GS. Adam Grant - giáo sư uy tín đã có kinh nghiệm giảng dạy 6 năm ở Wharton.
|
“Sơ yếu lý lịch, CV (Curriculum Vitae) giới thiệu quá trình phát triển sự nghiệp của chúng ta thường chỉ bao gồm những thành tích đã đạt được và bỏ qua những thất bại xen giữa những lần thành công đó. Tuy nhiên, chúng ta nên cởi mở hơn với những thách thức mình từng phải đối mặt”.
GS. Adam Grant cho biết trong buổi phỏng vấn với CNBC về nguồn cảm hứng đối với những “lý lịch thất bại”.
Adam Grant là giáo sư uy tín đã có kinh nghiệm giảng dạy 6 năm ở Wharton – một trong những trường kinh doanh hàng đầu nước Mỹ, thuộc Đại học Pennsylvania. Ông còn là nhà nghiên cứu, cố vấn (làm việc với nhiều khách hàng lớn như Facebook, Google, Goldman Sachs…), tác giả nhiều lần có sách bán chạy trên New York Times, là diễn giả chính thường xuyên tại nhiều sự kiện.
Ý tưởng này của Adam Grant được khơi nguồn từ “bản lý lịch thất bại” (CV of Failures) của GS. Johannes Haushofer, giảng viên của Trường Princeton. Bên cạnh CV về những thành tích trong sự nghiệp, CV về những thất bại này được GS. Haushofer viết ra nhằm giúp mọi người có một cái nhìn khách quan và trung thực về toàn bộ quá trình phát triển sự nghiệp của ông.
Trên thực tế, GS. Haushofer không phải là người đầu tiên viết bản tường trình về những thất bại của mình. Hiện tại, có nhiều nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên khác cũng đã và đang có cách làm tương tự.
Với GS. Grant, lý lịch về thất bại của một người là lời nhắc nhở rằng bản CV chính thức (thường chỉ bao gồm những thành tích mà người đó đạt được) không phải là một bức tranh hoàn chỉnh. “Khi tập hợp những thông tin cá nhân vào CV, cũng giống như rất nhiều người, tôi thường quên mất bao nhiêu lần mình đã thất bại và bao nhiêu mục tiêu mình đã không đạt được”, GS. Grant thừa nhận.
Adam Grant dẫn chứng, khi tham gia buổi phỏng vấn cho công việc giảng dạy đầu tiên sau khi tốt nghiệp, ông được bảo rằng không có khả năng giảng dạy các sinh viên học MBA. Lúc mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, khi dạy một khóa học dành cho các quân nhân, ông tiếp tục nhận được nhiều phản hồi tiêu cực lẫn những chỉ trích vì tuổi đời còn quá trẻ. “Thật khó dùng một từ chính xác để diễn tả những phản hồi tôi nhận được lúc đó, có thể gọi là một sự hủy hoại tâm hồn”, GS. Grant nói.
Dù gặp nhiều thử thách, thất bại trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, GS. Grant vẫn kiên trì và cam kết phát triển những kỹ năng giảng dạy của mình. Vị giáo sư cho biết điều này chính là chìa khóa thực sự giúp ông đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp.
“Để thành công, tôi nghĩ không có bất kỳ kỹ năng nào quan trọng hơn sự kiên cường. Tôi nghĩ sự kiên cường giống như sức mạnh và tốc độ mà bạn phản ứng lại với nghịch cảnh. Do đó, khi bạn gặp khó khăn, thử thách, điều quan trọng là bạn sử dụng sức mạnh để vượt qua nó một cách hiệu quả và nhanh chóng như thế nào”, GS. Adam Grant nói về kỹ năng vượt qua thất bại.
Bản "lý lịch thất bại" chính là "công cụ" để rèn luyện kỹ năng này.
Link gốc.