Giữ lại ước mơ

Có một cậu bé sống cùng với cha mình, người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo giao viết một bài văn với đề tài "Lớn lên em muốn làm nghề gì?".

Ai cũng có ước mơ và khát vọng. Ảnh minh họa

Đêm đó, cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa. Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.

Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy: "Đến gặp tôi sau giờ học".

Cuối giờ, cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

- Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1?

- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không có được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ xét lại điểm số của em. Rõ chưa?

Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến. Người cha nói:

- Con yêu, chính con phải quyết định vì ba nghĩ đây là ước mơ của con.

Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:

- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua. Ngày nọ, vị thầy giáo đó dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò cũ đã gặp lại nhau. Cầm tay trò, thầy nói:

- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh. Và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:

- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.

Khi là một nhà lãnh đạo, quản lý hay người dẫn dắt, bạn thường “đối xử” với ý kiến và suy nghĩ của nhân viên như thế nào?

Chắc chắn rằng không phải mọi ý tưởng đều là tiềm năng, cũng như mọi ước mơ sẽ có thể thành hiện thực. Nhưng quan trọng là chúng ta thực tâm lắng nghe tiếng nói của người khác bằng sự chia sẻ và thái độ động viên. Đặt mình ở vị trí người khác khi họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, bạn sẽ giúp mọi người đến gần với ước mơ của họ hơn. Còn theo đuổi khát vọng là nhiệm vụ của người viết nên nó.


  • 23/07/2014 04:40
  • Tổng hợp theo www.careerbuilder.vn
  • 1983


Gửi nhận xét