Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật điện Hội An, Nguyễn Huỳnh Sơn về làm công nhân tại Phân xưởng phát điện Liên Trì (TP Đà Nẵng). Tại đây, dù suốt ngày “dầm” mình với dầu mỡ, “đinh tai nhức óc” với tiếng ồn, nhưng Sơn vẫn luôn nhiệt tình với công việc. Hồi ấy tuổi trẻ xông xáo, tuy được giao vận hành tủ bảng điện, song Sơn đã cùng đồng nghiệp đảm nhận thêm công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy định kỳ, vật lộn với những cỗ máy nặng trịch.
Mấy năm sau, Nhà máy điện Liên Trì chuyển sang phát dự phòng, Sơn được điều động làm công nhân vận hành trạm trung gian T7 trực thuộc Chi nhánh điện Đại Lộc. Lúc này, anh đã có biểu hiện của bệnh nghề nghiệp, hai tai giảm thính lực, giọng nói vang to như “cãi lộn” với người đối diện. Chỗ làm việc mới cách nhà 25 cây số, không có phương tiện đi về trong ngày, Sơn cùng đồng đội bám sát hiện trường, phấn đấu giảm sự cố và rút ngắn thời gian mỗi lần bị sự cố tại trạm, nhiều lần được Giám đốc Điện lực Quảng Nam và Chi nhánh điện Đại Lộc khen thưởng. Thời gian sau, anh chuyển sang làm công tác kinh doanh, thu nợ, rồi làm làm nhân viên công nợ viễn thông.
Nguyễn Huỳnh Sơn (áo kẻ) một lần đến thăm, tặng quà cho đồng bào thôn kết nghĩa
|
Điện lực Đại Lộc là một trong số ít đơn vị được thành lập sớm nhất ở Quảng Nam, nên nơi đây đã xuất hiện nhiều cán bộ, công nhân viên có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phong trào, năng nổ trong hoạt động đoàn thể. Qua tiếp cận với các bậc đàn anh, Sơn để ý học hỏi, ghi chép, lĩnh hội kiến thức và tay nghề từ những người thầy thực tế này. Chẳng bao lâu, Sơn đã nắm vững chuyên môn, kể cả cách thức quản lý, điều hành một tổ chuyên môn và nhất là công tác phong trào, đoàn thể.
Vì thế, năm 2009 khi Điện lực Đông Giang được thành lập, anh được cử làm Tổ trưởng Tổ công nợ, phụ trách địa bàn hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Nơi đây, đa số khách hàng là người dân tộc thiểu số, địa bàn rộng nên việc thu tiền điện khó khăn. Tuy nhiên, Sơn đã nỗ lực cùng anh em bám địa bàn, sâu sát từng hộ dân, tăng cường đốc thu; đồng thời giải quyết dần những khoản nợ lưu cữu kéo dài nhiều năm qua. Về sau, khi Tổ công nợ đã ổn định, Sơn được chuyển sang làm Tổ trưởng Tổ Điện kế. Mặc dù phải chuyển “tay lái” đột ngột, từ công nhân lưới điện sang làm nhân viên kinh doanh, rồi nhân viên điện kế, song với bản tính ham việc, chăm làm nên anh luôn làm tốt nhiệm vụ được giao.
Sinh ra và lớn lên tại TP. Đà Nẵng, những ngày mới ra trường làm việc tại Đà Nẵng, nhưng gần ba mươi năm qua, Nguyễn Huỳnh Sơn cứ "chuyển dịch" dần lên núi cao, hết Đại Lộc rồi đến Đông Giang, Tây Giang, cách nhà hàng trăm cây số, cứ cách tuần mới có điều kiện về thăm nhà một lần. Có thể nói, Nguyễn Huỳnh Sơn là một trong số ít những người công nhân điện nhiều năm gắn bó với dòng điện, nắm chắc địa hình và điều kiện sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở từng thôn, nóc của vùng núi rừng Đông Giang, Tây Giang.
Giỏi nghề, sống chân thành và khiêm tốn nên Sơn được anh em trong đơn vị thương yêu, quý mến. Chỉ sau mấy năm quản lý Tổ, anh đã vừa học vừa làm, vừa chỉ vẽ cho anh em cùng làm nên kiến thức và tay nghề của Sơn ngày càng vững, đạt bậc thợ 7/7, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, anh còn được CBCNV trong đơn vị tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn bộ phận Điện lực Đông Giang ba nhiệm kỳ qua.
Ông Trương Tiến Dũng, Giám đốc Điện lực Đông Giang cho biết: “Anh Sơn là người rất nhiệt tình và xông xáo, lại giỏi chuyên môn nên quản lý Tổ có hiệu quả. Đối với phong trào CNVC - LĐ, với vai trò là chủ tịch công đoàn bộ phận, anh Sơn đã có những đóng góp không nhỏ để xây dựng và phát triển phong trào. Dù đời sống anh chị em trong đơn vị còn nhiều khó khăn, hầu hết phải sống xa gia đình, song với tinh thần tương thân tương ái, sự cảm thông sâu sắc và chia sẻ chí tình, mọi người trong đơn vị đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bên cạnh người chủ tịch công đoàn bộ phận đáng mến của mình”.