Những người thức "canh" điện

22 giờ đêm, tôi có mặt tại Trạm biến áp 110 kV Gia Lâm 2 (Hà Nội). Trạm nằm biệt lập giữa cánh đồng, lại đi ngang qua bãi tha ma. Đang “tháng cô hồn”, trời tối đen, tĩnh mịch, thi thoảng có tiếng gió trờn qua lá lúa nghe rào rạo. Tôi có cảm giác hơi rờn rợn...

Anh Nguyễn Đức Thắng trong ca trực của mình - Ảnh: Lê Tuấn

Trước khi tới đây, tôi đã được một đồng nghiệp gọi điện “bảo lãnh”, có kèm giấy giới thiệu, nhưng anh Nguyễn Đức Thắng - nhân viên vận hành Trạm vẫn nhìn tôi như “vật thể lạ”. Chắc tại anh quá ngạc nhiên vì sự xuất hiện của tôi ở đây, vào giờ này.

Trong Trạm, âm thanh đặc trưng ù ù của máy biến áp và các thiết bị khác đang vận hành đan vào nhau như một bản hợp âm. Vì tôi là người lạ, lần đầu tới đây nên “nhất cử nhất động” đều được anh Thắng giám sát và hướng dẫn cẩn thận. Trong một ca trực chỉ có hai người, một trưởng kíp và một nhân viên vận hành. Anh cho biết, đây là trạm mới, được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm thiểu thời gian và thao tác của con người.

Anh Nguyễn Văn Hướng, 33 tuổi, công nhân bậc 2/5, trưởng kíp trực chia sẻ: Nhìn bên ngoài thì thấy thợ vận hành có vẻ là “tỷ phú thời gian”. Chỉ có ai ở trong nghề mới hiểu nỗi lòng “dân đi ca”. Trạm chỉ có vỏn vẹn 9 người, nếu chẳng may có ai bị ốm đau hoặc bận việc riêng, anh em đều tạo điều kiện thay nhau trực, lúc đó tần suất trực dày hơn nên gần như không có ngày nghỉ.

Do đặc thù nghề nghiệp, trong khi người ta làm thì mình nghỉ, người ta nghỉ mình lại làm, nên những người mới vào nghề dễ bị "khớp" vì mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Trước đây, anh Hướng làm việc ở Trạm 110 kV Nội Bài, sau được phân công về đây. Hơn 8 năm trong nghề nhưng chưa năm nào đón Tết ở nhà trọn vẹn vì luôn phải trực tăng cường. Quê ở Bắc Ninh nên để tiện cho công việc và tiết kiệm chi phí, anh ở luôn tại Trạm. Anh bảo, từ lâu đã coi Trạm như ngôi nhà thứ hai của mình.

Trước khi đến đây, tôi tò mò rằng nghề vận hành, nếu không có sự cố thì sẽ làm gì? Và tối nay, chứng kiến công việc của các anh, tôi đã có câu trả lời. Ca đêm bắt đầu từ lúc 22 giờ, nhưng trước mỗi ca trực, nhân viên đều phải đến trước chừng 20 phút để kiểm tra toàn bộ Trạm, phương thức vận hành, tình trạng thiết bị xem có gì bất thường không rồi mới được nhận ca.

Vừa trò chuyện với tôi, mắt anh vẫn tập trung quan sát hệ thống màn hình hiển thị và các tủ rơ le trước mặt với rất nhiều sơ đồ, thông số mà tôi mới nhìn đã hoa cả mắt. Cách khoảng một giờ đồng hồ, tôi thấy các anh cẩn thận ghi lại từng thông số vào sổ vận hành để theo dõi, nắm bắt tình trạng hoạt động, để nếu cần thì có thể điều chỉnh.

Dù không phải chạy đi chạy lại nhiều, nhưng những công việc không tên để đảm bảo cho việc vận hành an toàn, ổn định không phải là ít. Nếu vào những hôm vệ sinh công nghiệp hay thí nghiệm định kỳ thì cứ gọi là “mệt bở hơi tai”. Anh Hướng chia sẻ, đặc thù công việc đòi hỏi người trực ca phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc, quy trình vận hành, nhất là về an toàn bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ nhất, một thao tác sai cũng có thể gây ra sự cố, mất an toàn cho người và thiết bị, thậm chí ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống điện.

Trong ca trực, quy định cấm nhân viên không được uống rượu bia nên từ khi vào ngành, tôi cũng tập cho mình thói quen không uống rượu cả trong lẫn ngoài giờ làm việc – anh Hướng cho biết.

2 giờ sáng, tôi cùng anh dạo một vòng quanh Trạm để kiểm tra các thiết bị, kiểm tra an ninh. Lúc này, tôi không còn cảm giác rờn rợn như khi mới đến. Không khí ngoài đồng về đêm thật trong lành, dễ chịu. Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận rõ sự thầm lặng trong công việc của người thợ trực vận hành trạm. Họ là những chú ong thợ cần mẫn, chuyên tâm với công việc của mình, dẫu rất lặng lẽ nhưng đóng vai trò là "mắt xích" không thể thiếu để dòng điện đến với người dân an toàn, ổn định.

Trạm biến áp 110 kV Gia Lâm 2 (E1.38)

- Do Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội (thuộc EVN HANOI) quản lý.

- Khởi công xây dựng ngày 24/12/2013.

- Đưa vào sử dụng từ ngày 27/5/2014.

- Là công trình được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư gần 99,9 tỷ đồng (tương đương 5,16 triệu USD) thuộc “Dự án phân phối hiệu quả - DEP”.

- Giảm tải cho các TBA E1.15 và E1.2 Long Biên, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện cho huyện Gia Lâm và các phụ tải lân cận.

 


  • 12/08/2014 10:59
  • Lê Tuấn
  • 1332


Gửi nhận xét