Tình thầy trò trong lớp đào tạo công nhân kỹ thuật điện khóa 3

Những năm đầu mới giải phóng, để đáp ứng đủ nhân lực cho việc xây dựng và phát triển ngành Điện tại địa phương, theo mô hình lớp đào tạo bên cạnh xí nghiệp được Nhà nước cho phép lúc bấy giờ, Sở Quản lý phân phối điện Đắk Lắk (nay là Công ty Điện lực Đắk Lắk) đã tuyển sinh và đào tạo được 3 khoá với gần 70 công nhân kỹ thuật (CNKT).

Khoá 3 khai giảng vào tháng 5/1978 và làm lễ tốt nghiệp sau đó 3 năm. Một khóa CNKT gồm 25 thợ trẻ, khoẻ, được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức chuyên ngành đã được bổ sung vào các vị trí: Vận hành diesel, sửa chữa diesel, quản lý vận hành đường dây và trạm, thí nghiệm điện, lắp đặt công tơ…

Khác với khóa 1 và khoá 2, học viên khoá 3 đa số các em đến từ những vùng quê nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh phía Bắc. Hầu hết các em đều chăm, ngoan, có ý thức cố gắng học tập. Tuy nhiên, do lúc bấy giờ, tiêu chí trình độ văn hoá ban đầu không đặt nặng, nên trong khoá học có em đã tốt nghiệp cấp 3, có em mới hoàn thành chương trình cấp 2, thậm chí có em vừa học xong lớp 6, lớp 7; điều này đã tạo nhiều khó khăn cho cả thầy và trò. Nhưng thầy trò đã từng bước khắc phục sự thiếu hụt, chênh lệch đó.

Thầy dạy khoá 3 là những kỹ sư đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp về công tác tại Sở Điện trong các năm 1978,1979,1980. Những người thầy có thừa năng lực và tràn đầy nhiệt huyết nhưng chưa được trang bị về kỹ năng sư phạm. Thôi thì cứ soạn giáo án và lên lớp - rút kinh nghiệm, rồi sẽ quen dần. Chính vì vậy chương trình đào tạo đã được đề nghị kéo dài thêm nửa năm nữa, số tiết học của mỗi môn chuyên ngành tăng thêm khoảng 25% để các thầy đủ thời gian giảng bài chậm hơn, kỹ hơn, tạo điều kiện cho trò tiếp thu tốt hơn.

Học sinh khóa 3 tham gia nạo vét kênh dẫn nước Thủy điện Ea Nao (năm 1979) - Ảnh tư liệu

Khi ấy, các thầy Nguyễn Thiên Sanh, Nguyễn Đức Hoa, Nguyễn Tấn Nhụy, Trần Văn Lộc, Lê Hưng Phúc, Hàng Minh Quang đều ở tập thể, các trò cũng vậy (trừ một số ít các em có nhà ở thị xã Buôn Ma Thuột). Phòng ở của các thầy là dãy phòng cấp 4 chật hẹp, tường gạch cũ kỹ, mái tôn thấp lè tè; còn các trò ở chung nhau tại hội trường được ngăn đôi, bên trong để ở với khoảng chục chiếc giường tầng bằng gỗ tạp, kê sát vào nhau, bên ngoài dùng làm phòng học và nơi hội họp của CBCNV cơ quan.

Vào giờ ăn, thầy trò cùng ăn tại bếp tập thể với cơm độn nhiều bắp, sắn, bo bo và thức ăn chủ yếu là cá khô chiên, canh “Thái Bình Dương”. Chính sự gần gũi bên nhau như vậy đã tạo nên sự gắn bó, thân tình giữa thầy và trò. Thầy hiểu mặt mạnh, mặt yếu, cá tính, hoàn cảnh của từng trò, nên chia sẻ được với các em về những khó khăn mà các em gặp phải trong việc tiếp thu kiến thức chuyên môn. Trò thương thầy vì trong bộn bề của công việc, vẫn dành nhiều thời gian và công sức để giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành cho các em với sự nhiệt tình hiếm thấy. Thầy yêu quý trò, vì vậy đã tận tâm, tận lực. Có thể nói rằng, trong ba năm với hơn một ngàn ngày đều là ngày 20/11 giữa thầy và trò khoá 3, mặc dù khi ấy chưa có Ngày nhà giáo Việt Nam (năm 1982 Nhà nước mới có quy định về ngày Nhà giáo Việt Nam).

Học viên khoá 3 đã tham gia lao động ngoài nghề nghiệp rất nhiều. Lúc đó, Sở Điện quản lý 2 trạm thuỷ điện nhỏ: Đrây H’Ling (2x240 kW) và EaHao (2x40 kW); hằng năm vào mùa nước kiệt, phải tổ chức nạo vét bằng thủ công tại cửa lấy nước để khơi thông dòng chảy, tăng lưu lượng nước vào kênh dẫn. Các em là lực lượng nòng cốt tham gia. Cũng lúc đó, chủ trương tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm được triển khai khắp tỉnh Đắk Lắk, Sở Điện được phân công tổ chức phát dọn các khu đất hoang làm rẫy ở Đrây H’Ling và trồng lúa nước ở buôn Bua (nay thuộc xã Hoà Xuân). Cũng chính các em đã góp công sức thực hiện. Có thể khi tham gia, các em không thể hiểu hết được ý nghĩa, bản chất của các câu khẩu hiệu giăng khắp công trường: “Lao động là vinh quang” , “Mỗi xô bùn được đưa lên bờ, có thêm một kWh điện cho lưới”, nhưng các em đã làm rất hăng hái, nhiệt tình. Các thầy, mà chủ yếu là thầy quản nhiệm kiêm giáo vụ, cũng tham gia cùng làm, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ nỗi vất vả với các em. Niềm vui thật chan hoà.

Giữa thầy và trò có nhiều chuyện cảm động. Vào dịp được nghỉ học, các em tranh thủ về thăm nhà. Khi trở lại lớp học mang theo lúc thì nải chuối, lúc thì dăm quả trứng gà, trái mướp, quả bí, lúc thì một cặp lồng cá kho để tặng thầy. Thầy trò lại cùng nhau chia sẻ. Rồi có thầy tổ chức đám cưới, đơn giản thôi, tiệc ngọt với bánh trái, nước trà, nếu là tiệc mặn thì tổ chức ở nhà gái đâu chừng chục mâm. Biết trò khó khăn, các thầy không mời, nhưng khi biết tin, các em đã cùng nhau mua quà chúc mừng hạnh phúc thầy cô; chỉ là bộ ly tách hoặc chục cái bát ăn cơm, nhưng sao thấm đẫm ân tình, làm các thầy xúc động và rất vui.

Đã 35, 36 năm trôi qua. Tình nghĩa thầy trò cứ mỗi dịp nhắc đến lại khơi dậy bao bồi hồi, xúc cảm. Nhiều thầy đã nghỉ chế độ, mỗi thầy Nguyễn Tấn Nhụy còn làm việc. Các trò khoá 3, cũng có nhiều thay đổi nhưng hầu hết vẫn bám trụ làm việc tại Công ty Điện lực Đắk Lắk cho đến hôm nay. Dù ở nơi đâu, trong trái tim họ vẫn còn mãi tình nghĩa thầy trò một thời vất vả, khó khăn nhưng thật khó phai mờ. 


  • 19/11/2014 09:37
  • Minh Nguyên
  • 933


Gửi nhận xét