"Thế hệ 500 kV" - Một thời để nhớ

Cách đây 20 năm, sự kiện hệ thống lưới điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam hòa lưới tại Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng vào ngày 27/5/1994 đã trở thành một mốc son trong lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của ngành Điện Việt Nam. Cụm từ “thế hệ 500 kV” được nhà báo Vĩnh Quyền đặt tên cho bài viết về những chàng trai thí nghiệm điện miền Trung đăng trên trang nhất Báo Lao động khi ấy. Chúng tôi, những người trong cuộc, giờ đây mỗi lần có dịp gặp lại nhau, những kỷ niệm lại ùa về sống động như vừa mới xảy ra ngày hôm qua...

Các cán bộ thí nghiệm điện TBA 500kV Pleiku của 20 năm trước

Dòng điện cao áp Bắc – Nam ngang qua miền Trung như một chất xúc tác kỳ diệu làm thay da đổi thịt miền đất vốn nhiều gian khó. “Thế hệ 500kV” tự hào được góp một phần bé nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đường, trường, trạm cho các khu công nghiệp, nhà máy… đã hình thành theo lưới điện, lan tỏa theo ánh sáng văn minh. Đi qua năm tháng, những điều tưởng như dung dị, nhỏ bé ngày nào đã trở thành kỷ niệm khó phai sau những công trình: 500 kV Đà Nẵng; 500 kV Pleiku; Thủy điện Vĩnh Sơn; Thủy điện Ialy…

Sức bật của tuổi trẻ

Lực lượng thí nghiệm tại Công ty Thí nghiệm điện miền Trung (CPC ETC) thời điểm thi công đường dây 500 kV Bắc – Nam còn mỏng và trẻ, toàn bộ CBCNV của Công ty chưa đến 80 người, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi khối lượng công việc phải đảm nhiệm từ các năm 1993 - 1995 là rất lớn.

Cụ thể, CPC ETC đảm nhiệm thí nghiệm đưa vào vận hành 2 trạm biến áp 500 kV, Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, các trạm biến áp 220 kV – 110 kV trong khu vực... Công tác thí nghiệm định kỳ vẫn phải đảm bảo tần suất 1 lần/năm (theo quy trình cũ); riêng các trạm biến áp 35 kV toàn miền Trung thời điểm đó gần 100 trạm (lưới điện trung áp chưa chuyển qua cấp điện áp 22 kV, mỗi huyện thị trong khu vực có 1 trạm biến áp trung gian cấp điện áp 35/6kV, 35/10kV hay 35/15kV).

CPC ETC được thành lập cuối năm 1991 với một thế hệ kỹ sư, công nhân trẻ vừa rời ghế giảng đường chỉ từ 1 đến 2 năm, được đào tạo theo các giáo trình truyền thống, ngoại ngữ gần như 100% học tiếng Nga, nhiều anh em vốn liếng tiếng Anh xem như bằng không. Trong khi đó, toàn bộ thiết bị điện lắp đặt tại các trạm biến áp 500 kV, Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (được xem là nhà máy có công nghệ hiện đại số 1 Đông Nam Á vào thời điểm này) đều được nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ. Tài liệu đương nhiên bằng tiếng Anh; chuyên gia tư vấn giám sát, chuyên gia nhà thầu cung cấp thiết bị… đều nói tiếng Anh. Nhưng với sự quyết tâm cao của toàn bộ tập thể người lao động, hàng nghìn trang tài liệu hồ sơ thiết bị hệ thống điện tiên tiến được biên dịch cập nhật bằng chính nội lực của CPC ETC.

Các phương pháp thí nghiệm mới theo tiêu chuẩn Âu, Mỹ (trước đó chúng ta thường áp dụng theo tiêu chuẩn của Nga) được biên soạn thành quy trình, cẩm nang sử dụng. Ngày ngày, đội ngũ CBCNV bám sát tiến độ công trình; đêm xuống lại say sưa đèn sách với không khí tất bật, khẩn trương.

