Câu chuyện của nữ giao dịch viên Điện lực Mèo Vạc

Đã 18 năm gắn bó với ngành Điện, nhưng chị Khổng Thị Bắc – giao dịch viên Điện lực Mèo Vạc (Công ty Điện lực Hà Giang) vẫn luôn nhớ như in cảm giác chông chênh khi rời quê hương lên nhận công tác ở vùng cao Hà Giang, thân gái lặn lội đi xa hàng trăm cây số chưa biết khi nào mới được về thăm nhà...

Nỗi buồn xa nhà

Chị Bắc sinh năm 1971, quê ở xã An Tường, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với “đặc sản” là “chè Thái, gái Tuyên”, chị được thừa hưởng nét duyên ngầm của người con gái xứ Tuyên mặn mà duyên dáng.

Thế nào mà cái duyên đưa chị vào làm trong ngành Điện, tính đến nay đã 18 năm, nhưng chị còn nhớ mãi lần đầu rời quê lên nhận công tác ở Đồng Văn (Hà Giang). Đó là một ngày tháng 3 năm 1997. Cô gái Khổng Thị Bắc dậy từ 2h sáng để ra bến xe mua vé đi Hà Giang. Suốt dọc đường đi, chị đã rất lo lắng, không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước.

Nỗi nhớ nhà, cha mẹ và những người thân, ngổn ngang trong lòng. Thêm vào đó, đường sá, quang cảnh núi rừng hoang vu, quạnh quẽ càng khiến chị thêm rối bời. Đến bây giờ, nhớ lại kỷ niệm ngày đầu đi nhận công tác, chị Bắc bảo, vốn tính nhút nhát nên lúc đó chị chỉ có một cảm giác sợ và buồn. “Tưởng sẽ quay gót về quê luôn, thế mà ai ngờ, mình đã gắn bó với Điện lực Đồng Văn 4 năm, rồi lại tiếp tục lên tận Mèo Vạc thêm 14 năm nữa…”. Chia sẻ đến đây, nước mắt chị ngân ngấn.

Với một người sống nội tâm giàu tình cảm như chị, tôi phần nào hiểu được cái cảm giác buồn chông chênh của một người con gái thương cha mẹ già “như chuối chín cây”, còn mình thì lặn lội đi xa hàng trăm km chưa biết khi nào mới được về thăm nhà.

Chị Khổng Thị Bắc

Những ngày đầu nhận công tác buồn nhiều hơn vui cũng may mắn qua đi nhờ có sự giúp đỡ, động viên của anh chị em trong cơ quan. Và có thêm sự chia sẻ của người đồng nghiệp, sau này là người cùng chị nên duyên chồng vợ - anh Bùi Đức Thanh.

Chị kể, ngày ấy anh Thanh công tác ở điện lực thành phố, mỗi tuần anh bắt xe khách lên Đồng Văn thăm chị một lần, lo chị buồn nên anh thường xuyên điện thoại và viết thư. Tôi đùa, chuyện tình yêu của anh chị lãng mạn thế! Chị Bắc cười: “Thợ điện không lãng mạn đâu em, nhưng tình cảm thì rất thật, rất chân thành”.

Những cái Tết vắng chồng

Làm công tác giao dịch viên ở Điện lực Mèo Vạc 14 năm, chị đã tự học được một số từ thông dụng để giao tiếp với bà con dân tộc và biết cách giải thích để hai bên cùng hiểu nhau.

Hiện tại, chị và anh em trong tổ quản lý địa bàn 69 trạm bán lẻ, đường kính 100 km. Trừ 8 trạm trung tâm, còn lại 61 trạm, anh em trong tổ phải chia nhau đến với từng khách hàng. Mùa hè thì mưa lũ, mùa đông thì lạnh đóng băng. Ở trong xã, tầm chiều tối, nhiệt độ xuống còn -2, -3 độ C, nhà tranh vách lá thông thống. Chị Bắc bảo, bà con nghèo lắm, có những hộ chỉ bật một bóng điện thôi, cốt cho con có ánh sáng học bài. Cả tháng mới dùng hết 3 – 4000 đồng tiền điện. Thậm chí, hai hoặc ba tháng mới lên hóa đơn một lần, không đủ trả tiền nhân công đi thu. Thế nhưng đường xa, trời rét, bụng đói, lại không có ánh điện nữa thì trẻ con nghỉ học hết. Cho nên dù chỉ là một bóng điện thôi nhưng quý vô cùng, bởi đó là niềm tin, hy vọng của biết bao con người. Và không thể không duy trì. 

Nhớ lại những năm trước, chị Bắc bảo, khối lượng công việc của chị nhiều, chồng lại làm công tác kỹ thuật nên khá vất vả. Tết là dịp đoàn viên, sum họp nhưng không mấy khi anh về ăn Tết cùng gia đình.

Chị còn nhớ cái Tết năm 2008, chiều 27 Tết xảy ra sự cố đổ cột đường dây 35 kV ở xã Thượng Phùng, cách huyện Mèo Vạc 40 km. Anh lập tức lên đường đi xử lý sự cố để đóng điện cho bà con, đến tận mùng 5 Tết mới về. Lúc đi anh mang theo 2 chiếc bánh chưng. Khi về soạn hành lý, thấy hai chiếc bánh vẫn nằm còng queo trong đó. Chị mở ra xem, mới biết, một chiếc bánh đã cắt nhưng vì lại gạo, cứng ngắc không ăn nổi. Lúc ấy, thương chồng ứa nước mắt – chị nói.

Dù công việc bận rộn, nhưng chị Bắc vẫn cố gắng sắp xếp, quán xuyến việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái để chồng yên tâm công tác. 2 con của chị, cháu gái lớn học lớp 11, cháu trai học lớp 6 ngoan ngoãn học giỏi và luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời chị.


  • 17/09/2014 01:52
  • Hồng Anh
  • 1366


Gửi nhận xét