“Hổ phụ sinh hổ tử”
Anh Văn Viết Lộc sinh ra trong gia đình có nghề gia công cơ khí. Cha anh là thợ tiện, nguội, phay bào, có nghề tay trái là chạm trổ inox. Từ thuở nhỏ, mỗi lần thấy cha chạm trổ hình con rồng, con phụng trên các tấm inox với những đường nét tinh tế, sắc sảo, anh đã mê mẩn ngồi dõi theo từng nhịp búa nhẹ nhàng của cha. Từ sự thích thú với công việc của cha, anh đã "xung phong" làm phụ và được cha chỉ bảo cặn kẽ những bí quyết nhà nghề.
Sau ngày giải phóng, cha anh được nhận vào làm việc tại nhà máy phát điện Đà Nẵng. Thời ấy, vận hành máy điện diesel, ông cũng như những công nhân khác rất vất vả nhưng luôn say mê với công việc. Là một tổ trưởng sản xuất xưởng tiện nguội, ông đã có nhiều sáng kiến đóng góp để phục vụ ổn định nguồn điện.
Anh Lộc kể, có lần anh đọc báo và bất ngờ nhận ra bức hình cha mình trên trang báo, ông được tôn vinh trong một bài viết: “Sáng kiến đúc bạc Turbo GM2500 kW trên máy tiện”. Bất ngờ và vui sướng, anh mang tờ báo về tặng cha. Anh cảm thấy rất hãnh diện về cha và tự nhắc nhở mình cũng phải cố gắng phấn đấu theo tấm gương của ông.
Nối nghiệp người cha tài hoa, anh Lộc và em trai là Văn Viết Phúc đều là những người thợ có tay nghề giỏi của Tổ Gia công cơ khí, Xí nghiệp Điện cơ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Kinh nghiệm và tâm huyết nghề nghiệp được truyền lại từ người cha, chính là hành trang để Văn Viết Lộc vững bước vào nghề.
Anh Văn Viết Lộc - Tổ trưởng sản xuất Tổ Gia công cơ khí - Xí nghiệp Điện cơ - Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng.
|
Người thợ đam mê sáng tạo
Được giao nhiệm vụ Tổ trưởng sản xuất Tổ Gia công cơ khí, trong công việc, anh Lộc luôn phối hợp chặt chẽ cùng anh em trong tổ bàn bạc, lên kế hoạch làm việc sao cho hiệu quả nhất. Số lượng công nhân trong tổ còn hạn chế, trong khi đó công việc thì rất đa dạng: Gia công cơ khí lắp ghép; gia công các loại xà biến áp, cột sắt; sửa chữa máy phát điện lưu động, khắc phục sự cố thiết bị điện, máy cắt, dao cách ly, cải tạo nắp máy biến áp,... Trước “núi công việc” ngổn ngang, anh Lộc xác định, phải tăng năng suất làm việc, tăng hiệu quả lao động bằng cách áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Sáng tạo với anh trở thành một niềm đam mê. Trước bất cứ vấn đề gì, anh đều động viên anh em suy nghĩ tìm giải pháp và bản thân anh luôn gương mẫu, chủ động tìm kiếm giải pháp mới. Với việc tự ra đề và tự giải những "bài toán" trong thực tiễn công tác, anh đã tích lũy được một danh sách sáng kiến đáng nể. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, anh đã có 7 sáng kiến được công nhận, mang lại giá trị làm lợi không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.
Trò chuyện với anh Lộc, có thể nhận thấy ở anh những nét tính cách đậm chất Trung bộ - giản dị, chân chất nhưng thông minh, tinh tế. Khi nói về mình, anh hơi ngần ngại, nhưng khi nhắc đến các sáng kiến, anh lại hào hứng và say sưa, bao nhiêu ngại ngùng dường như tan biến.
Mặc dù hoàn cảnh riêng gặp nhiều khó khăn với cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng với ý chí vượt khó vươn lên, anh luôn nỗ lực để cân bằng cuộc sống và chu toàn công việc. Trong quá trình công tác của mình, anh luôn được cấp trên và đồng nghiệp ghi nhận về tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm và khả năng sáng tạo trong công việc.
50 năm tuổi đời, 33 năm tuổi nghề, anh đã nỗ lực vượt qua rất nhiều thử thách trong cuộc sống và công việc. Mới đây, anh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Công đoàn Điện lực Việt Nam tặng danh hiệu Công nhân Lao động giỏi tiêu biểu giai đoạn 2011 – 2013.
Một số sáng kiến của anh Văn Viết Lộc:
Năm 2009: Sáng kiến Bộ giá uốn sắt tròn dây néo và hộp xoay xoắn.
Năm 2010: Sáng kiến Gia công vòng treo cáp viễn thông qua dây truyền 3 công đoạn.
Năm 2011: Sáng kiến Đặt mặt bích két giải nhiệt lệch nghiêng 30 độ.
Năm 2012: Sáng kiến Giá đỡ định tâm chuyển động trên bộ ray trượt.
Năm 2013: Sáng kiến Chế tạo máy uốn sắt đa năng UC12.
Năm 2014: Sáng kiến Cải tiến, phục hồi máy cắt đột IC13.
|