Gần như toàn bộ thành viên 2 đội công trình 500 kV Đà Nẵng và 500 kV Pleiku làm việc mỗi ngày trên 15 tiếng đồng hồ, kéo dài liên tục từ tháng 1 đến hết tháng 5/1994. Hàng ngày, từ 6h30 - 17h30, anh em làm việc cùng các chuyên gia tại công trường. Buổi tối từ 19h - 22h, một số nhóm tiếp tục ở lại công trường làm việc; anh em còn lại nghiên cứu đọc tài liệu chuẩn bị cho công việc ngày mai. Quá nửa đêm, phòng nghỉ vẫn sáng đèn, sôi nổi như thời ký túc xá sinh viên trong những mùa thi.

Sáng tạo trong sản xuất

Trong công tác quản lý điều hành sản xuất, lãnh đạo CPC ETC đã có những ý tưởng hay được lãnh đạo cấp trên (Công ty Điện lực 3, nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVN CPC) và các đơn vị bạn cũng như đối tác ủng hộ nhiệt tình. Sau khi hoàn thiện thi công các trụ đường dây 500 kV, việc kiểm tra tiếp địa cung đoạn từ Văn Xá – Thừa Thiên Huế vào đến đèo Lò Xo - Kon Tum được giao cho CPC ETC vào giữa năm 1993.

Được sự nhất trí của lãnh đạo cấp trên, CPC ETC đã huy động lực lượng phối hợp giữa các đơn vị trong Công ty Điện lực 3 gồm Sở Truyền tải điện 2 (nay là Công ty Truyền tải điện 2) và các đơn vị điện lực với nòng cốt kỹ thuật là các kỹ sư thí nghiệm, đã thành lập 2 đội công trình với 4 nhóm công tác.

Nhân sự của Truyền tải điện 2 trong quá trình đo đạc kiểm tra, họ trực tiếp giám sát chất lượng thi công, sau này lại là những người trực tiếp vận hành nên nắm rõ vị trí và thông số kỹ thuật của từng trụ điện, góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống. Xe ô tô huy động tại các điện lực địa phương phát huy được năng lực sở tại vì vào thời điểm đó, cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông dọc theo tuyến đường dây rất kém. Vượt qua điều kiện làm việc khó khăn: Địa hình, khí hậu khắc nghiệt của rừng nhiệt đới, triển khai sơ đồ đo với bán kính và chu vi móng trụ 500 kV lớn… các đội công trình đã hoàn thành công việc trước thời hạn, đảm bảo đúng tiến độ công việc và phương pháp kỹ thuật thực hiện phép đo đã được đơn vị tư vấn giám sát nước ngoài Pacific Power International chấp nhận.

Khi triển khai 2 đội công trình thí nghiệm tại 2 trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và 500 kV Pleiku ngay Tết Giáp Tuất năm 1994, để tăng cường lực lượng, CPC ETC đã được các điện lực trong Công ty Điện lực 3 bổ sung nhân lực. Có gần 15 cán bộ thí nghiệm tại các đơn vị điện lực được điều động về tham gia thí nghiệm điện 500 kV.

Từ thực tế công trình 500 kV, cán bộ thí nghiệm các điện lực cũng đã được rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng tầm nhìn, đóng góp thiết thực cho đơn vị trong công tác quản lý vận hành khi trở về đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi lưới điện trung áp mở rộng lưới điện nông thôn tiếp nhận trực tiếp nguồn từ các trạm biến áp 110 kV.

Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện công tác thí nghiệm 500 kV, lãnh đạo CPC ETC đã điều động một số cán bộ chuyên môn giỏi đi tham quan học hỏi các nước có hệ thống điện siêu cao áp. Khi tham gia công trường, số cán bộ trên đã làm tốt công tác đầu tàu nòng cốt, khiến nhiều chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên và vị nể về trình độ chuyên môn kỹ thuật của "lính thí nghiệm điện" Việt Nam. Xác định rõ tầm quan trọng của việc sử dụng ngoại ngữ để phục vụ công tác, CPC ETC đã tổ chức các lớp học tiếng Anh tại đơn vị ngay sau giờ làm việc, một không khí học tập và làm việc đầy tích cực diễn ra hàng ngày.

Liên tục trong các năm từ 1993 – 1995, CPC ETC đã làm tốt công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong 3 năm, có 69 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp Công ty, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Lãnh đạo CPC ETC có 9 sáng kiến có giá trị cao, đặc biệt là các sáng kiến mang tầm ảnh hưởng đối với cả hệ thống đường dây. Ngoài ra, Phân xưởng Đo lường của CPC ETC có 16 sáng kiến; Phân xưởng Rơ le – Tự động có 21 sáng kiến; Phân xưởng Cao thế - Hóa dầu có 23 sáng kiến. Khi thi công, các giải pháp sáng kiến đã minh chứng cho tố chất sáng tạo của những người làm công tác thí nghiệm điện miền Trung. Nhiều sáng kiến đã khiến các chuyên gia hết sức bất ngờ.

Tiếng Anh và văn hóa hội nhập

Sức bật của tuổi trẻ đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả. Những cuốn từ điển tiếng Anh bỏ túi thời mở cửa luôn sẵn sàng để tra cứu là "cẩm nang" giúp chúng tôi giao tiếp hàng ngày với chuyên gia tự tin hơn. Ngạn ngữ đã có câu “Lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mới mãi xanh tươi”, tham gia thực tế công việc trên công trường đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn.

Từ vựng tiếng Anh kỹ thuật điện khá lên trông thấy, chúng tôi đã thuộc nằm lòng các thuật ngữ: “Antipumping – chức năng chống đóng giả dò”; “closing speed, opening speed - tốc độ đóng, tốc độ cắt (thí nghiệm máy cắt)”; “overtravel – quá hành trình đường đi của tiếp điểm máy cắt”; “penetration – độ ngập của tiếp điểm động vào tiếp điểm tĩnh của máy cắt”… nhưng cũng có những chuyện vui khi biên dịch tài liệu. Có anh bận quá, sợ không kịp tiến độ công việc đã nhờ bạn gái dịch, vậy là: “the electronic in the electric field – những điện tử trong điện trường” đã trở thành “những điện tử lang thang trên cánh đồng điện”.

Làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài, phong cách và kỹ năng của chúng tôi cũng được cải thiện nhanh chóng. Họ cũng có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng đẹp về con người và đất nước Việt Nam. Chuyên gia tư vấn thí nghiệm điện Martin Smith - Công ty Pacific Power International kể lại câu chuyện ăn cơm tại Việt Nam làm ông nhớ mãi. Ông kể: “Mình đi ăn cơm đĩa, bên nước mình ăn thì phải ăn hết, chủ quán cứ nghĩ cơm ít nên hôm sau lại thêm một ít. Cứ vậy, đến ngày thứ năm, đĩa cơm nhiều đến mức mình cố ăn đến căng bụng cũng không hết được. Và mình buộc phải nói thật, lúc đó mọi người xung quanh ồ lên rồi ôm bụng mà cười”.

Rồi đây, đất nước phát triển, hệ thống điện sẽ hoàn thiện hơn với công nghệ mới đột phá, tiên tiến. Chúng tôi tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay, những người chủ tương lai sẽ tiếp bước cha anh làm nên những kỳ tích mới. “Thế hệ 500 kV” vẫn luôn gắn bó với ngành Điện, luôn lưu giữ trong tim “một thời để nhớ” – một thời cùng nhau vượt khó, sáng tạo với những kỷ niệm khó phai.


  • 23/12/2014 11:02
  • Phạm Bá Ngọc
  • 1956


Gửi nhận xét