Ảnh minh họa
|
Ông Đinh Văn Cường – Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết: Lưới truyền tải điện do đơn vị quản lý trải dài trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chủ yếu đi qua khu vực rừng núi, các nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện suốt trong dịp Tết và để nhân dân được vui xuân trong ánh sáng điện thì đơn vị phải giải quyết khá nhiều công việc liên quan đến công tác quản lý, vận hành.
Đơn vị đang triển khai thực hiện đồng bộ một loạt các phương án và công việc cụ thể. Bộ phận kỹ thuật phải rà soát lại các phương án xử lý sự cố, phòng chống cháy nổ, tập hợp lại những trục trặc của thiết bị, những "điểm đen" trên lưới (điểm nhiều khả năng xảy ra cháy do đồng bào đốt nương rẫy) chưa giải quyết dứt điểm để có phương án xử lý ngay. Bộ phận vật tư, kiểm tra các vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng cho việc xử lý, thay thế, sủa chữa lưới điện khi cần.
Bộ phận quản lý xe, phải chuẩn bị xe luôn sẵn sàng lăn bánh ngay khi có lệnh điều động. Các công nhân kiểm tra lại dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ an toàn, dụng cụ thao tác, dụng cụ thi công, đèn chiếu sáng, các máy bộ đàm và phương tiện liên lạc cá nhân, đảm bảo trong trạng thái làm việc tốt. Bộ phận truyền thông - tuyên truyền lên kế hoạch gặp gỡ các cấp chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản để vận động bà con không đốt nương rẫy, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phạm vào hành lang an toàn lưới điện. Tất cả các tổ, đội đều làm việc hết mình với mục tiêu “lưới điện vận hành an toàn, không bị gián đoạn, đảm bảo điện phục vụ nhân dân ăn Tết".
Theo chân công nhân đường dây Đội truyền tải điện Pleiku đi kiểm tra, dọn hành lang tuyến đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông trong buổi sáng sương mờ, lạnh giá, mới đi được ba khoảng cột mà lưng áo tôi đã thấm đẫm mồ hôi, vậy mà các anh vẫn thoăn thoắt đi trên lối mòn nhỏ do chính bước chân các anh tạo nên trong những lần đi kiểm tra tuyến. Đường dây đi qua địa phận huyện Chư Prông, với những Plei Me, Ia Đrăng, làng Bạc, Bàu Cạn… xưa kia đã từng diễn ra các trận đánh ác liệt và oai hùng chống giặc ngoại xâm, nơi tạo nên anh hùng dân tộc Kpă Klơng làm quân thù khiếp sợ. Sau chiến tranh, mảnh đất nơi đây đã hồi sinh nhanh chóng. Những đồi chè, những lô cao su xanh bạt ngàn của Nông trường cao su Chư Prông, Xí nghiệp chè Bàu Cạn đã xóa hết dấu bom đạn xưa, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Dấu ấn đặc biệt nhất là đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 – công trình thế kỷ của đất nước ta được xây dựng đi qua nơi đây.
Với nhánh lan rừng trên tay, một anh lính truyền tải vui vẻ nói: Đây là hoa đón xuân của lính truyền tải đấy anh ạ. Nụ cười tươi của anh lính thợ bên những nụ hoa đang chúm chím như kéo mùa xuân về.
Đến với Trạm biến áp 500 kV Pleiku, dọc quốc lộ 14, từ thành phố Pleiku lên huyện Chư păh, hai bên đường, những vựa hoa, cây cảnh đã được bầy bán. Những cây mai thế, những chậu hoa muôn sắc như đang đua nhau tỏa hương thơm đón ánh nắng ấm ban mai. Dòng xe cộ chở theo đầy hàng xuôi ngược tấp nập. Thế nhưng vào trong trạm, một cảm giác bình yên đến lạ thường, khác hẳn không khí vội vàng, tấp nập bên ngoài. Chỉ nghe tiếng máy chạy ù ù, đều đều và tiếng điện kêu rè rè, lách tách. Mặt bằng trạm sạch bóng, các hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng. Các lối đi trong trạm được kẻ vẽ và dựng hàng rào báo hiệu khu vực điện áp cao để mọi người nhận biết khu vực không được đi vào.
Trong phòng điều khiển, các nhân viên trực ca đang chụm đầu thảo luận các phương án, các tình huống giả định theo các phương thức vận hành, nhưng vẫn chú ý theo dõi các tín hiệu điện đang nhấp nháy trên các tủ bảng. Các anh cho biết: Những ngày lễ, Tết, trong khi mọi người được nghỉ ngơi, đi du lịch, thăm thú bà con bạn bè thì các anh phải trực tăng cường nhiều hơn. Gác lại thời khắc giao thừa linh thiêng bên gia đình, bỏ qua những niềm vui rộn ràng của ngày Tết, họ vào ca trực, như những chú ong thợ chăm chỉ, thầm lặng làm việc, canh giữ cho dòng điện không ngừng tỏa sáng.