Thợ điện M'Drak kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng cho khách hàng
|
Nhớ lại thời… chưa xa
Từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), chiếc xe chở đoàn công tác chạy bon bon trên quốc lộ 26, theo hướng Buôn Ma Thuột đi Nha Trang. Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua chặng đường khoảng 90 km, chúng tôi đã có mặt tại M’Drăk – nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Cường từng miêu tả đầy mê hoặc: “Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đùa nắng tung tăng mặt trời, du dương kèn Đinh Năm, xa xăm ngọn Chư Prông, xa xăm biển rộng…”.
Trụ sở của Điện lực M’Drăk (thuộc Công ty Điện lực Đăk Lăk) là một tòa nhà 3 tầng, khang trang, rộng rãi, tọa lạc ngay mặt đường quốc lộ 26, đoạn đi qua xã Cư M'Ta, huyện M'Drăk. Đón chúng tôi là kỹ sư Nguyễn Công Hướng, người vừa được bổ nhiệm Phó giám đốc Điện lực M’Drăk. Kỹ sư Hướng 33 tuổi, đeo cặp kính cận trắng, vóc dáng cao, gầy, rất thư sinh. Anh bảo, quê gốc ở Thái Bình nhưng sống ở Đăk Lăk từ nhỏ nên “gọi là người Đăk Lăk cũng không sai”.
Với tôi, M’Drăk đẹp, nhất là ở sự khoáng đạt, bao la của trời đất, nhưng chính bởi vị trí là một trong những huyện xa xôi và địa bàn rộng, phức tạp vào bậc nhất của tỉnh Đăk Lăk nên công tác quản lý vận hành kinh doanh điện của những người thợ điện M’Drăk cũng gặp nhiều khó khăn đặc thù.
Đơn cử, mỗi lần kiểm tra định kỳ đường dây, trạm biến áp hay phát quang hành lang tuyến, thợ điện M’Drăk phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, băng đèo, lội suối là chuyện rất đỗi bình thường – anh Hướng chia sẻ.
Mặt khác, khách hàng sử dụng điện ở đây phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, cuộc sống rất vất vả do vẫn dựa vào canh tác nông nghiệp thô sơ, nên việc thu tiền điện hay phát triển phụ tải và khách hàng mới cũng hết sức gian nan.
Mặc dù Điện lực M’Drăk (trước đây là Chi nhánh điện M’Drăk) mới thành lập từ ngày 01/8/2007 (được tách ra từ Chi nhánh điện EaKar), đến nay chưa đầy 10 năm, nhưng thực tế những người thợ điện “đời đầu” đã có mặt ở đây, làm nhiệm vụ quản lý vận hành – kinh doanh điện từ những năm 2000.
Anh Hướng cho biết, bây giờ thợ điện M’Drăk đã “dễ thở” phần nào vì các phương tiện thông tin liên lạc cũng như hạ tầng giao thông thuận lợi hơn nhiều so với 10 năm trước - thời điểm anh Hướng còn làm việc tại Chi nhánh điện EaKar (nay là Điện lực EaKar), khi đó “Muốn đến M’Drăk phải mất cả ngày trời đi xe đò, còn nếu xuống các xã, thôn, buôn mà gặp trời mưa thì coi như… xuống nằm vùng luôn”. Thực tế, hiện vẫn còn những thôn, buôn ở Cư San, Cư Róa mà mỗi lần đi xử lý sự cố kỹ thuật hay đi thu tiền điện vào mùa mưa, các anh công nhân vẫn phải sử dụng biện pháp cuốn xích sắt vào bánh xe máy mới vượt qua được những chặng đường lầy lội…
Một góc đèo Phượng Hoàng - nguồn ảnh: st
|
Anh Phạm Trung Bình, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực M’Drăk, là một trong những người thợ điện đầu tiên có mặt tại thảo nguyên này. Theo anh Bình, trước những năm 2000, M’Drăk mới chỉ có khu vực trung tâm huyện và đôi ba xã lân cận được sử dụng điện do huyện trực tiếp quản lý. Sau đó, được sự đầu tư của Nhà nước và ngành Điện qua các chương trình cấp điện cho bà con thôn, buôn Tây Nguyên, điện lưới quốc gia đã dần dần phủ kín các đường làng ngõ xóm nơi đây, mang đến cho M’Drăk một diện mạo mới.
Anh Bình bảo, mới ngày nào đặt chân đến mảnh đất này, vậy mà chớp mắt đã 15 năm trôi qua. Từng bước chân các anh đã in dấu trên những thôn, buôn xa xôi nhất của M’Drăk để lắp đặt công tơ, trong niềm hân hoan, mừng rỡ của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cũng sau ngần ấy thời gian, từ một thợ điện mới vào nghề, anh Phạm Trung Bình đã trở thành thế hệ “lão làng” ở Điện lực M’Drăk dẫu tuổi đời chưa tới 40.
Tập thể nhỏ, tinh thần lớn
“Quân số” của Điện lực M’Drăk cả thảy 23 người thì hầu hết đều phải xa gia đình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ phải tạm gác lại rất nhiều ưu tư trong cuộc sống riêng.
Anh Nguyễn Tuấn Dũng – Trưởng phòng Tổng hợp Điện lực M’Drăk là một ví dụ điển hình. Sinh năm 1979, anh Dũng có mặt ở đây từ những ngày đầu thành lập Điện lực. Đó cũng là ngần ấy thời gian gia đình nhỏ của anh chưa được “quy về một mối”. Vợ con ở Quảng Nam, cách nơi anh làm việc tới vài trăm cây số. Vì vậy, hàng tháng trời, vợ chồng, cha con mới được gặp nhau một lần. Anh chia sẻ, đang cố gắng thu xếp công việc cho vợ ở Đăk Lăk đưa gia đình đoàn tụ, bởi “vợ đã vất vả quá nhiều, còn các con đang lớn dần, rất cần được cha ở bên chăm lo, dạy dỗ”.
Ở đó, những người như anh Trần Viết Thường, anh Lê Xuân Thanh, anh Lý Thanh Liêm,… đều phải công tác xa nhà tới hơn 130 km. Dẫu họ luôn tươi cười khi tôi hỏi thăm, nhưng đằng sau nụ cười ấy, chỉ người trong cuộc mới thấm thía, rằng để làm tròn nhiệm vụ họ đã phải cố gắng nhiều đến nhường nào…
Chính vì sống xa gia đình nên các anh em đã xem nhà nghỉ ca như là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhà nghỉ ca được Công ty Điện lực Đăk Lăk hỗ trợ xây dựng, gồm 4 phòng ở. Họ cùng nhau đóng góp để trang bị những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cùng nấu ăn và chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong những bữa ăn tập thể.
Anh Hướng chia sẻ, thời gian mà các anh em dành cho nhau ở Điện lực còn nhiều hơn ở bên người thân, nên họ gắn kết bền chặt với nhau, không chỉ là đồng nghiệp mà là tình yêu thương dành cho những người trong một gia đình. Và tinh thần đoàn kết đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện ổn định, liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trên thảo nguyên nắng gió này.
Điện lực M’Drăk (thuộc Công ty Điện lực Đăk Lăk) hiện đang quản lý:
- Trên 8.000 khách hàng
- Hơn 450 km đường dây trung áp và hạ áp
- 01 trạm biến áp trung gian, 173 trạm biến áp phụ tải
- Địa bàn quản lý: Toàn bộ huyện M’Drăk và một phần xã Cư Drăm (huyện Krông Bông)
Những thành tích Điện lực M’Drăk đã đạt được:
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2013)
- Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2012)
- Giấy khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2012)
|