… Tháng 10/1954, tôi được phân công về đoàn của đồng chí Hồ Quý Diện, tiến vào Hà Nội, đi tiền tiêu nắm tình hình hệ thống điện. Tiếp đó, tôi được bố trí vào Ban tiếp quản Nhà máy điện Yên Phụ dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Hạnh. Trên đường về nước, tôi đã chuẩn bị tinh thần và đinh ninh mình được bố trí công tác tại chiến khu, song thế cuộc đại thắng đã chuyển hướng, tôi được phân công vào tiếp quản Thủ đô và được giao nhiệm vụ điều hành kỹ thuật nhiệt điện. Đây là một bước ngoặt và là thử thách mới trong cuộc đời tôi.
Với vị trí công tác được phân công: Vận hành, giữ vững dòng điện cho Thủ đô, đảm bảo nguồn sáng liên tục, an toàn, người kỹ sư độc nhất của Ban tiếp quản không khỏi lo lắng trước nhiệm vụ mới, nhưng vẫn vững tâm bởi đã nắm vững và thông thạo về kỹ thuật nhiệt điện, nhiệm vụ phù hợp với ngành nghề đã học, có kinh nghiệm thực hành.
Nhà máy điện Yên Phụ được khởi công xây dựng năm 1925, cuối năm 1932 Nhà máy được khánh thành. Đến năm 1949 tiếp tục mở rộng công suất với tổng công suất 22,5 MW.
Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954 - Ảnh: Trần Nguyên Hợi
|
Cấp trên giao cho tôi thời gian sau 3 tuần phải nắm được tình hình kỹ thuật, quy trình hoạt động của Nhà máy để nhanh chóng tự điều khiển, vận hành toàn bộ thiết bị, đảm bảo nguồn điện cho Thủ đô. Nhờ thông thạo về cơ điện và nỗ lực làm việc, chỉ sau 10 ngày, tôi đã tự đảm nhận các khâu kỹ thuật, thao tác toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ đốt lò cấp hơi sang tuabin làm quay máy phát điện, hòa vào hệ thống lưới phân phối, sớm tách 3 chuyên viên Pháp ra khỏi phần trực tiếp chỉ huy vận hành. Việc tôi nhanh chóng bao quát nắm được tình hình các thiết bị và làm chủ quy trình điều hành sớm trước thời hạn đã làm cho lãnh đạo thêm tin tưởng và các chuyên gia Pháp rất đỗi ngạc nhiên.
Tình trạng ở Nhà máy lúc này chưa có quy trình vận hành, mọi khâu thao tác đóng, mở máy đều do sếp Tây tự giữ độc quyền điều khiển đã gây rất nhiều khó khăn, không xác định được căn cứ làm chuẩn để đưa việc tiếp nhận và điều hành vào nề nếp. Do vậy, điều cấp thiết trước tiên trong trọng trách trực tiếp quản lý kỹ thuật nhiệt điện là tôi phải chấn chỉnh ngay nề nếp thao tác theo quy trình. Mỗi van đều được đánh số đặt tên, có chỉ dẫn tác dụng ở từng công đoạn, tránh được sự nhầm lẫn trong khi thao tác. Các trưởng ca trực vận hành được tôi cấp tốc đào tạo dựa trên quy trình vận hành mới soạn ra. Nhờ có tài liệu kỹ thuật cụ thể đó mà phía tiếp quản của ta đã nhanh chóng đảm nhiệm thành thạo khâu vận hành nhà máy.
Việc duy trì các tổ máy hoạt động ổn định và đảm bảo an toàn nguồn điện cho Thủ đô đã nâng cao uy tín cho chính quyền cách mạng, tăng lòng tin của nhân dân đối với khả năng quản lý xã hội của Ban tiếp quản, tạo tiền đề tốt cho việc điều hành ngành Điện non trẻ sau này.