Là dân công sở, bạn có bủn rủn khi phải đối mặt với những điều này?

Đi làm vất vả, công việc ngập đầu nhưng vẫn chịu được vì đó là trách nhiệm của dân công sở, nhưng khổ nhất là phải đối mặt với những đồng nghiệp giả tạo, họ hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng không ít.

Hội chứng thứ 2 đầu tuần

Đối với dân công sở, đi làm vào ngày thứ 2 là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nó chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ăn không ngon, ngủ không yên vào tối chủ nhật trước đó. Chấm dứt hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi, vui chơi xả láng lại phải đối mặt với công việc ngập đầu vào ngày thứ hai với hàng loạt báo cáo, tổng kết tuần cũ và kế hoạch tuần mới. Vì vậy chúng ta thường có cảm giác chán nản, mệt mỏi, không có hứng thú với ngày đầu tuần này, công việc cũng không được hiệu quả cũng vì lý do đó. Một vài gợi ý để vượt qua nỗi ám ảnh này:

- Dành một chút thời gian để chuẩn bị trước công việc vào ngày chủ nhật như gạch ra các đầu mục công việc cần thực hiện trong tuần tới.

- Chuẩn bị trước quần áo đi làm cho thứ Hai.

- Sáng thứ Hai dậy sớm hơn một chút.

- Sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc.

Đi làm sau đợt nghỉ dài ngày, nghỉ Tết

Sau kỳ nghỉ dài ngày, nhất là dịp nghỉ Tết âm lịch, nghĩ đến khi phải đi làm là chúng ta lại rùng mình lo sợ. Một tuần đi chơi thảnh thơi, vui sướng qua nhanh hơn cả một cái chớp mắt. Trở lại với công việc thường ngày, phải dậy sớm đi làm cũng khiến bạn sợ hãi không kém. Làm sao để lấy lại niềm vui trong công việc một cách nhanh nhất? Bạn có thể tham khảo một số ý kiến sau:

- Chọn bộ váy thật đẹp cho ngày đi làm kế tiếp.

- Luôn nghĩ trong đầu, cố gắng làm việc chăm chỉ, còn mấy tháng nữa lại có một kỳ nghỉ lễ rồi.

- Khoe đồng nghiệp những tấm hình đẹp mà bạn vừa chụp được trong kỳ nghỉ lễ.

Deadline

Bất kỳ công việc gì, muốn đạt hiệu quả thì phải có tiến độ hoàn thành cụ thể, tránh để ngập lụt, áp lực công việc đè nặng. Bí quyết để tránh bị căng thẳng do thời hạn công việc gây ra, chúng ta có thể:

- Đặt các deadline hợp lý theo khả năng của mình, không để gần quá và cũng không để xa quá để không bị áp lực hoặc chểnh mảng.

- Quản lý thật tốt các deadline, nên ghi lại thời hạn hoàn thành các công việc vào một quyển sổ để tránh bị chồng chéo.

- Luôn đảm bảo có một khoảng thời gian dự trù cho những sự việc xảy ra không theo kế hoạch ban đầu.

Những đồng nghiệp nhiệt tình mang "họ Hứa"

Đi làm vất vả, công việc ngập đầu nhưng vẫn chịu được vì đó là trách nhiệm của chúng ta nhưng khổ nhất là phải đối mặt với những đồng nghiệp giả tạo, họ hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng không ít. Họ hứa như đinh đóng cột sẽ làm một việc gì đó nhưng đến cuối cùng họ lại quên mất hoặc không đúng hẹn, nhất lại là việc tập thể. Dưới đây là những phương pháp có thể áp dụng đối với đồng nghiệp "họ Hứa":

- Luôn ghi lại mọi lời hứa để làm cơ sở đối chứng.

- Yêu cầu xác nhận qua email để lưu lại.

- Theo dõi sát sao để đảm bảo bạn không là người bị động trong công việc, bạn cũng có thể chuẩn bị sẵn phương án dự phòng nếu người đó không thể giữ lời hứa.

Chưa đến cuối tháng đã rỗng túi

Đây là nỗi niềm chung của bất kỳ dân văn phòng nào, trong đầu chúng ta luôn ám ảnh câu hỏi “Tiền của mình đâu hết rồi?”. Những bí quyết sau có thể giúp chúng ta vượt qua thời điểm được coi như cực hình một cách khá dễ dàng:

- Lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, rõ ràng.

- Cân nhắc đến từng khoản nhỏ vì chúng sẽ dồn lại thành một món lớn.

- Không đến những nơi hoặc vào trang web đồ hiệu khiến mình dễ sa đà mua sắm.

- Chơi với những người bạn có cùng quan điểm về tiền bạc.


  • 05/02/2017 03:48
  • Nguồn bài: Người lao động
  • 2820