Trong cảm xúc, 80% sự khích lệ cảm xúc thuộc tầm kiểm soát của người quản lý. Chris Roebuck cũng chia ra 9 loại cá tính của nhân viên và đề xuất các giải pháp khích lệ phù hợp.
Nhân viên thích an toàn
Kiểu nhân viên này luôn tìm kiếm sự an toàn, ổn định và không quá khó để nhận ra. Họ thích làm việc trong các tổ chức có truyền thống lâu đời và được giữ một vị trí cụ thể nào đó. Từ đây, họ có thể nhìn thấy hướng phát triển sự nghiệp của mình. Để được khích lệ, họ cần được tương tác liên tục với sếp - đặc biệt là những điều gì liên quan đến kết quả hoạt động tốt đẹp đang diễn ra trong đơn vị.
Việc thường xuyên được cung cấp thông tin chính xác về hoạt động của đơn vị luôn là giải pháp động viên, khích lệ họ làm việc. Những mẩu tin ngắn hoặc những thông báo qua email cũng rất hữu ích đối với họ. Vì vậy, lãnh đạo cần thể hiện rõ những gì mong đợi từ những nhân viên này, kết nối nhu cầu mục tiêu với sự an toàn và tích cực hỗ trợ họ. Hơn nữa, cần đánh giá cao và có sự khen thưởng kịp thời lòng trung thành, sự tận tâm làm việc của họ.
Nhân viên “ngôi sao”
Một nhân viên “ngôi sao” luôn biết cách tỏa sáng và sẽ tìm kiếm sự ghi nhận và tôn trọng của mọi người xung quanh. Họ thích những quyền lợi có thể nhìn thấy được gắn liền với vị trí trong công việc được giao, thích những tổ chức có cấp bậc rõ ràng, có chức vị và có cơ hội được tỏa sáng. Hãy khích lệ họ bằng phần thưởng và vị trí trong công việc. Đồng thời cố gắng cho họ được tham gia vào các dự án và có mục tiêu phát triển sự nghiệp rõ ràng, thường xuyên đánh giá kết quả mà họ đang theo đuổi.
Nhân viên “ngôi sao” đặc biệt coi trọng các phản hồi tích cực và thích được công khai để mọi người đều biết. Vì vậy, khi họ đạt được một mục tiêu nào đó, hãy ghi nhận và khen thưởng cho họ một cách công khai, minh bạch.
Người xây dựng
Họ là những người biết kiếm tiền, đảm bảo thỏa mãn vật chất và có mức sống trên trung bình. Họ muốn thành quả sẽ luôn đi kèm với phần thưởng và thích những công việc có mức lương khá, luôn có sự thăng tiến. Họ rất phấn chấn khi nhìn thấy con đường sự nghiệp cũng như kế hoạch cụ thể và được cấp trên thường xuyên đánh giá hiệu quả công việc của họ, giúp họ ngày càng nâng cao trách nhiệm. Hãy kích thích tinh thần cạnh tranh của họ bằng những hoạt động thể thao và các cuộc thi.
Nhà sáng tạo
Họ luôn tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo và thay đổi. Họ thích giải quyết vấn đề, tìm kiếm công việc trong các tổ chức hay môi trường giàu tính sáng tạo và có nhiều thử thách. Hãy nhìn nhận khả năng của họ bằng cách thưởng các thành quả của sự sáng tạo đổi mới do họ thực hiện. Không nên đặt họ vào vị trí công việc nhàm chán, không cần nhiều sự sáng tạo trong một thời gian dài vì họ sẽ mất đi sự sáng tạo. Hãy tạo cho văn phòng làm việc luôn sống động, xây dựng không gian tranh luận để tìm ra ý tưởng mới.
Nhân viên thích được tự chủ
Họ đi tìm sự tự do, độc lập và tự chủ, thích tự kiểm soát thời gian, tự ra quyết định. Sếp có thể khích lệ họ bằng cách chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của công ty, cho phép họ được tự chủ trong công việc. Nên nhớ rằng họ ghét sự quan liêu, đồng thời những giới hạn, nguyên tắc và thủ tục dễ làm họ nản chí. Hãy cụ thể về mục tiêu, tránh quản lý vi mô, nhưng cần tạo ra ranh giới rõ ràng để trao cho họ sự tự do mà họ cần. Những người này được khích lệ khi có sự hỗ trợ, tư vấn và có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc. Họ cũng thích các sự kiện xã hội và một văn hóa tập trung vào con người.
Chuyên gia
Chuyên gia khao khát kiến thức, sự tinh thông và khả năng chuyên môn sâu. Họ thích những vị trí đòi hỏi kỹ năng, kiến thức chuyên môn và cần những môi trường làm việc mà sự phát triển cá nhân sẽ đưa đến sự nhìn nhận chính thức về trình độ chuyên môn. Chìa khóa để khích lệ họ là đào tạo, huấn luyện và cố vấn; đặc biệt là khi điều này gắn liền với sự thăng tiến. Họ cũng thích được khích lệ bởi những mục tiêu tham vọng và thích cố vấn cho người khác để có cơ hội chia sẻ sự am hiểu trong những lĩnh vực chuyên môn sâu. Và đừng quên kết nối họ với các chuyên gia khác.
Người tìm kiếm
Người này đi tìm ý nghĩa, mục đích và muốn tạo nên sự khác biệt. Họ thích những tổ chức có mục đích, những dự án và vị trí có thể chăm sóc người khác, có cơ hội đối diện với khách hàng. Công cụ hàng đầu để khích lệ họ là những lời khen và phản hồi tích cực, thường xuyên. Họ như được tiếp thêm năng lượng nếu những mục tiêu của họ được kết nối với tập thể, với tổ chức và mọi người biết rằng, họ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào. Hãy trao cho họ những việc quan trọng và giúp họ nhìn thấy bầu trời luôn rộng mở.