Làm gì khi giới trẻ chán nản với công việc, "hết pin" khi đến văn phòng?

Thông minh, được tiếp cận với nhiều những thành tựu tri thức mới và dư sức để tự tạo cho mình nhiều cơ hội để phát triển bản thân, vậy thì nguyên do gì khiến giới trẻ ngày nay chán nản với công việc? Và làm thế nào để khắc phục?

Trong phạm trù công việc, nếu người trưởng thành hay có xu hướng chọn gắn bó với một công ty nào đó và tận tâm tận lực phát triển sự nghiệp riêng của bản thân thì người trẻ thì ngược lại. Chẳng biết vì lý do gì mà giới trẻ ngày nay lại thường xuyên than thở về công việc, mau chán nản và chẳng có chút năng lượng nào khi ngồi ở văn phòng công sở. Trong khi họ cũng thông minh, cũng được tiếp cận với nhiều những thành tựu tri thức mới và dư sức để tự tạo cho mình nhiều cơ hội để phát triển bản thân, vươn tới một cột mốc thành đạt nhất định.

Và để tìm hiểu rõ hơn những gì mà người trẻ đang nghĩ xoay quanh vấn đề công việc, mới đây, Tess Brigham - nữ chuyên gia tâm lý ở San Francisco, Hoa Kỳ đã có những chia sẻ vô cùng bổ ích, đúc kết từ quá trình thường xuyên làm việc với người trẻ suốt 10 năm ròng rã.

Người trẻ ghét công việc: Đâu là nguyên nhân?

Trước khi đi tìm giải pháp, chúng ta hãy tìm hiểu về nguyên nhân. Vậy giới trẻ ngày nay vì đâu mà cảm thấy xa cách với công việc - thứ mà đáng lý ra họ phải xem trọng và phấn đấu sau suốt hàng chục năm ngồi trên ghế nhà trường? Để giải đáp câu hỏi này, bà Tess Brigham chỉ ra một vài lý do phổ biến nhất:

- Hy vọng quá nhiều dẫn đến tâm trí trên mây, gặp ngay sự thật mất lòng thì sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực.

- Không vạch ra kế hoạch cụ thể cho sự nghiệp, trái lại còn hấp tấp mong muốn được thăng tiến trong khi cống hiến lại không đủ.

- Tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội, tin vào những cuộc đời "ảo" hào nhoáng trong đó như bạn A không cần làm gì mà cũng có tiền tiêu, anh B đi du lịch như đi chợ, cô C sắm hàng hiệu suốt ngày,... để rồi tự trách bản thân "tại sao mình lại không được như vậy?".

- Sếp không tin tưởng, luôn tìm cách kìm kẹp và kiểm soát khiến cho người trẻ cảm thấy cuộc sống công sở quá ngột ngạt. Hoặc cho rằng nơi mình đang làm hoàn toàn không có triển vọng để phát triển bản thân.

Từ những gốc rễ của vấn đề đã nêu ở trên, chuyên gia tâm lý Tess Brigham hướng dẫn một số giải pháp để người trẻ tự "chiến đấu" với chính mình, tìm kiếm lối đi trong đoạn đời làm dân văn phòng công sở, dù mới bắt đầu nhưng đã mịt mùng.

"Tôi ghét công việc" nhưng ghét là ghét điểm nào?

Không chỉ có "nhân" mới "bất thập toàn" mà dường như mọi mặt, mọi vấn đề của cuộc sống đều không hoàn hảo, kể cả công việc. Thế nên đôi khi chúng ta ai cũng sẽ cảm thấy chán nản với công việc hiện tại đến mức chỉ muốn hét lên cho cả thế giới cùng biết.

Tuy nhiên, la hét hay than thở suy cho cùng cũng chẳng giúp ích được gì, vậy tại sao người trẻ không học hỏi theo cách của "người già" mà tìm kiếm nguyên nhân cụ thể. Nếu muốn giải quyết và thay đổi để bản thân thôi ghét công việc hoặc công việc thôi ghét mình thì truy tìm nguyên do, tìm kiếm khúc mắc và từ đó mà nghĩ cách tháo gỡ.

Ví như sếp quá khắt khe, khiến mình bực tức "lây" sang cả công việc, hãy nhanh chóng đối thoại cùng sếp; hoặc chính sách công ty quá bất công, còn chờ gì nữa mà không email làm rõ vấn đề với ban quản lý;...

