Ghét nhau ra mặt khi đồng nghiệp coi điện thoại di động như "cố định"

Nhiều nhân viên công sở có thói quen nghe điện thoại tại bàn làm việc ảnh hưởng đến người xung quanh và khả năng tập trung làm việc.

Điện thoại di động là vật bất ly thân của nhiều người trong xã hội hiện đại ngày nay. Mọi người có thể dùng điện thoại bất cứ nơi đâu trên ô tô, đi bộ hay cả ở văn phòng. Tuy nhiên, chính điện thoại cũng gây ra những phiền toái cho nhiều người xung quanh. Thậm chí, không ít dân công sở đau đầu, mệt mỏi vì gặp phải đồng nghiệp thiếu ý thức khi sử dụng điện thoại.

Văn phòng của chị Ái (Hà Nội) chỉ hơn 10 người nên thuê không gian khá hẹp. Mọi người ngồi quây quần trong 1 căn phòng và thấy mặt nhau thường xuyên. Cho nên, tất cả các hoạt động đều bị mấy chục con mắt và đôi tai dò xét. Thế nhưng, một đồng nghiệp nữ mới ra trường vừa vào thử việc khiến cho mọi người không khỏi khó chịu khi nói chuyện điện thoại ồn ào và không bao giờ đặt chế độ rung hay im lặng.

Ảnh minh họa

Mỗi khi có điện thoại cả không gian làm việc yên tĩnh bị phá vỡ, tiếp đó mọi người không thể tập trung do nội dung câu chuyện dường như lấn át tất cả. Nhắc nhở nhẹ nhàng đã có, khuyên răn nặng lời cũng không ít lần nhưng rồi đâu lại vào đó.

"Khi ở văn phòng, mọi người thường để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc rung. Còn đồng nghiệp của tôi như khoe điện thoại, để chuông to nhất, nhạc xập xình chát chúa... ai cũng khó chịu. Mỗi lần nói chuyện từ 10-15 phút, cứ xem như không có ai xung quanh, buôn chuyện thả cửa. Lẽ ra nếu việc riêng thì nên ra ngoài để nói chuyện, còn việc của công ty thì nói ở âm lượng nhỏ nhất làm sao đủ cho cả hai người nghe. Chẳng ai khen ngợi những chuyện gây ồn ào hay thể hiện kiểu đó", chị Ái cho hay.

Còn anh Phong (Nhân viên kế toán) hết lời phàn nàn về nam đồng nghiệp ngồi bên cạnh cũng xuất phát từ vấn đề điện thoại. Không chỉ buôn chuyện điện thoại ồn ào ảnh hưởng đến người khác mà nam đồng nghiệp của anh Phong còn trả lời mỗi ngày vài chục cuộc gọi khác nhau. Từ cuộc gọi của gia đình, bạn bè cho đến khách hàng hỏi mua sản phẩm Online. Mặc dù, hiểu được sự khó chịu của những người xung quanh nhưng nam đồng nghiệp nói trên vẫn "chứng nào tật ấy". 

"Tôi nghĩ họ xem đó như trò đùa hay sự thể hiện cá nhân mà không biết người khác đang vô cùng khó chịu. Bản thân tôi cũng chẳng hiểu họ đang nghĩ gì mà có cách ứng xử như vậy ở nơi văn phòng đông người. Vì mỗi khi có chuông điện thoại hay các cuộc nói chuyện ồn ào, mọi người không tập trung nổi. Cả ngày 10-15 cuộc điện thoại như vậy, những người xung quanh hứng đủ", anh Phong nói.

Ứng xử thế nào với những cuộc gọi?

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia văn hóa Minh Hồng cho hay, sử dụng điện thoại là việc bất cứ ai cũng làm hàng ngày, cho nên liên quan đến vấn đề này cần xây dựng nét văn hóa ở chốn công sở. Khi làm việc tại văn phòng, điện thoại của bạn cần để ở chế độ yên lặng hoặc rung. Khi có cuộc gọi hay tin nhắn đến sẽ không ảnh hưởng hay làm giật mình những người khác. 

Bạn cần tránh nghe điện thoại ngay tại chỗ làm việc nhất là các cuộc gọi mang tính cá nhân. Nếu các cuộc gọi liên quan đến công việc có thể nghe tại chỗ nhưng phải dùng tay để che miệng tránh để tiếng nói phát ra quá lớn làm ảnh hưởng mọi người xung quanh. 

Nếu cuộc gọi kéo dài từ 5 phút trở lên nên đi ra ngoài để nói chuyện được thoải mái hơn. Không ngồi "buôn chuyện" điện thoại quá nhiều trong giờ làm việc khiến người khác khó chịu và ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung. 

Việc bạn gọi, nhắn tin hay chơi game trên điện thoại không chỉ làm cho bạn mất tập trung mà chắc chắn những người khác sẽ cảm thấy khó chịu. Bởi họ sẽ có cảm giác không công bằng khi một người chỉ dành thời gian để nói chuyện điện thoại còn những người khác bù đầu với công việc.

Khi nghe điện thoại hãy biết kiềm chế cảm xúc của bản thân. Có những cuộc điện thoại đưa đến cho bạn niềm vui nhưng cũng không ít cuộc điện thoại làm bạn khó chịu vì phải nghe những điều không mong muốn. Tuy nhiên, hãy biết tiết chế cảm xúc. Đừng nên quát tháo, la mắng hay hét lên sau khi nghe điện thoại, những người khác sẽ mất tập trung và không phải ai cũng muốn quan tâm quá nhiều đến chuyện của bạn.

Ngoài ra, nếu đặt chuông điện thoại đừng chọn các kiểu nhạc có âm thanh lớn, ồn ào. Nên chọn mức âm lượng vừa phải, giai điệu dễ nghe và vui tai. 


  • 03/07/2016 10:09
  • Nguồn bài và ảnh: emdep.vn
  • 1547