Khu di tích lịch sử Nhà máy điện Việt Trì: Nơi ghi dấu truyền thống ngành Điện Việt Nam

Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Nhà máy điện Việt Trì được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2013), là dịp để những CBCNV ngành Điện hôm nay ghi nhớ công ơn của thế hệ cha, anh đã hy sinh vì dòng điện trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Quan trọng hơn, đã có thêm địa danh lịch sử văn hóa gắn với những dấu tích anh hùng của ngành Điện Việt Nam.

Nhà máy điện Việt Trì được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Dấu xưa oai hùng

Nhà máy điện Việt Trì được khởi công xây dựng năm 1959 trong Khu công nghiệp Việt Trì. Đây là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của nước ta, được xây dựng theo chủ trương phát triển kinh tế trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhà máy điện Việt Trì ngoài việc cấp điện phục vụ sản xuất cho Khu công nghiệp Việt Trì, còn đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong những năm giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, Nhà máy luôn là mục tiêu bắn phá của đế quốc Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Thận, nguyên trưởng kíp điện Nhà máy điện Việt Trì:

CBCNV Nhà máy là các kỹ sư, công nhân, cán bộ ưu tú của miền Bắc và miền Nam tập kết ra Bắc. Đế quốc Mỹ thường xuyên đánh phá Nhà máy, nhưng do Nhà máy điện Việt Trì có hệ thống lưới lửa phòng không bảo vệ, nên rất nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi khi đánh phá Nhà máy. CBCNV Nhà máy quyết tâm bám máy, bám lò, duy trì dòng điện. Hôm nhà máy bị bom Mỹ đánh trúng, xác các liệt sỹ không còn nguyên vẹn. Những công nhân còn sống phải bới từng mẩu đất, mảnh bê tông, ghép từng phần thân thể để khâm liệm trong điều kiện rất nhiều bom bi còn sót lại. Những tấm gương anh hùng như: Công nhân Phan Văn Muôn, người Khơme; trưởng kíp tuabin Phan Văn Được… mãi là những tấm gương sáng trong lao động, hy sinh quên mình vì đồng đội.

 

Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, CBCNV Nhà máy Điện Việt Trì luôn dũng cảm bám máy, bám lò, vừa sản xuất vừa chiến đấu, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, đảm bảo duy trì nguồn điện, với khẩu hiệu quyết tâm: “Tất cả vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc”.

Trong thời gian từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1972, đã có 13 CBCNV Nhà máy anh dũng hy sinh trong sản xuất và chiến đấu. 13 con người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, tự nguyện cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng như hàng vạn các anh hùng liệt sỹ, thương binh khác đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu để tô thắm những trang sử vẻ vang của ngành Điện, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc.

Đón nhận Di tích lịch sử

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tiếp bước truyền thống của các thế hệ đi trước, trên cơ sở nhà bia tưởng niệm 13 liệt sỹ Nhà máy điện Việt Trì cũ, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) đã tiến hành trùng tu, tôn tạo và khánh thành khu di tích trang nghiêm, bề thế vào tháng 7/2011.

Tiếp đó, năm 2012, Ban chấp hành Đảng ủy Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã ban hành nghị quyết về việc triển khai làm các thủ tục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ công nhận Nhà Bia tưởng niệm các liệt sỹ là di tích lịch sử, tôn vinh các liệt sỹ là công nhân ngành Điện trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ban biên soạn lịch sử Nhà máy điện Việt Trì được thành lập để ghi chép và sưu tập những hiện vật, kỷ vật của Nhà máy trong quá trình sản xuất, chiến đấu, khôi phục của Nhà máy từ giai đoạn 1960 – 1985. Qua những lần tổ chức hội thảo tại thành phố Việt Trì, những cán bộ lãnh đạo, công nhân Nhà máy đã gửi lại những tư liệu, ảnh, hiện vật trong những năm tháng sản xuất và chiến đấu tại Nhà máy điện Việt Trì còn lưu giữ được để trưng bày trong Phòng Truyền thống.

Một trong những người tâm huyết nhất với công việc lưu trữ này là ông Lê Nhân Vĩnh, kỹ sư chính của Nhà máy giai đoạn 1967 - 1772, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVN NPC). Ông đã giành nhiều thời gian, vẽ nhiều bản phác thảo mô hình nhà máy điện, lấy ý kiến góp ý của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Nhà máy điện Việt Trì qua các thời kỳ. Ông đã đến Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương… để tổng hợp tư liệu và sưu tầm các kỷ vật. Chiếc sa bàn của Nhà máy đã được dựng lại và hoàn thành trên ý tưởng của ông.

Phòng Truyền thống Nhà máy điện Việt Trì - nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử của ngành Điện Việt Nam

Ông Lê Nhân Vĩnh cho biết: Những kỷ vật về Nhà máy đã sưu tầm được có ý nghĩa lịch sử vô giá, đó là: Báo cáo của Đảng bộ Nhà máy nhiệm kỳ 1962 - 1965 được ông Văn Viết Tùy, nguyên giám đốc Nhà máy, hiện đang sống tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cung cấp; hay việc tìm lại được giá còi báo động của Nhà máy trước khi phát hiện ra máy bay Mỹ chuẩn bị ném bom xuống khu vực Nhà máy; rồi kỷ vật là chiếc loa phát thanh của Nhà máy đã được Công ty Điện lực Phú Thọ lưu giữ hơn 30 năm trao lại; chiếc vỏ thùng đạn 12 ly 7 được ông Bùi Xuân Tảo, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Tự vệ của Nhà máy cất giữ như một kỷ vật linh thiêng… Tất cả những kỷ vật đó đã được đưa vào Phòng Truyền thống của khu di tích.

Bằng những việc làm thiết thực, với tấm lòng tri ân các liệt sỹ của CBCNV Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, ngày 12/7/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có quyết định số 1744/QĐ - UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Địa điểm lịch sử Nhà máy điện Việt Trì, phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử Nhà máy điện Việt Trì đã được tổ chức vào ngày 27/7/2013, đúng vào ngày kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2013). Khu di tích lịch sử Nhà máy điện Việt Trì là địa chỉ viếng thăm để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ ngành Điện đã hy sinh vì dòng điện, vì dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Di tích lịch sử Nhà máy điện Việt Trì:

  • Từ tháng 3/1967 - tháng 8/1972, đã có 13 cán bộ công nhân Nhà máy anh dũng hy sinh khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại Nhà máy
  • Tháng 7/1999: Khánh thành Nhà Bia tưởng niệm các liệt sỹ ngành Điện
  • Tháng 7/2011: Được trùng tu xây dựng để bảo tồn di tích
  • Từ tháng 3/2012 - tháng 6/2013: Hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Di tích lich sử cấp tỉnh.
  • Ngày 12/7/2013: UBND tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho Nhà máy

 


  • 30/07/2013 10:54
  • Văn Lương
  • 5411


Gửi nhận xét