Hầu hết, lục đục dậy bắt đầu lao vào công việc vào lúc 4 giờ sáng thường là các bác nông dân đi cấy, những anh, chị tiếp viên hàng không cuống quýt chạy cho kịp chuyến bay, những hộ gia đình kinh doanh thức quà sáng đun lại nồi nước, nhặt vài bó rau để chuẩn bị mở hàng, các ông bà cụ lọ mọ dậy sớm. Hoặc, đơn giản vì họ ngủ sớm quá nên tỉnh cũng sớm.
Nhưng theo kinh nghiệm của Russ Perry, 33 tuổi, sống tại Scottdales, Arizona, cũng là nhà sáng lập công ty thiết kế đồ họa Design Pickle, khoảng 4-6 giờ sáng luôn là khoảng thời gian mà con người trở nên chỉn chu giờ giấc, kế hoạch rõ ràng nhất trong ngày.
Từ lúc mà Russ và vợ anh bắt đầu cuộc sống gia đình, anh cảm thấy mình phải dậy sớm hơn hẳn để chuẩn bị tinh thần đối đầu với đống rối ren hỗn độn mỗi ngày. Con gái của hai người ra đời vào năm 2015, và Russ bắt đầu đặt báo thức lúc 4 giờ sáng.
Việc đầu tiên Russ làm là cầu nguyện. Dù gì anh cũng có tín ngưỡng của riêng mình.
Kế đến, bật máy tính lên, Russ bắt đầu đối mặt với đống Email, báo cáo tài chính doanh nghiệp rồi bắt đầu xách giày đi tập thể dục. Đến khi Russ về nhà, khi ấy đã là 6 rưỡi sáng, một cô con gái đã sẵn sàng "chào bình mình". Và "pháo đài đơn côi" của gã đàn ông đã có gia đình kết thúc vào lúc ấy.
Thực tế, theo các chuyên gia về năng suất lao động con người, mở đầu ngày mới với đống Email sẽ làm cạn kiệt năng lượng trí óc, nhưng đối với Russ, nhìn những con số nảy lên trên Hộp thư đến khiến anh chẳng thể nào yên tâm được.
"Tôi cảm thấy mình sẽ có lợi thế hơn mọi người", Russ nói.
Tất nhiên, được cái này thì phải mất cái kia, cứ đến 10 giờ đêm, Russ cảm thấy mình kiệt quệ hoàn toàn. Anh leo lên giường với mặt nạ mắt, nút tai. Trong khi Mika, vợ của Russ lại là một cô cú đêm đúng nghĩa. Russ nói rằng tới lúc ấy, anh chỉ có thể xem T.V hay làm mấy thứ "bớt dùng não" trên máy tính.
Đương nhiên, các nhân vật nổi tiếng "đầu điện" trên thế giới sẽ biết đến lợi ích của khoảng thời gian sáng sớm này. Như Tim Cook, CEO Apple thường được biết tới như người đến văn phòng công ty sớm nhất, rồi lại ra về muộn nhất. Ông này thường bắt đầu ngày mới vào lúc 3:45 sáng.
Hoặc như Sallie Krawcheck, CEO của hãng đầu tư dành riêng cho phụ nữ Ellevest, đã từng viết rằng: "Tôi chưa bao giờ trở nên năng suất đến thế ở khoảng 4 giờ sáng".
Dậy sớm không có nghĩa là ham mê công việc, là workaholic cả đời chỉ quan tâm email với tiến trình đâu. Chỉ là những người dậy sớm để làm việc, họ muốn tránh sự mất tập trung vào mạng xã hội, các trang web đăng đầy thông tin hấp dẫn thôi. Bạn biết đấy, lúc 4 giờ sáng thì người ta còn bận ngáy, mấy ai đi cập nhật Status hay đăng ảnh câu like đâu? Cái gì cũng có thời điểm của nó. Sống ảo cũng vậy!
4 giờ sáng là thời điểm yên tĩnh và dễ tập trung nhất.
"Khi cảm thấy yên tĩnh, bình lặng, không phải sân si với những người đang cố gây sự chú ý với mình, người ta bỗng dưng trở nên năng suất đáng kể, dễ dàng hoàn thành công việc nhanh chóng. Ở phần này thì họ đúng", chuyên gia tâm lý Josh Davis cho biết. Ông này có khá nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, sử dụng công cụ khoa học để tăng cường năng suất làm việc cho con người.
