Khốn khổ vì lệnh cấm ăn, cấm ngủ, cấm đi lại ở cơ quan

Sau khi thông tin một công ty Việt Nam cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng, hàng loạt dân công sở "kể khổ" về vấn đề ăn, ngủ, nghỉ của mình tại cơ quan.

Cảnh tượng nhân viên ngủ lăn lóc khắp nơi khiến giám đốc của chị Quỳnh không vừa mắt và ra lệnh cấm ngủ trưa ở cơ quan - Ảnh minh họa.

Những lệnh cấm khiến dân tình khốn khổ

Chuyện cấm ngủ trưa ở cơ quan nghe có vẻ mới lạ so với nhiều người, nhưng thực chất không hề mới với chị Quỳnh và các đồng nghiệp của chị. Lý do sếp chị cấm nhân viên ngủ trưa, cũng bởi một lần bị khách hàng nước ngoài đến thăm công ty vào giờ nghỉ trưa và nhìn thấy tình cảnh người thì trải chiếu nằm ngổn ngang, người thì gục xuống bàn, người thì ngoẹo đầu ngoẹo cổ, miệng há hốc ra trên ghế. Xấu hổ với khách, đồng thời cũng choáng bởi hình ảnh không đẹp của công ty, sếp chị Quỳnh ngay lập tức ra lệnh cấm ngủ.
 
Lệnh cấm đưa ra như sét đánh ngang tai, nhân viên nghe tin thì kêu như vạc, nhưng sếp cũng chẳng thấu cho. Buổi trưa được nghỉ có tiếng rưỡi, ăn trưa hết nửa tiếng, một tiếng còn lại chẳng biết phải vật vờ ở đâu. 
 
Công ty của chị Phương thì lại điêu đứng vì lệnh cấm ăn. Ngày trước thì không sao, nhưng từ ngày có sếp mới, mọi luật lệ đều đảo lộn. Công ty chị thuê mặt bằng ở tầng 19 một tòa nhà cao tầng, tất cả mọi người từ sếp đến nhân viên ngồi chung văn phòng. Sếp mới của công ty chị khá nhạy cảm với những mùi lạ. Mỗi lần đến giờ ăn trưa, anh lại nhăn nhó mặt mũi bởi mùi thịt, cá, tôm bốc lên, còn lưu lại khá lâu bởi phòng điều hòa kín mít. 
 
Sau một tuần làm việc, sếp ra quy định đầu tiên - cấm ăn. Không những cấm ăn trưa, chị Phương và đồng nghiệp còn bị cấm ăn cả hoa quả, những món ăn vặt khác trong giờ làm. Lý do của sếp là ăn uống xong không ai chịu dọn, nhìn văn phòng bừa bãi, bẩn thỉu thiếu chuyên nghiệp.
 
Nghe lệnh của sếp đưa xuống, cả công ty đều bối rối, không biết phải xử lý bữa ăn của mình ra sao. Tòa nhà của công ty chị không hề có hàng quán bình dân nào xung quanh, chỉ có tầng trên cùng bán đồ ăn, nhưng với giá cắt cổ. Với mức lương 5 triệu một tháng, thật khó cho chị Phương nếu phải trang trải cho bữa trưa ở nhà hàng "sang chảnh" ấy.
 
Cấm ăn, cấm ngủ còn đỡ, công ty của chị Thùy còn kiểm soát đến cả chuyện đi vệ sinh của nhân viên mới khổ. Đầu năm, công ty lắp máy quét vân tay, kiểm tra lượt ra vào của nhân viên. Tổng cộng mỗi người chỉ có 10 lượt cả ra lẫn vào, muốn mở cửa ra vào phải quét vân tay. Nếu ra vào quá số lượt cho phép, sẽ bị quy vào ra về trước giờ tan làm, và bị trừ lương.
 
Từ ngày công ty có quy định này, ai cũng thấy khó ở, bí bách, cảm giác như bị cầm tù. Chị Thùy mắc bệnh trĩ - bệnh khó nói của dân công sở, bác sĩ khuyên mỗi giờ phải đứng dậy đi lại 5 phút. Bây giờ vướng quy định của công ty, muốn ra ngoài hít thở chút cũng khó khăn. Chẳng lẽ lại lượn như tàu lượn trong văn phòng bé tí ti, khiến người khác phải ngứa mắt.
 
Những phi vụ bi hài sinh ra từ lệnh cấm
 
Sếp của chị Quỳnh chắc không bao giờ ngờ được, lệnh cấm của mình lại tạo điều kiện cho một chuyện ngoại tình công sở, phá vỡ hạnh phúc của một gia đình. Nhân vật chính trong câu chuyện là anh Tùng phòng IT và chị Liên phòng kế hoạch. Thay vì ngồi vật vờ ở cơ quan chơi điện tử, lướt báo mạng cho qua giờ nghỉ trưa, hai anh chị lại có chung sở thích đến một quán cafe gần đó. Dần dần, tình cảm giữa họ nảy sinh. 
 
Cả công ty không ai hay biết, buổi trưa không được ngủ, mọi người mệt mỏi, uể oải thêm chứ chẳng có thời giờ mà đi soi mói chuyện của hai anh chị. Chỉ đến khi vợ anh Tùng đến cơ quan chồng làm ầm lên, mọi chuyện với vỡ lở. Chị Quỳnh và đồng nghiệp ngồi bàn tán xôn xao, ngoài trách chị Liên, anh Tùng, tất cả mọi người đều thống nhất quy kết: Sếp cũng có... tội to không kém. 
 
Còn sếp của chị Phương cũng được dịp đau đầu với nhân viên. Mọi người hùa nhau chuẩn bị cơm mang đến văn phòng, bọc kín để khỏi bị bốc mùi ra khiến sếp khó chịu. Đến giờ ăn trưa, tất cả mọi người mang cơm ra hành lang, hoặc lối thoát hiểm ăn, nói chuyện rôm rả. Lúc trước mỗi người ngồi một chỗ ăn cơm, nhìn còn gọn gàng, nay tập trung ríu rít một chỗ, trông càng lộn xộn, bừa phứa hơn. Nhưng sếp chỉ có quyền can thiệp trong văn phòng, chứ ngoài hành lang, lối thoát hiểm là của chủ tòa nhà, sếp không có quyền cấm cản.
 
Chị em ở công ty chị Thùy sau vài ngày bí bách cũng tìm được cách lách luật. Mỗi lần đi đâu, nhóm hai, ba người đi với nhau, một người ấn vân tay rồi mở cửa cho cả nhóm đi vào. Cách thức "góp gạo thổi cơm chung" này giúp cho chị em được ra vào văn phòng thoải mái mà không cần phải lo bị trừ lương do "vô tình" về sớm.


  • 01/07/2014 10:19
  • Tổng hợp theo Afamily
  • 1349


Gửi nhận xét