Khổ vì sếp quý, đồng nghiệp ghét

Thường nhân viên chỉ stress khi việc quá nặng, sếp thúc ép, ghét bỏ. Thế nhưng không ít người lại thấy khổ không kém chỉ vì sếp dành cho nhiều ưu đãi.

Ảnh sưu tầm

Sếp quý, đồng nghiệp ghét

Vừa ra trường nhưng có ông chú là “sếp tổng” của một tổng công ty kinh doanh nước giải khát nên Thủy (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được nhận ngay vào một công ty thành viên, nơi giám đốc là “lính” của chú. Hăm hở đến nhận công việc mới, Thủy xác định tinh thần ngay từ đầu là sẽ cố gắng làm việc, khẳng định vị trí của mình bằng chính năng lực thực sự của bản thân chứ không dựa vào “bóng” của ông chú. Thế nhưng, mặc dù Thủy luôn tỏ ra hòa đồng, khiêm tốn với đồng nghiệp, chịu khó học hỏi và thực tế cô là người có năng lực, Thủy thường nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của nhiều người. Trong công việc, họ cũng tỏ ra không hợp tác với cô.

Nghĩ mãi, Thủy mới vỡ lẽ ra lý do là cô luôn được giám đốc quá ưu ái. Được cấp trên gửi gắm cháu gái, giám đốc hết sức “chăm sóc” Thủy. Cô luôn được giao những việc thuận lợi. Có những việc, người khác làm thì sếp không khen nửa lời, nhưng nếu là Thủy thì sẽ nhận được lời biểu dương của sếp... Điều này khiến các đồng nghiệp ác cảm với cô. Cô đành chọn cách chuyển việc cho đỡ mệt mỏi tinh thần.

Nỗi khổ “con bố…”

Chung cảnh ngộ với Thủy là An, nhà ở phố Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, có bố là “sếp của sếp” và được đưa vào một cơ quan do cấp dưới của ông quản lý. An được sếp biến thành '‘cây cảnh” trong cơ quan. Mỗi khi họp hành, kiểm tra cuối năm mà có cấp trên xuống dự, sếp thường giới thiệu An theo kiểu: “Đây là con gái anh Thể (tên bố An)” mà chẳng mấy khi nhắc cô là ai, đảm nhiệm việc gì ở cơ quan. Dường như với sếp, việc An là “con bố Thể” mới quan trọng, còn cô có làm được việc hay không chỉ là chuyện nhỏ. Vì thế, những công việc khó khăn sếp không bao giờ giao cho An. Cô nhận lương, thưởng đầy đủ mà không mấy khi phải động tay đến việc gì. “Bố cháu bảo con gái chỉ cần làm việc gì nhàn nhã là được”, sếp bảo An thế khi cô thắc mắc.

Không phải là người kém cỏi nên An rất khó chịu khi sếp "tạo điều kiện" cho cô kiểu như vậy. Còn các đồng nghiệp luôn nhìn An với ánh mắt coi thường, cho rằng cô chỉ dựa vào cái bóng của bố để kiếm một suất “biên chế nhà nước” chứ không làm nổi việc gì. Trước mặt, họ vẫn vồn vã hỏi han, nhưng sau lưng lại dè bỉu khiến cô rất ức chế, mệt mỏi mỗi khi đến cơ quan. Cuối cùng, An quyết định bỏ ra làm ngoài, nơi cô có thể thoát khỏi cái tiếng “con bố…” để tự khẳng định năng lực của mình.

Không chỉ bị đồng nghiệp ghét, cô lập mà còn bị chơi xấu chỉ vì cái “vinh dự” được sếp yêu quý, đó là trường hợp của Đại (Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội). Là một kỹ sư tin học giỏi, Đại được giám đốc mời về với những ưu đãi đặc biệt, vượt trội hẳn so với nhiều nhân viên cũ. Sếp luôn tạo mọi điều kiện cho Đại làm việc tốt. Một vài dự án quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao, sếp cũng thường đặc cách giao trực tiếp cho Đại mà không thông qua bước chọn lựa ý tưởng của mọi người theo quy định. Tất nhiên, những dự án này bao giờ cũng có nhiều tiền hoa hồng hơn. Bị động chạm đến quyền lợi, nhiều đồng nghiệp tỏ ra khó chịu, ganh ghét ra mặt. Ngoài chuyện xì xèo nói xấu, khích bác, họ còn hùa nhau chơi xấu sau lưng Đại.

Một lần Đại được sếp giao viết phần mềm cho một dự án rất quan trọng. Khi chỉ còn một ngày nữa phải giao nộp sản phẩm, anh thấy toàn bộ công trình làm việc trong gần một tháng của mình đã bị xóa mất hoàn toàn, không cách nào lấy lại được. Lần ấy, Đại phải bỏ ra một số tiền khá lớn để đền vì vỡ hợp đồng của công ty.

Bỏ việc là hạ sách

Thực tế trong công sở, người mà bạn phải tiếp xúc nhiều nhất chính là các đồng nghiệp chứ không phải sếp. Dù là người có năng lực, bạn vẫn có thể gặp khó khăn trong công việc nếu không nhận được sự ủng hộ, hợp tác của họ. Nếu như bạn bị đồng nghiệp ghét vì sếp quá ưu ái, chuyển việc chỉ là hạ sách, bởi vẫn còn những cách khác để bạn chứng minh mình có năng lực chứ không phải đang “núp sau lưng” một ai đó.

Chuyện của Đại, dù biết đích xác thủ phạm xóa mất dự án của mình là người cùng phòng nhưng anh không làm to chuyện. Ngược lại, anh tỏ ra như không biết gì mà còn tìm cách mời cả phòng đi uống bia, hàn huyên tâm sự. Đại bày tỏ cho mọi người thấy thiện chí muốn gắn bó, làm việc hòa đồng cùng mọi người trong công ty. Đại cũng bảo không muốn làm to chuyện vừa rồi vì cho rằng đó chỉ là hành động nhất thời và không muốn người đó phải gặp rắc rối. Cách cư xử đàng hoàng ấy của anh khiến các đồng nghiệp phải suy nghĩ lại. Sau đó, họ thực sự phải thừa nhận năng lực của Đại, hợp tác với anh trong công việc và tôn trọng anh hơn.

Kinh nghiệm của Hà (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) sau đây cũng có thể tham khảo. Hà được nhận vào làm việc từ mối quan hệ quen biết trong khi những người khác đều phải qua nhiều vòng thi tuyển. Lúc mới vào, Hà luôn phải chịu ấm ức, áp lực khi bị đồng nghiệp coi thường vì nghĩ cô "không giống như họ". Không muốn mất đi một chỗ làm tốt và để mọi người hết coi thường, Hà lên kế hoạch "chinh phục" đồng nghiệp và cuối cùng, năng lực của cô đã được họ ghi nhận.

Hà chia sẻ, bí quyết của cô là nhiệt tình tham gia tất cả các công việc chung của cơ quan, luôn cố gắng hết mức để hoàn thành công việc, không ngại nhận những việc khó khăn, vất vả hơn người khác để họ thấy mình không cậy thế để trốn tránh. Hà nói: “Trừ khi mình không có khả năng mới phải dựa dẫm, còn thì chỉ cần kiên trì là có thể tự khẳng định mình và khiến mọi người phải thừa nhận”.


  • 19/11/2014 10:25
  • Tổng hợp theo Baodatviet
  • 2193


Gửi nhận xét