Một trong những trở ngại lớn nhất về mặt năng suất lao động của con người là họ quá dễ dàng bị mất tập trung vào những sự việc xung quanh: màn hình điện thoại nổ notif liên tục, email tràn đến đông như quân Nguyên, Facebook, Instagram, này này nọ nọ. Vì thế thức dậy vào lúc 4 giờ sáng sẽ cuốn bay hết những thứ đó khỏi tâm trí con người. Chẳng ai đợi email của bạn vào 4 giờ sáng, chẳng ai gọi điện thoại giục bạn cái này cái kia vào lúc 4 giờ sáng, cũng chẳng ai rỗi hơi thứ đêm đi đăng bài trên Facebook vào cái khoảng thời gian mà cả thế giới đang ngáy từng tiếng dõng dạc trên giường hết, xin nhắc lại một lần nữa.
Peter Shankman là một doanh nhân, phát ngôn viên 44 tuổi sống ở thành phố New York. Hàng ngày anh rời bỏ sự cám dỗ đến từ chăn ấm nệm êm vào lúc 4 giờ sáng, muộn lắm là vài phút sau đó. Hai lần mỗi tuần, Peter cùng người bạn của mình hẹn nhau tập chạy trong màn đêm bao phủ Manhattan tĩnh mịch.
Ở cái khoảng thời gian ấy, các con phố làm gì có ai qua lại, thế là có ngay nơi chốn tuyệt vời dành cho những suy nghĩ vẩn vơ bay lượn trong đầu người đàn ông 44 tuổi.
"Nếu như tôi cứ bận rộn lách người này người kia, hay để ý xem ai đi qua mình, các ý tưởng mới sẽ không đến với tôi đâu", Peter chia sẻ.
Đến 7 giờ sáng, Peter Shankman của chúng ta đã tắm rửa sạch sẽ, quần là áo lượt, cơm no nước cũng no, yên vị ngồi trên bàn làm việc của mình và bắt đầu một ngày làm việc mới.
Tuy nhiên mặt hạn chế ở đây là Peter thường phải đi ngủ lúc 8 rưỡi tối - sớm hơn hẳn 2 tiếng so với quý anh thiết kế Russ Perry bên trên.
"Cũng tốt. Kiệt quệ trên giường lúc 8:30 tối sẽ khiến cho tôi không có đủ năng lượng để làm mấy trò ngớ ngẩn như chén cả một xô kem to vào 10:30 tối chẳng hạn". Peter cho biết thêm là vì dậy sớm, anh có dư thời gian để tráng trứng làm bữa sáng cho thiên thần nhỏ của mình.
Ở một vùng ngoại ô nhỏ bang Michigan, Lauren Milligan đã có thói quen dậy lúc 4 giờ sáng kể từ khi cô sáng lập mô hình tư vấn nghề nghiệp của mình 15 năm trước đây. Người phụ nữ 46 tuổi tiết lộ rằng cô thích uống cà phê và ngắm những vì sao dần dần biến mất trên bầu trời lốm đốm vài vệt sáng của một ngày mới bắt đầu.
Tất nhiên, thời điểm mà cô ngắm sao ấy là phải vài giờ trước khi cô nhìn thấy bóng dáng của người hàng xóm đầu tiên mở cửa ban công vươn vai chào nắng sớm. Bởi thế nên cô có cảm giác khá cô độc. Còn nữa, chồng của Lauren là một nhạc công, thường đi diễn 4-5 lần mỗi tuần, luôn về nhà vào lúc mà Lauren thức giấc.
Nhưng nhìn chung, 4 giờ sáng là lúc mà chẳng ai làm phiền, cũng như không có nhiều thứ trên truyền thông phân tán sự chú ý của bạn. Một chút cảm giác cô độc, nhưng yên bình, tĩnh lặng, sẽ khiến bạn có khoảng thời gian làm việc năng suất, cũng như suy nghĩ thông suốt vô cùng. Bù lại, phải đi ngủ sớm, tức là sẽ không có mấy màn dạo phố đi bộ đêm, hay rủ nhau chơi khuya tới 2 giờ mới về nhà của tuổi trẻ ngông cuồng.
Cái gì cũng có cái giá của nó cả. Nếu như bạn muốn trở nên thật năng suất thì hãy dậy vào 4 giờ sáng đi nhé.