Ảnh minh họa.
|
Họp là một hình thức giao tiếp và là một phần tất yếu trong môi trường công sở. Họp liên quan đến các vấn đề từ những việc bên lề cho đến chuyên môn công việc, việc của cá nhân cho tới việc của cả tập thể.
Theo nhận định của hầu hết dân công sở, đa phần khẳng định họ không thích họp, vừa tốn thời gian mà không hiệu quả. Đơn cử như công ty của Hoài Nga làm về lĩnh vực truyền thông, ngoài những cuộc họp bất thường, buổi họp thường diễn ra vào chiều thứ 2 hàng tuần. Nội dung buổi họp xoay quanh việc nhận xét lại những việc đã và chưa làm được của tuần trước và đưa ra những kế hoạch cho tuần mới. Thông thường những buổi họp kéo dài không quá 1 tiếng, nhưng nhân viên nào cũng cảm thấy căng thẳng vì trong cuộc họp phải đối diện với sếp lớn và tự nhận xét về mình. Một số người cho rằng, nếu họp chỉ dừng lại ở nhận xét và đánh giá thì cũng không có gì phải e ngại. Đằng này, công ty có luật bất thành văn, đó là nhân viên tự phê bình mình về những gì không đạt trong tuần qua.
Nếu nhân viên tự nhận định mọi chuyện của tuần đó diễn ra bình thường mà sếp phát hiện có bất thường, chắc chắn sẽ gặp họa lớn. Không những bị phạt tăng lượng công việc tuần tới mà còn bị trừ lương. Cũng vì thế nên trước khi diễn ra buổi họp, ai nấy đều nát óc cố nghĩ cho ra khuyết điểm của mình trong tuần.
Đối với những nhân viên công ty của Tiến Thành làm về lĩnh vực quảng cáo, họp thực chất là “cực hình” tra tấn lỗ tai. Theo chia sẻ của Thành, họp không có khung giờ nhất định, có khi là họp sáng sớm, khi họp vào giờ ăn trưa, nhiều hôm mọi người chuẩn bị đồ ra về cũng bị sếp kêu ở lại họp “nóng”. Sếp báo họp mà ai đó vắng mặt không phải lý do gặp khách hàng hay liên quan đến việc của công ty, người đó sẽ bị phạt. Vì thế, nhiều lần anh em đồng nghiệp đang ăn cơm bên ngoài thấy điện thoại reng reng của sếp báo họp gấp, người nào người đó ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh về họp không lại phải lĩnh "hậu quả".
Mỗi khi họp, nhân viên ai nấy đều ngao ngán, thể xác thì ngồi nghe sếp thuyết giảng mà tâm hồn để ở tận đâu đâu. Dù được quyền nêu ý kiến cá nhân nhưng tâm lý chung ai cũng ngán ngẩm với những cuộc họp như vậy nên dường như tất cả nhân viên của công ty Thành đều chọn giải pháp im lặng. Điều đó, phần nào lý giải tại sao trong mỗi cuộc họp đông người, sếp vẫn là nhân vật chính với màn độc thoại muôn thuở.
Họp không đến mức hành xác nhưng lại trở thành nỗi khiếp sợ với Thu Hà (nhân viên điều phối công ty giới thiệu sản phẩm camera tại Hà Nội). Theo như lời cô chia sẻ, hình thức họp của công ty Hà khác với những công ty khác ở chỗ họp không có định lượng về thời gian và giờ giấc, bất kể khi nào sếp gọi là họp, mà họp riêng với từng người một. “Nhiều hôm cứ nghe ai trong công ty nói sếp kêu là Hà giật mình thon thót. Mặc dù sếp chẳng la rầy, nhưng cứ nghĩ tới việc phải đối mặt với sếp là tinh thần bị khủng hoảng ghê gớm, sợ đến bủn rủn cả chân tay” – Hà tâm sự.
Trên đây chỉ là vài lý do giải thích cho việc vì sao nhân viên cứ nghĩ đến họp là sợ hãi. Tâm lý chung của mọi người là sợ bị đánh giá thiếu tinh thần trách nhiệm nếu vắng họp. Dù không thích thì mọi người cũng phải mang theo giấy bút ghi ghi chép chép trong cuộc họp. Theo họ, đó chỉ là một trong những công việc phải làm ở công ty. Thực chất họ không hứng thú với việc ngày ngày ngồi nhận xét đánh giá lên xuống rồi phê bình nhận xét những điều ai cũng đã tường tận.
Thay vì dành thời gian họp quá nhiều, các công ty có thể thử chọn phương pháp gửi báo cáo qua mail, vừa tiết kiệm thời gian, vừa hiệu quả, đồng thời tạo được một thói quen làm việc chuyên nghiệp, những vướng mắc khó nói được trao đổi cặn kẽ qua mail để hai bên cùng tìm ra hướng giải quyết dễ dàng hơn.