Ám ảnh “giao thừa giá lạnh”
Tết đèn dầu trong ký ức đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.
|
“Mưa, rét căm căm, đêm tối mịt mù và chiếc đèn dầu leo lét… Niềm vui lớn nhất của các gia đình là quây quần bên nồi bánh chưng, đón Giao thừa” - Anh Tô Hoàng (Vị Xuyên, Hà Giang) chia sẻ - “Cảm giác ấm áp, lãng mạn thật đấy, nhưng cũng rất ngắn ngủi, vì khi nồi bánh chín, lửa tàn, cũng là lúc cả nhà phải đi ngủ, làm gì có điện, có tivi với các chương trình đón Tết rộn ràng như bây giờ”. Anh Hoàng quê gốc ở Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, gắn liền với “cao nguyên đá” suốt quãng đời thơ ấu đến trưởng thành, chứng kiến cái đói, cái nghèo đeo bám người dân nơi đây. Với anh, những cái tết đèn dầu đã thành một miền ký ức đầy ám ảnh.
Anh Hoàng kể bằng giọng bồi hồi, xúc động: “Những “giao thừa lạnh giá” trên cao nguyên đá, buồn không thể tả được! Vì những ngày còn nhỏ, tôi hay cùng bố ở lại cơ quan trực Tết, do gia đình, mẹ và chị đều ở Tuyên Quang, chỉ 2 bố con ở Hà Giang. Có năm, tôi được bố dẫn vào nhà đồng nghiệp đón giao thừa ở một xã vùng cao, đồng nghiệp của bố tôi là người Mông. Lần đó, không hiểu nghịch ngợm thế nào, tôi bị bố mắng, nên đã bỏ ra sân. Định ra ngoài một lúc để đợi bố gọi vào, ai ngờ đêm tối, đi ra đi vào một hồi thì tôi lạc ngõ. Mà ngõ nào cũng tối mù mịt, càng đi càng xa, càng tối. Tôi đã khóc đến khản cả tiếng, rét và sợ đến hoảng loạn. Phải rất lâu sau đó, bố mới tìm được tôi, dẫn về thì cả người tôi đã lạnh cóng. Và suốt đêm giao thừa năm đó, tôi sốt cao, mê sảng liên tục. Cảm giác đó, có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được. Nếu nhà nhà, ngõ/phố nào cũng sáng trưng ánh điện, lung linh như bây giờ, thì đâu đến nỗi”.
Đêm giao thừa và nỗi sợ... mất trộm!
Nhớ về cái Tết những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi chưa có điện, cụ Nguyễn Thị Khuyên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, năm nay đã hơn 100 tuổi, tuy mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng dường như những kỷ niệm vẫn còn rất rõ trong ký ức. Cụ kể chậm rãi: “Nhà tôi đông con, cả nhà 7 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào ruộng. Thời tiết ở đây mưa nắng thất thường, mất mùa liên miên. Những năm chưa có điện, Tết cũng giống như ngày thường, đèn dầu cũng không được thắp nhiều, vì làm gì có tiền mà mua dầu! Nhóm bếp lửa lên, luộc nồi bánh chưng, bánh dầy, cúng tổ tiên xong là đi ngủ, tắt đèn cho đỡ… tốn dầu! Mà có thức cũng không biết làm gì! Nhìn ra xung quanh, hành xóm, láng giềng, bốn bề yên tĩnh, tối như bưng lấy mắt. Chưa có điện sáng từ ngõ vào nhà, từ sân ra phố như bây giờ, nên chúng tôi có một nỗi sợ rất lớn mỗi dịp tết về, đó là... mất trộm! Tôi nhớ có năm, cả nhà túm tụm bên bếp lửa đợi giao thừa, lúc ra sân thì ôi thôi, cả đàn gà, xô chậu để ngoài sân đều không cánh mà bay. Nhà thì nghèo, lại còn mất trộm, thế là coi như hết Tết, buồn hiu hắt”.
