Thợ đường dây cao thế

Vắt vẻo trên những trụ điện cao chót vót, túc trực ngày đêm trên những đường dây truyền tải bảo đảm cho dòng điện được thông suốt, ổn định, có mặt ngay trên những điểm nóng, sự cố về điện… đó là công việc thường ngày của những người công nhân điện cao thế. Công việc đòi hỏi sự say mê và tinh thần cống hiến. đ d

Trên dây, dưới mìn

Chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Nguyễn Trung Kiệt trong dịp ông về thăm lại cơ quan cũ (Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh), trong những ngày cuối tháng 9. Dù đã về hưu hơn 13 năm, nhưng gặp đồng nghiệp cũ, ôn lại kỷ niệm về những ngày gắn bó với đường dây cao thế vẫn khiến ông bồi hồi xúc động.

Từ những năm 1960, ông Kiệt là một trong những cán bộ được đào tạo bài bản về điện. Về công tác tại Ban Tiếp nhận lưới điện 66 - 110 kV (tiền thân của Công ty Lưới điện cao thế) giữa muôn trùng khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và nhất là hệ thống đường dây tan hoang do chiến tranh tàn phá, lúc đó, đơn vị của ông chỉ có 10 nhân viên được “góp nhặt” từ đơn vị truyền tải về. Vậy mà những khó khăn, thiếu thốn đều được anh em vượt qua.

Đến giờ, ông vẫn nhớ như in sự cố đường dây tại Định Quán (Đồng Nai). Ông kể: “Thời điểm đó, bom mìn chôn đầy rẫy dưới chân trụ. Mỗi lần sửa chữa, đều phải liên hệ công binh nhờ hỗ trợ”. Ông Kiệt lặng đi khi nhắc đến những đồng nghiệp đã hy sinh khi vô tình giẫm phải mìn trên đường đi thi công. Hay sự cố về đường dây trên xa lộ Hà Nội năm 2001. Thời điểm đó, với quân số chỉ 10 người, thiết bị cũng đi mượn từ công ty truyền tải điện, nhưng rồi suốt từ 23 giờ đêm đến tận 11 giờ ngày hôm sau, nguồn điện cũng được nối mạch lại.

Công nhân thi công đường dây 110 kV Hóc Môn - Tân Hiệp, huyện Củ Chi

Trải qua những ngày đầu khó khăn của ngành Điện, ông Võ Minh Hoàng, cán bộ kỹ thuật đang công tác tại Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh luôn lưu giữ những ký ức không thể nào quên. Sau 2 ngày toàn thắng thống nhất nước nhà (2/5/1975), là thợ đường dây, ông xung phong ra Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận) để cùng anh em tham gia khắc phục, nâng cấp đường dây Đa Nhim – Sài Gòn. Đây là đường dây cung cấp điện duy nhất cho TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Hai bên đường đi vào các trụ đầy rẫy bom, mìn. Với tinh thần cống hiến, mọi công việc rồi cũng được giải quyết. Ông vẫn chưa nguôi ngoai về những đồng nghiệp của mình năm ấy đã vĩnh viễn nằm xuống bởi bom, mìn.

Những ngày giữa tháng 10 vừa qua, chúng tôi theo chân những cán bộ, công nhân kỹ thuật thuộc Tổ xây lắp 3, Đội xây lắp Công ty Lưới điện cao thế thực hiện công tác tháo và đấu lèo trụ 40. Đây là một trong những trụ thuộc đường dây 110 kV Hóc Môn – Tân Hiệp. 11 giờ trưa, nhìn lên trụ, chúng tôi chỉ thấy 4 bóng người đang hối hả làm việc theo sự điều khiển của anh Tô Văn Hoàng, chỉ huy trực tiếp từ dưới đất. Anh Hoàng còn kiêm cả việc tiếp tế thức ăn, nước uống cho anh em làm việc trên trụ. “Ở độ cao 40 - 50 m, công việc đang dở dang mà tới giờ cơm thì chuyển thức ăn lên chứ không xuống để tránh mất thời gian”, anh Hoàng cho biết.

