Ảnh minh họa.
|
Sếp nam hay nữ đều không quan trọng, quan trọng là cách làm việc của sếp
Đối với anh chàng kỹ thuật viên Phạm Ngọc Thanh, sếp nam hay nữ đều không quan trọng, quan trọng là cách làm việc của sếp như thế nào. Có những sếp nữ rất nhanh nhạy, linh hoạt cộng với lợi thế là phái nữ nên dễ trò chuyện hơn, lớn tiếng cũng được, xuống nước năn nỉ cũng chẳng sao.
Ngọc Thanh chia sẻ: “Trước đây, mình từng làm việc với một chị sếp tổng, là nữ nhưng cách giải quyết vấn đề rất hiệu quả. Cho dù là một khách hàng lẻ, chị vẫn chịu khó tiếp chuyện vô cùng chu đáo. Khi có sự cố xảy ra, chị giải quyết nhanh chóng và trách nhiệm. Người nào làm thì người đó chịu không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm. Các nhân viên ở công ty cũ đều tôn trọng và ngưỡng mộ chị".
Trong quá trình làm việc, mọi người rất gần gũi, gắn bó, sếp nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn cho nhân viên. Mỗi công sức mình bỏ ra để phục vụ cho công ty đều được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Tất cả là nhờ vào khả năng quản lý của người lãnh đạo. Những lúc trò chuyện, thảo luận công việc cùng sếp, Ngọc Thanh cảm thấy mình học hỏi, mở mang được rất nhiều điều. Dù bây giờ không còn làm việc tại công ty cũ nhưng anh vẫn thường xuyên liên lạc và giữ mối quan hệ tốt với sếp.
Cảm thấy rất vui khi được làm việc chung với sếp nữ
Nguyễn Vũ Trường lại không ngừng dành những lời khen có cánh đối với sếp: “Sếp mình là một người phụ nữ tuyệt vời, chị vừa là một người phụ nữ của gia đình, vừa là một người sếp rất đáng ngưỡng mộ. Ở vai trò nào chị cũng là một người phụ nữ hoàn hảo. Thông minh, nhạy bén, lại xinh đẹp dịu dàng. Nói chung là mình cảm thấy vui và rất hãnh diện khi có một người sếp như thế”.
Điều làm Vũ Trường ấn tượng nhất khi nhắc về sếp là cách giải quyết vấn đề, rất nhẹ nhàng, điềm tĩnh nhưng dứt khoát và thẳng thắn. Anh kể lại: “Mình là chuyên viên marketing. Công việc chủ yếu là quản lý hình ảnh và đề xuất, triển khai các chương trình khuyến mại trong hệ thống các cửa hàng. Có lần mình đứng ra duyệt mẫu thiết kế mà không thông qua sếp vì chị bận công tác nước ngoài. Lúc đó, tình hình khá gấp, công việc cần được giải quyết, nên mình tự xử lý luôn.
Sau khi xem lại, dù không hài lòng nhưng chị vẫn góp ý nhẹ nhàng, lần sau nếu như mẫu này có thêm cái này bớt cái kia thì sẽ hợp hơn. Sếp cũng động viên nên cố gắng phát huy ý tưởng mặc dù lần này chưa đạt như mong muốn. Một cách nói chuyện rất đơn giản kèm với nụ cười dễ mến của chị khiến mình nhận ra được vấn đề, biết được cái nào nên làm và cái nào không nên mà rút kinh nghiệm".
Sếp nữ không công tư phân minh bằng sếp nam
Trần Đức Thịnh cho biết khi phái nữ làm lãnh đạo, họ sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt, nhiệt tình với công việc và quan tâm tới nhân viên. Họ luôn tạo ra môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng, thoải mái. Bên cạnh đó, sếp nữ có một ưu điểm hơn sếp nam là sống tình cảm và tinh tế đủ để nhận biết nhân viên của mình đang nghĩ gì, đang làm gì và cần gì. Tuy nhiên, họ cũng có mặt hạn chế riêng, nếu vô tình vướng vào những trục trặc cá nhân hay mâu thuẫn với đồng nghiệp ở công ty, nhất là giữa các chị em với nhau thì sếp nữ sẽ bộc lộ nhược điểm, gây ảnh hưởng đến công việc.
Mặt khác, sự kỹ lưỡng của sếp nữ khiến nhân viên nam cảm thấy khó chịu, vì là đàn ông mà được dặn dò, kiểm soát, tỉ mỉ, có khi bị mắng chỉ vì sơ suất nhỏ không đáng kể. Những lúc như thế họ có thể làm nhân viên xấu hổ vì mất mặt trước bao nhiêu bạn bè đồng nghiệp. Trong khi đó, sếp nam sẽ có phần vô tư và công bằng hơn trong việc giữ gìn các mối quan hệ và giải quyết sự việc.