tôi thường xuyên phải uống thuốc trị bịnh rối loạn lo âu (stress) thì đã 5 năm từ khi về hưu, tôi không cần uống nữa; thứ hai là niềm vui từ mái ấm gia đình, từ những bữa cơm gần như phải có mỗi ngày cùng cả nhà, là thói quen ăn sáng cùng bà xã để cùng chia sẻ những câu chuyện về mối quan hệ gia đình, việc dạy dỗ con, cháu trong nhà....
Thứ ba là bạn hữu, được trở lại với những người bạn chí cốt khi xưa để cùng chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm đẹp, tếu táo vài câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi nhưng toàn thế thái sự đời mà khi xưa không có nhiều thời gian cho nhau. Ở tuổi trước 60, bạn bè nhiều lắm nhưng giá trị thật về bạn thì chưa hẳn. Bởi khi đó, con người có thể thân mật, dành cho nhau những lời “ngon ngọt” khi gặp nhau, trên bàn nhậu nhưng khi về hưu thì sẽ chẳng còn mấy bạn bè đó nữa. Và chỉ khi hưu rồi, chân giá trị của tình bạn chí cốt, mình mới thẩm thấu và ngẫm được.
Thứ tư là trở về và đóng góp cho quê hương, dòng tộc, nơi nguồn cội của mình và cuối cùng là năng lượng để cống hiến cho những gì là sở trường, công việc yêu thích. Đó chính là lý do tôi đau đáu và góp phần cho sự ra đời đường sách này. Nó cũng chính là những giá trị tôi muốn có trên hành trình còn lại của tuổi già.
Riêng đại dịch COVID-19, mặc dù nó gây ra cho con người nhiều khó khăn, tổn thất nhưng nhiều điều tốt đẹp cũng được nhận ra từ đây. Đây cũng là dịp để mọi người biết sống vì nhau, quan tâm đến nhau và nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống cũng như tình người đã được lan tỏa.
PV: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện rất thú vị.
Link bài gốc.