"Không làm gì sai" và bài học nghiệt ngã của đế chế Nokia

“Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng theo một cách nào đó, chúng tôi đã thua”, CEO Rajeev Suri của Nokia cay đắng thừa nhận. Tuy nhiên, có đúng thực sự là Nokia đã “không làm gì sai” để đến nỗi bị loại bỏ khỏi “cuộc chơi” như hôm nay?

“Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng theo một cách nào đó, chúng tôi đã thua”, CEO Rajeev Suri của Nokia cay đắng thừa nhận

Còn nhớ, model 3310 của Nokia sau khi ra đời không lâu đã trở thành “huyền thoại”, báo hiệu một thế lực “bất khả chiến bại” trong thị trường di động toàn cầu. Và sự thực, trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2012, Nokia liên tục đứng đầu về doanh số, thậm chí còn là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cùng với việc đưa Stephen Elop ngồi vào chiếc ghế CEO năm 2010, Nokia còn có không ít hành động được coi là “sai lầm” trong chiến lược phát triển của mình.

Nói cách khác, Nokia đã không làm gì sai trong công việc kinh doanh nhưng trong một thế giới luôn vận động và thay đổi nhanh chóng, các đối thủ liên tục cải tiến và sáng tạo thì Nokia lại luôn chậm chân bỏ lỡ cơ hội. Đó có lẽ là nguyên nhân lớn nhất khiến hãng điện thoại danh tiếng một thời sớm bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Đây cũng là bài học nghiệt ngã nhưng thấm thía cho không chỉ những người làm trong lĩnh vực kinh tế.

Thất bại trong áp dụng chiến lược kiến trúc thương hiệu

Apple là hãng đầu tiên thực hiện chiến lược “kiến trúc chiếc ô” với việc cho ra đời iPhone đóng vai trò là thương hiệu chính, từ đó, mỗi năm lại tung ra các phiên bản cải tiến. Samsung cũng không kém cạnh khi nhanh chóng thực hiện chiến lược này với dòng Galaxy S.

Trong khi đó, Nokia với N series và sau đó là Lumia đã không thể thực hiện thành công kiểu kiến trúc trên. Mỗi năm Apple đều cho ra phiên bản sản phẩm mới cùng với các ứng dụng tương ứng, cuốn hút người dùng và luôn tạo được hiệu ứng “chờ đợi” cho các phiên bản tiếp theo. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm của Nokia thì hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện chiến lược tương tự.

Quá chậm chân trên thị trường

Chính sự cạnh tranh khốc liệt của Samsung và Apple cộng với sự thiếu đầu tư cho sáng tạo sản phẩm của chính Nokia, nên cho dù người dùng có thể bỏ qua những nhược điểm của phần mềm thì việc quá chậm chạp trong việc cải tiến phần cứng cũng khiến cho Nokia bị tụt lùi trong cuộc cạnh tranh.

Trong khi đó, Samsung nhảy vào cuộc đua với sự đầu tư to lớn cho sáng tạo sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường, ganh đua với Apple trong hầu hết các chuỗi sản phẩm từ điện thoại thông minh đến máy tính bảng. Còn Nokia lại hoàn toàn thiếu một chiến lược phát triển sản phẩm thực thụ.

Thị phần của Nokia giảm liên tục từ 2010 đến 2012

Sự thất bại của hệ điều hành Symbia và bản hợp đồng “lỗi” với Microsoft

Nokia tung ra hệ điều hành Symbia seri 60 năm 2002 và sau đó thu được thành quả đáng khích lệ. Nhưng, đến 2008, với sự cạnh tranh khốc liệt của iOS và Androi, Symbian đã không còn duy trì được ưu thế của mình nữa do thiếu các ứng dụng và giao diện thân thiện với người dùng. Với sự xuất hiện của hai đối thủ mới, Symbian cũng cải tiến nhưng hầu hết là bắt chước theo iOS và Androi mà không tạo ra được ưu điểm gì nổi bật.

Hơn nữa, công ty đã không phải triển được các ứng dụng cần thiết để lấy lại thị phần. Năm 2011, khi đang rơi vào đà lao dốc, Nokia lại mắc thêm một sai lầm nữa là đặt niềm tin vào Window mà ở thời điểm đó chỉ là “người mới” trong lĩnh vực này. Đây chính là sai lầm lớn nhất của Nokia.

Đánh mất thị phần ở cả hai chiều phân khúc sản phẩm

Nokia không chỉ thua trong cuộc đua với Samsung, Apple, Sony trong phân khúc smartphone mà còn đánh mất cả phân khúc điện thoại giá rẻ vào tay các đối thủ yếu hơn như Micromax, HTC, Huawei and ZTE. Điều này đã tạo ra hiệu ứng kép đối với công ty, gây sức ép lên toàn bộ hoạt động và đẩy nhanh quá trình tụt dốc của công ty. Những sản phẩm nổi tiếng, là thế mạnh trước đây như Nokia 1100 nhanh chóng bị sản phẩm của các hãng khác vượt mặt. Sự phản ứng chậm chạp của Nokia bằng việc tung ra seri Asha đã không thể cứu vãn được tình hình.

Những nguyên nhân đó có lẽ là lời giải thích thỏa đáng cho những gì mà Rajeev Suri đã phải ngậm ngùi thừa nhận?


  • 03/03/2016 02:37
  • Nguồn bài và ảnh: Dân trí
  • 1989


Gửi nhận xét