Lưới điện khu vực này phần lớn phải băng qua vùng đồi núi, uốn lượn theo các triền đồi chênh vênh, hiểm trở và các tuyến đường “độc đạo” phía trên là vách núi đá dựng đứng, phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Đi suốt tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện Đông Giang, Tây Giang và các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, rất hiếm thấy có đường dây điện nào chạy trên vùng đất bằng phẳng.
Do địa hình chia cắt, nhiều khe suối và độ dốc lớn nên vào mùa mưa, lưới điện nơi đây luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất và cây rừng bị quật đổ làm đứt dây, ngã trụ. Vì thế, những người thợ điện luôn phải luôn sẵn sàng ứng phó với nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho lưới điện và trong hoạt động cung ứng điện.
Công nhân Điện lực Đông Giang khắc phục sự cố sau bão - Ảnh: Huỳnh Sơn
|
Hơn 2/3 số xã của huyện Đông Giang, và toàn bộ huyện Tây Giang là khu vực núi cao, giáp ranh với 2 huyện Đắc Chưng và Tà Lùm của nước bạn Lào, việc quản lý, vận hành lưới điện còn gian nan hơn. Đứng trên ngọn núi Hải Dương ở khu 7 huyện Tây Giang phóng tầm mắt ra xa, chỉ thấy một màu xanh đen của núi non trùng điệp ẩn hiện trong mây, thi thoảng mới thấy một vài nóc nhà dân nằm chênh vênh trên các triền núi, xa hơn nữa là những đường dây điện nhấp nhô đưa điện vào sâu trong các nóc nhà dân, trập trùng giữa núi rừng Trường Sơn.
Ông Huỳnh Nhựt - Tổ trưởng Tổ quản lý vận hành lưới điện Tây Giang (trực thuộc Điện lực Đông Giang) chia sẻ: “Mỗi trận mưa lớn thường gây sạt lở núi, cuốn theo cây cối va đập gây hại lớn cho lưới điện, có khi phải mất cả tháng trời đường mới thông để giải quyết sự cố. Còn chuyện cây rừng ngoài hành lang an toàn lưới điện ngã đổ vào đường dây xảy ra thường xuyên, không cứ gì đến mùa mưa bão. Bởi thế, mỗi khi mùa mưa đến, anh em công nhân chúng tôi luôn phải đề phòng, cảnh giác cao độ để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời”.
Ông Trương Tiến Dũng, Giám đốc Điện lực Đông Giang cho biết, nhằm hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra, anh em thường bảo nhau chú trọng làm tốt công tác bảo vệ lưới điện theo những biện pháp chỉ đạo của Công ty Điện lực Quảng Nam. Trước mỗi mùa mưa bão, tập trung phòng chống lụt, bão (PCLB) theo phương án đã đề ra từ đầu năm. Riêng trong năm 2014, song song với việc củng cố hoạt động của Tiểu ban PCLB, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tiểu ban, thành lập các tổ xung kích, đơn vị còn triển khai thực hiện tốt công tác xử lý sự cố và chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng và ứng phó bão, lũ để giảm thiểu hư hại cho lưới điện; đồng thời chuẩn bị nhân lực và vật tư tại chỗ để giải quyết nhanh chóng sự cố khi có bão, lũ xảy ra.
Đối với những vị trí lưới điện có nguy cơ mất an toàn, anh em phải xử lý bằng cách gia cố móng trụ, chèn chống trụ điện cẩn thận. Đối với những vị trí trụ điện ở những nơi có nguy cơ sạt lở lớn, hư hỏng nặng, anh em kiểm tra nắm chắc địa điểm và cắt cử công nhân trực, thường xuyên theo dõi để phát hiện có sự cố thì cắt điện đầu xuất tuyến để hạn chế thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, các tổ quản lý điện đều có lực lượng dự phòng (là các nhân viên dịch vụ bán lẻ điện nông thôn) để hỗ trợ xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra. Công việc nhiều, vất vả hơn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng những người thợ điện vùng cao Đông Giang luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững dòng điện sáng phục vụ bà con dân bản.