Nét đẹp người thợ điện cao thế miền Trung trên công trường siêu nhiệt

Giữa đại ngàn nắng gió Tây Nguyên, người thợ điện cao thế miền Trung luôn miệt mài bám sát công trường. Nét đẹp của lòng yêu nghề, tinh thần đoàn kết, ham học hỏi của họ đã tỏa sáng trên công trường chống quá tải đường dây 110 kV Kon Tum – Plei Krông.

Các kỹ sư, công nhân Công ty Lưới điện cao thế miền Trung thi công đường dây siêu nhiệt

Cung đoạn đường dây 110 kV từ trạm biến áp 110 kV Kon Tum đến điểm đấu nối vào nhánh rẽ Thủy điện Plei Krông dài 5,325km, trong những năm qua luôn trong tình trạng quá tải. Để khai thác tối đa nguồn công suất của các nhà máy thủy điện đấu nối vào đoạn đường dây này, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã quyết định cải tạo nâng cao khả năng truyền tải cho đường dây với giải pháp thay dây dẫn loại AC240/39 hiện hữu bằng dây siêu nhiệt GZTACSR 200 mm2 có khả năng mang tải lớn hơn, đồng thời giao nhiệm vụ cho Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (CGC) thi công, tiếp nhận quản lý vận hành.

Đây là lần đầu tiên CGC thi công loại dây dẫn này nên mọi vật tư thiết bị chuyên dụng còn hạn chế. Nguồn nhân lực được huy động từ nhiều đơn vị và chỉ mới được đào tạo qua lý thuyết nên gặp khó khăn trong phối hợp thao tác tại hiện trường. Tình hình thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân... Dù vậy, với lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, đoàn kết vì nhiệm vụ chung, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Tổng công ty, các đơn vị đã vượt qua khó khăn, phối hợp lẫn nhau, ngày đêm gắn bó hiện trường, làm chủ công nghệ mới, đưa công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tại hiện trường, các đoàn lãnh đạo, kỹ thuật thuộc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc, miền Nam đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật thi công thay dây dẫn siêu nhiệt đã được lãnh đạo CGC đón tiếp cởi mở và thân tình. Các đơn vị bạn đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng của CBCNV CGC trong công tác chuẩn bị kỹ phương án thi công từ những việc nhỏ nhất, không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị mà còn hạn chế tối đa những tổn thất về kinh tế của người dân trong quá trình vận chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị thi công công trình.

Đồng hành trong suốt quá trình thi công, ông Trần Phi Hùng, Phó phòng Kỹ thuật (CGC) chia sẻ: “Khi được EVN CPC giao nhiệm vụ thi công công trình, bên cạnh niềm vui vì được lãnh đạo tin tưởng là nỗi lo lắng. Dây dẫn siêu nhiệt GZTACSR 200 mm2 là loại dây dẫn công nghệ mới, cấu trúc khác với loại dây ACSR, nên đòi hỏi thiết bị phục vụ thi công và trình tự thao tác riêng, phù hợp, tránh tổn thương dây, đảm bảo an toàn về tiến độ cũng như chất lượng.

Công trình đã hoàn thành đã đánh dấu bước tiến mới của CGC trong việc đảm trách những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời giúp Nhà máy Thủy điện Plei Krông và các nhà máy thủy điện nhỏ đấu nối vào đường dây này có thể phát tối đa nguồn công suất.


  • 12/12/2012 04:10
  • Nguyễn Thị Tầm
  • 2418