Mô hình nhà trực cụm điện: Mái ấm của người thợ vùng cao

Nhân chuyến công tác tại tỉnh Sơn La, chúng tôi được ông Phạm Văn Long – Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) đưa đi thăm mô hình nhà trực cụm điện ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Mô hình nhà trực cụm không chỉ giúp cán bộ nhân viên đỡ vất vả mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Góp tiền xây nhà trực

Trên diện tích 600 m2, ngoài văn phòng làm việc và tiếp khách, còn có kho chứa dụng cụ vật tư, phòng ngủ của cán bộ nhân viên, bếp ăn, khu vệ sinh... tất cả đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Bên cạnh dụng cụ, trang thiết phục vụ công việc, nhà trực còn được trang bị đầy đủ tivi, máy tính, máy in, internet để cán bộ nhân viên nắm bắt tin tức, giải trí sau giờ nghỉ.
 
Để tạo sự công bằng và nâng cao chất lượng người lao động, PC Sơn La quy định, cán bộ, nhân viên trong công ty phải luân chuyển công tác đến các địa bàn khác nhau trong tỉnh với thời gian khoảng 3 năm, kể cả những người đã có gia đình ở thành phố.
 

Tổ cụm điện Chiềng Khương

Anh Lê Quốc Huy - Đội trưởng Đội kinh doanh sản xuất số 1 - chia sẻ, trước đây khi chưa có nhà trực cụm, anh em phải đi thuê nhà, tự đi chợ nấu nướng, vừa tốn kém chi phí, vừa bất tiện trong sinh hoạt. Từ khi có nhà trực, anh em quây quần bên nhau như gia đình, cùng sinh hoạt, trao đổi công việc, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
 
Ông Long cho biết, PC Sơn La đã xây dựng được 19 nhà trực cụm với trị giá mỗi công trình hơn 300 triệu đồng, tiền đầu tư đều do CBNV Công ty tự trích lương đóng góp hàng năm.
Ông Phạm Văn Long – Phó giám đốc PC Sơn La:
 
Mỗi nhà trực cụm ở PC Sơn La đều là những mái ấm, giúp những người thợ điện bớt đi nỗi nhọc nhằn, an tâm bám nghề để mang ánh sáng điện, cung cấp dịch vụ về điện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.
 
Vì quyền lợi cộng đồng
 
Hiện  PC Sơn La đang quản lý vận hành hơn 3.340 km đường dây trung thế, gần 3.400 km đường dây hạ thế, khoảng 1.451 trạm phân phối và trạm trung gian với 218.032 khách hàng tại 204 xã, phường, thị trấn. Do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, cũng như năng suất lao động của các công nhân điện lực.
 
Ông Phạm Văn Long chia sẻ , có những xã, bản xa 40 cây số, công nhân đi ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện hay xử lý sự cố phải mất 3 - 4 ngày. Thậm chí có nơi, tiền thu được không đủ bù đắp chi phí đi lại, nhưng lãnh đạo Công ty xác định vẫn phải cung cấp dịch vụ tốt nhất theo quy định của ngành Điện.
 
Nhằm giảm bớt những khó khăn vất vả của công nhân, PC Sơn La đã có sáng kiến xây dựng các nhà trực cụm điện lực xã. Ngoài trụ sở chính của điện lực mỗi huyện, cứ 3 - 5 xã gần nhau sẽ có một nhà trực cụm với quân số 7 - 10 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ, vật tư phục vụ công việc. Công nhân tại nhà trực sẽ thực hiện các nhiệm vụ như quản lý vận hành, phân phối kinh doanh, phát triển khách hàng; tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân, sửa chữa, xử lý sự cố về điện; ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện; tuyên truyền tiết kiệm điện và nhiều nhiệm vụ khác. Đây cũng là mô hình được EVN đánh giá cao và coi là mô hình điểm để nhân rộng tại nhiều địa phương.


  • 10/12/2014 11:12
  • Nguồn bài và ảnh: Báo Công thương
  • 926


Gửi nhận xét