Suýt chết vì... đèn dầu!
Đèn dầu - Nguồn sáng "chắt chiu" những ngày chưa có điện.
|
Kể về những cái Tết chưa có điện, nhà báo Nguyên Long (Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam) vẫn còn run vì sự cố đổ đèn dầu đêm giao thừa, suýt chết… Đó là ngày chị còn nhỏ, có một năm, qua Giao thừa mà nồi bánh chưng vẫn chưa chín, bố bắt mấy chị em đi ngủ, nhưng không ai muốn ngủ, nên đã mang đèn vào màn chơi tam cúc. Mải mê thế nào, chẳng may, đèn đổ, dầu loang cả ra giường, cháy bùng lên chăn, màn. “Thật may là bố mẹ tôi cũng chưa ngủ, nghe mấy chị em hét toáng lên, chạy ngay vào dập lửa” - Chị Nguyên Long vẫn có vẻ chưa… hết sợ khi nhớ lại.
Nhà báo Nguyên Long chia sẻ thêm: Hà Nam quê tôi, xưa kia là vùng chiêm trũng, nghèo lắm. Nhất là thời chưa có điện, thắp đèn dầu leo lét, muỗi nhiều kinh khủng. Đêm giao thừa, nhiều lúc nấu xong nồi bánh, làm xong cỗ cúng thì người cũng chi chít vết muỗi cắn.
Và những nỗi buồn “không thể gọi tên”
Trong rất nhiều kỷ niệm không thể quên của những cái “Tết đèn dầu” xa xôi, vợ chồng anh Hứa Đình Trường và chị Trịnh Thị Hiền (thôn Nà Làng, xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) tâm sự: “Nhớ nhất vẫn là việc cả nhà tiết kiệm tiền để mua dầu thắp trong dịp tết. Nhà nào khá giả thì thắp đèn măng - xông (một loại đèn dầu lớn có từ thời Pháp thuộc), nhà nào nghèo thì thắp đèn dầu nhỏ thông thường, nhưng cũng phải rất “chắt chiu”. Bình thường, nhà tôi có mỗi ngọn đèn, đi đâu lên nhà, xuống bếp, đều phải cầm theo. Vì thế, cả nhà quyết tâm tiết kiệm, mua thêm 2 ngọn đèn nữa, để dùng thoải mái trong dịp tết. Đâu được như bây giờ, điện sáng bừng từ nhà ra ngõ”.
Còn với ông Trần Văn Khái (ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) – người có nhiều năm gắn bó với quân ngũ, trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã nghỉ chế độ khá lâu, nhưng ký ức về những cái Tết “đèn dầu” vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí. Ông kể, sau khi xuất ngũ, ông trở về đón cái Tết đầu tiên cùng vợ con trong ánh đèn dầu leo lét. Ngọc Lặc cũng như nhiều huyện vùng cao Thanh Hóa, những năm chưa có điện, đói, nghèo triền miên. Lúc đó, ông mới cảm nhận được rõ nhất nỗi buồn vì cái đói, cái nghèo. Đó có lẽ cũng chính là động lực để vợ chồng ông quyết tâm phấn đấu cho con ăn học đến nơi đến chốn, có đủ tri thức, tự lập nghiệp, thoát nghèo...
Và như vậy, những cái “Tết đèn dầu” năm xưa đã trở thành một phần ký ức khó quên của rất nhiều thế hệ. Nhớ về những năm tháng ấy, tuy có buồn, nhưng cũng là để yêu hơn, trân trọng hơn cuộc sống hôm nay với ánh điện lung linh, rực rỡ. Cũng là để hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những người đã hy sinh cả ngày nghỉ, ngày Tết, trực vận hành nhằm đảm bảo cho người dân dòng điện sáng. Và một mùa xuân mới lại về, thêm nhiều gia đình sẽ được đón Tết trong ánh sáng điện, thêm nhiều niềm vui, hy vọng đang được nhân lên.