Thợ điện thời dịch vụ

Ngành Điện đang có những bước thay đổi rất mạnh mẽ trong công tác dịch vụ khách hàng. Anh Phạm Ngọc Hiệp (Đội trưởng đội Quản lý điện 3, Công ty Điện lực Cầu Giấy, thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) chia sẻ về sự đổi mới ấy từ chính công việc của anh.

Anh Phạm Ngọc Hiệp

- Thâm niên công tác: 30 năm

- Công nhân kỹ thuật điện bậc 7/7

- Là 1 trong 117 công nhân lao động giỏi giai đoạn 2011-2013 của EVN

Số điện thoại phổ biến như… tiếp thị gas

Đội quản lý mà anh Hiệp phụ trách chưa đến 20 người nhưng quản lý toàn bộ phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) với trên 13 nghìn khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và hơn 1 nghìn đối tượng khách hàng khác.

Tôi hỏi về tình hình cấp điện mùa hè năm nay, anh Hiệp cho biết mọi công tác cải tạo, nâng cấp lưới điện, cân đo san tải,… trên địa bàn quản lý đã được thực hiện chu đáo từ trước nên điện cấp ổn định. Ngoài ra, những hôm nhiệt độ từ 36 độ trở lên, luôn có thợ điện trực từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm để sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.

Anh Hiệp chia sẻ, mỗi đội trưởng như anh được Công ty cấp cho 1 số điện thoại di động. Anh nói vui: “Số điện thoại của tôi được in đề can, phát cho từng nhà, người ta dán mọi nơi y như… tiếp thị gas”. Hễ khách hàng có vấn đề “lăn tăn” về điện đều gọi thẳng trực tiếp cho anh. Điện thoại mở thông 24/24h mỗi ngày, không khác gì một  “tổng đài thu nhỏ”.

Chẳng nói đâu xa, đầu hè năm nay, Hà Nội bị giông lớn gây sự cố lưới điện cao thế 110 kV. Hôm đó, khoảng 2/3 quận Cầu Giấy bị mất điện. Anh bảo: "Điện thoại cứ gọi là nóng bỏng tay”. Thậm chí, có đêm bị mất ngủ vì khách hàng “réo” bất kể giờ giấc.

Trước đây, mỗi trạm điện phân phối cũng đều có dán số điện thoại trực nhưng dù sao trạm cũng… ở ngoài đường, vẫn chưa phải là tiện lắm khi người dân cần sự hỗ trợ -  anh chia sẻ.

Theo anh Hiệp, chỉ riêng việc “phổ cập” số điện thoại của người phụ trách địa bàn đến từng nhà dân như vậy cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong dịch vụ ngành Điện, thể hiện tinh thần sẵn sàng “vì dân phục vụ” và cái gì tiện lợi nhất cho dân thì làm.

Thợ điện thời công nghệ

Công ty Điện lực Cầu Giấy là một trong hai đơn vị đầu tiên của EVN HANOI ứng dụng hóa đơn điện tử từ năm 2013. Tại phường Trung Hòa, anh Hiệp cho hay, Đội quản lý điện 3 đã phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, thông báo rộng rãi trong các cuộc họp tổ dân phố. Do đó, ngay khi áp dụng hóa đơn điện tử, đơn vị luôn luôn thu nộp đạt 100%, không có dư nợ sang tháng sau.

Thời gian đầu mới triển khai, các thu ngân viên mất khá nhiều thời gian để thao tác trên máy POS, bao gồm cả việc ghi nhớ mã khách hàng. Trước thực tế đó, anh Hiệp nảy ra sáng kiến ghi mã khách hàng lên biển số địa chỉ nhà của họ để giúp thu ngân viên đỡ mất thời gian tra cứu mã hoặc làm phiền đến khách hàng. 

Việc thanh toán tiền điện cũng được đa dạng hóa qua hệ thống các ngân hàng với nhiều hình thức như: Chuyển khoản, ATM,… nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng khách hàng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau. 

Hiện, Đội quản lý điện 3 của anh cũng đã áp dụng ghi chỉ số công tơ trên máy tính bảng. Theo anh, cách làm này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống là sẽ bỏ được việc nhập chỉ số công tơ bằng tay, đồng thời kiểm soát được những trường hợp sản lượng bất thường trong tháng, giảm nhân công phúc tra, đặc biệt tiết kiệm thời gian nhập chỉ số vào hệ thống CMIS bởi sau khi ghi chỉ số chỉ cần nhập file dữ liệu từ phần mềm máy tính bảng trực tiếp vào chương trình CMIS, không phải nhập số liệu thủ công như trước. Từ đó rút ngắn thời gian phát hành hóa đơn và thu tiền điện của khách hàng.

Tôi hỏi vui rằng, những thợ trẻ có thể thích ứng nhanh với các thiết bị công nghệ, vậy còn các bác thợ điện lớn tuổi thì sao? Anh Hiệp cười, chính anh cũng đã gần 50 tuổi, nhưng vẫn “update” được. Anh chia sẻ thêm, những thợ điện nhiều tuổi sẽ được bố trí vào cặp cùng 1 đồng nghiệp trẻ để họ bổ trợ cho nhau. Rồi anh kết luận, thợ điện thì có bao giờ ngại khó, ngại khổ đâu!


  • 28/06/2014 12:11
  • Hoàng Tuyết
  • 1420


Gửi nhận xét