Biết mình muốn gì

Người trẻ nói chung tương đối khá vội vàng khi bộc lộ cảm xúc cá nhân, nhưng khi bị hỏi ngược lại "vậy em rốt cuộc là đang muốn gì?", thì lại lớ ngớ không có câu trả lời. Lời khuyên đưa ra là làm gì cũng vậy đừng vội vàng hấp tấp trước khi hiểu rõ bản thân và suy nghĩ chân thật nhất của mình.

Mọi cảm xúc không tự sinh ra mà không có hạt nhân khởi nguyên của vấn đề. Và cái hạt nhân đó lại có mối quan hệ tương quan với những mong muốn, khao khát của bản thân. Ví dụ như ghét đến công ty làm việc vì môi trường công sở quá ồn ào, điều này đã phản ánh lên rằng bạn yêu thích và mong muốn được làm việc ở một nơi yên tĩnh,...

Chỉ cần hiểu rõ bản thân mình muốn gì, người trẻ nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm được lối đi trong đoạn đời công sở vừa mới chập chững. Ở ví dụ trên, biết bản thân mình mong muốn được làm việc ở nơi yên tĩnh có hai cái lợi, một là giúp bạn đối thoại với sếp hoặc ban lãnh đạo để tìm kiếm giải pháp (kiểu như cho phép bạn làm việc ở nhà 3 ngày/tuần chẳng hạn), và nếu không có phương án tốt nhất, bạn cũng sẽ có thêm một tiêu chí lựa chọn nếu chẳng may phải nhảy việc.

Suy nghĩ logic, tối đa hóa phương án tốt nhất cho bản thân mới là một người trẻ thông minh trong môi trường công sở. Tại sao lại phải chán nản ủ dột, tuyên bố ghét công việc mà không biết tại sao ghét, cũng chẳng rõ mình muốn gì. Thế thì sáo rỗng lắm.

Dung hòa giữa kỳ vọng và tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn là một chuẩn mực hài lòng của mỗi người được hình thành dựa trên mong muốn của cá nhân, tuy nhiên tiêu chuẩn phải gần sát thực tế. Ví dụ như "tiêu chuẩn của tôi là chỉ làm việc ở các công ty cho phép nhân viên được nghỉ 8 ngày/tháng". 

Kỳ vọng là nguyện vọng, mong muốn của mỗi cá nhân, tương tự như ước mơ. Dù tưởng tượng nhiều hơn thực tế nhưng không phải phiêu bồng quá xa xôi. Ví dụ như "tôi kỳ vọng sau hai tháng làm việc, công ty sẽ trả lương cho tôi với số tiền là 30 triệu".

Trên là sự khác biệt giữa hai thứ luôn tồn tại trong suy nghĩ của mọi dân văn phòng công sở. Tuy nhiên nếu những người yêu thích công việc của mình luôn có sự kỳ vọng vừa tầm, cân bằng với tiêu chuẩn bản thân tự vạch ra và lúc nào trong trạng thái hài lòng, thì người trẻ thường xuyên chán nản với công việc lại có kỳ vọng chênh lệch quá nhiều với tiêu chuẩn của bản thân.

Điều này giống như "hy vọng thật nhiều thất vọng cũng thật nhiều", vậy nên tốt nhất là nên dung hòa giữa kỳ vọng và tiêu chuẩn. Cụ thể hơn là đừng kỳ vọng những thứ quá xa xôi trong công việc như thăng tiến, lương thưởng, môi trường làm việc sáng chảnh,... hãy hạ thấp nó xuống. Song song với đó là nâng cao tiêu chuẩn của bản thân đồng thời phấn đấu trao dồi kỹ năng, tác phong làm việc để xứng đáng với các tiêu chuẩn "hơi cao cao" vừa đặt ra.

Đối xử tốt với bản thân để đương đầu với stress

Một khi vì lý do gì đó tương đối hợp lý khiến nhiều dân văn phòng công sở trẻ tuổi gặp stress, chẳng hạn như bị "ma cũ" bắt nạt, bị sếp chèn ép, công ty thiếu tiềm năng cho việc phát triển bản thân,... thì đừng dại dột mà dồn nén cảm xúc vào lòng, cũng như là tuyệt đối không mong mỏi sự an ủi đến từ mạng xã hội.

Thay vào đó hãy dành thời gian để ngồi xuống bên bạn bè người thân, chia sẻ những rắc rối đang khiến mình chán nản trong công việc. Biết đâu sự lắng nghe và những chia sẻ trực tiếp của người mình tin tưởng sẽ là liều thuốc tin thần hữu hiệu giúp bản thân đối diện và "chiến đấu" với stress.


  • 12/08/2019 09:19
  • Nguồn: cafebiz.vn
  • 1273