Anh Lê Văn Vinh, một trong những cán bộ có thâm niên 40 năm công tác trong ngành cho biết thêm: “Mỗi lần gặp những trụ điện nằm giữa ruộng ngập nước, công tác thi công lại thêm khó khăn vì không chỉ bảo quản vật tư, thiết bị, anh em còn phải đối phó vắt, đỉa, thậm chí, giẫm phải mảnh chai, kim tiêm... Những lần như thế, sau khi sơ cứu, anh em lại nén đau để hoàn thành công việc còn dở dang phía trước”. Anh Trịnh Hoài Tâm, cán bộ Đội xây lắp, góp chuyện: “Kéo dây trên địa hình bằng phẳng đã mệt, nhưng băng rừng để thi công càng khó khăn gấp bội. Công việc này không thể gấp gáp, nên có những lần, thời gian thi công kéo dài cả tháng…”.

113 của ngành Điện

Đó là cách nói quen thuộc của anh em dành cho đội chuyên sửa chữa, bảo trì điện trong tình trạng đường dây đang có điện. Chúng tôi có dịp chứng kiến tổ sửa chữa điện nóng (hotline) xử lý sự cố tại đường dây 15 kV Mễ Cốc (quận 8). Tại đây, Công ty Điện lực Chợ Lớn đang tiến hành phối hợp tổ hotline di dời, lắp đặt trạm biến áp 400 kVA cách khoảng 50 m so với vị trí cũ. Ông Bùi Duy Thông, Tổ trưởng Tổ hotline cho biết, nhiệm vụ của anh em hotline là đấu nối đường dây 15 kV vào trạm biến thế mới, trong tình trạng đường dây 15 kV vẫn đang có điện với điện áp cao gấp 70 lần so với điện áp sử dụng trong sinh hoạt tại các hộ gia đình. Sau khi chuẩn bị xong, xe gàu đưa hai nhân viên hotline lên vị trí cần đấu nối. Hai nhân viên dùng lớp nhựa cách điện ốp vào đường dây, rồi dùng thêm thảm cách điện phủ lên những điểm hở đề phòng phóng điện. Họ tháo ba điểm đấu nối từ trạm biến áp cũ ra khỏi đường dây đang có điện.

Trước đây, với công tác tương tự, Công ty Điện lực Chợ Lớn phải cắt điện ít nhất năm giờ; nhưng nhờ sửa chữa hotline nên đã tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Như tại đường dây Mễ Cốc, thay vì có khoảng hơn 7.000 hộ của 3 đến 4 phường (quận 8) bị cắt điện trong năm giờ thì với thi công hotline, chỉ có khoảng gần 300 hộ bị cắt điện trong thời gian hai giờ.

Theo Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP Hồ Chí Minh - Bùi Hải Thành, để đào tạo một nhân viên sửa điện hotline phải dựa vào các tiêu chí về trình độ chuyên môn, sức khỏe, tâm lý… rất khắt khe. Sau gần 20 năm, đến nay, toàn thành phố cũng chỉ có một đội với 25 nhân viên thực hiện công việc này. Dự kiến, vào tháng 11 tới, công ty sẽ cho “ra lò” thêm 10 nhân viên nữa để đáp ứng nhu cầu công việc. Theo thống kê, số tiền làm lợi từ việc sửa điện nóng liên tục tăng theo từng năm. Nếu trong năm 2012, thi công hotline làm lợi hơn 1,2 tỷ đồng thì con số tương ứng của năm 2013 và năm 2014 lần lượt là hơn 10 tỷ đồng và hơn 12 tỷ đồng. Quan trọng hơn là mang lại chất lượng cung cấp điện cho khách hàng ngày càng ổn định, nhất là đối với những yêu cầu khắt khe của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Thời gian tới, phấn đấu mỗi công ty điện lực có một đội hotline riêng để xử lý nhanh nhất các sự cố về điện.
 

 
d


  • 12/11/2014 10:02
  • Nguồn bài và ảnh: nhandan.com.vn
  • 1608


Gửi nhận xét