20 năm đường dây 500 kV mạch 1: Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 8)

Trường mầm non Thạnh Mỹ nằm bên trái đường Hồ Chí Minh, đoạn băng qua thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), râm ran tiếng trẻ học đánh vần, múa hát.

Chị Bùi Thị Hà - vợ anh Sáu (bên trái) hiện vẫn theo nghề dạy trẻ trên cung đường Hồ Chí Minh. Đồng nghiệp của chị - cô Thanh - cũng lấy chồng làm nghề truyền tải điện - Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Kỳ 8: Những người ở lại Trường Sơn

“Tìm bạn bốn phương”... ra vợ!

Cô giáo Bùi Thị Hải, giọng Thanh Hóa pha lẫn giọng Quảng Nam, cứ ấp úng khi chúng tôi hỏi chuyện gia đình và mối tình đặc biệt của cô 20 năm trước.

Đành rằng chồng vợ là nợ duyên, nhưng với riêng vợ chồng cô Hải, không có đường dây 500 kV băng rừng qua đoạn này thì duyên phận đã khác. Cô Hải nói nếu không có cô bạn thân làm bên bưu điện và buổi trưa đọc tờ báo cũ thì cô không thành vợ chồng. “Đó là tờ báo cũ nát, mấy dòng trên mục “Tìm bạn bốn phương” ghi tên anh Nguyễn Quang Sáu, người Nghệ An, là công nhân đường dây 500 kV, muốn tìm bạn chia sẻ buồn vui giữa rừng già hoang vắng” - cô Hải nhớ lại.

Cô Hải kể trong thẹn thùng: “Cô bạn tôi tên Ngân làm ở Bưu điện Nam Giang, cũng là đồng hương, bảo tôi viết thư cho anh ấy. Buổi trưa ngồi viết, khúc khích cười. Tôi đọc, Ngân chấp bút. Những lá thư tay viết trao nhau thời đó với tất cả tâm tình. Rồi anh ấy gửi thư lại. Hằng tuần chúng tôi đều viết cho nhau, nhưng thư thì cả tháng mới đến vì giao thông cách trở. Cảm giác chờ thư rất nôn nao. Nhận thư mừng lắm, đọc đến khi giấy nhàu ra”. Bây giờ cô Hải đã là mẹ của hai cô cậu sinh viên, nhưng nhắc chuyện cũ ánh mắt cô vẫn long lanh như ngày hôm qua chợt hiện diện.

Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Quang Sáu, đang làm công nhân ở trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ. Đứng trưa, mồ hôi ướt đầm vai áo, khuôn mặt đen trũi vì mưa nắng dãi dầu, nhưng nụ cười vẫn hiện diện trên khuôn mặt người đàn ông trung niên này. Nhắc chuyện cũ, anh Sáu kể rằng những ngày băng rừng vượt suối kéo dây, mang gùi, vác đá, cõng xi măng rồi đào hố móng trụ, có những tối lả người vì mệt nhưng vẫn chong đèn tìm đọc thư người yêu trước khi chìm vào giấc ngủ. Nhớ những đêm mưa rừng, anh chong đèn viết thư cho cô giáo. Công việc nặng nhọc, hành trình những ngày mưa nắng, vắt cắn, những phút đối diện với hiểm nguy anh đều chia sẻ trong thư, chính vì vậy mà hơn ai hết cô giáo luôn thấu hiểu chân tình của anh. Những lá thư qua lại trong nhiều năm, một hôm anh quyết định tìm đến ngôi trường cô Hải đang dạy. Chọn bộ áo quần công nhân lành lặn nhất, xin phép thủ trưởng, anh cầm chiếc đèn pin băng rừng già tìm đến trường trong lúc mọi người sắp đi ngủ.

Hơn một năm sau lần gặp đầu tiên, cô giáo và anh thợ đường dây đã chính thức thành vợ chồng. Một đám cưới toàn công nhân đường dây 500 kV tổ chức ngay tại trường học nơi cô Hải đang công tác. Bây giờ, căn nhà xinh xắn trước cổng đội quản lý vận hành đường dây 500 kV Thạnh Mỹ là cơ ngơi của cô giáo và anh thợ đường dây. Anh Sáu tâm tình: “Nếu không làm đường dây 500 kV và không có câu chuyện “Tìm bạn bốn phương” ngày đó, chắc tôi không lấy vợ và sinh sống nơi này. Cũng nhờ làm điện mà mình được vợ, thôi thì chọn vùng đất này để lập nghiệp như một món nợ ân tình. Tôi cũng hay kể cho con cái nghe về chuyện tình của bố mẹ”.

Chứng tích yêu thương

Chuyện tình cô giáo Hải và anh Sáu không là ngoại lệ trong những tháng ngày xây dựng đường dây 500 kV vượt dãy Trường Sơn. Anh Nguyễn Huy Toàn, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Nam Giang, cho biết có tổng cộng 11 trong số 23 công nhân trong đội lấy vợ và lập nghiệp tại địa phương này. Đa số vợ của các công nhân, kỹ sư ở đây đều là cô giáo cắm bản. Anh Toàn cũng nằm trong số những cặp vợ chồng quen nhau rồi cưới và ở lại với đường dây.

Những năm đường dây nhộn nhịp xây cất, bên dòng sông Bung, gần ngôi làng Rô thơ mộng của Nam Giang nhộn nhịp hẳn lên. Trên đỉnh dốc Xá Tỵ, ranh giới của hai huyện Đại Lộc và Nam Giang, có một ngôi làng nhỏ khá xinh xắn được các công nhân đặt tên là làng Hoa. Làng Hoa chẳng có gì đặc trưng bởi hoa dại quanh năm lặng lẽ nở. Nhưng sâu xa của nó, theo những công nhân đường dây, làng Hoa đẹp bởi đây chính là nơi hò hẹn của những lứa đôi ngày đó. “Vì cách trở về giao thông nên những thầy cô từ Đại Lộc lên đến làng Hoa thì trời đã chiều. Ngược lại các công nhân đường dây thi công công trình từ núi xuống đến làng Hoa thì trời sắp tối. Làng Hoa trở thành điểm hẹn hò của rất nhiều đôi trai gái thời đó. Sáng hôm sau mỗi người một nơi, người con gái về xuôi, người công nhân lên núi” - anh Toàn giải thích đầy thú vị. Bây giờ đường về làng Hoa thông suốt, ngôi làng nhỏ xinh này không còn là chốn hẹn hò nhưng là chứng tích của một thời yêu thương trong gian khó của những người vùng xa.

Vượt đèo Lò Xo, cách Nam Giang gần 100 km, chúng tôi tìm đến Đội Truyền tải điện Đắk Glei (huyện Đắk Glei, Kon Tum) nằm sát chân đèo này. Là đội truyền tải điện quản lý cung đường gian khó nhất của đường dây 500 kV qua đoạn miền Trung, nhiều công nhân còn nhắc nhau sự khắc nghiệt ở đây bằng câu nói “Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei”.

Anh Phạm Văn Tuyên, Đội trưởng Đội truyền tải điện Đắk Glei, kể rằng những ngày đầu đến nơi này để kéo dây đào móng trụ, công nhân đường dây “đỏ mắt” tìm người Kinh không thấy. Gần như 100% người dân nơi đây là đồng bào Giẻ Triêng nên mọi thứ đều xa lạ. Những con ruồi vàng bu bám cắn đỏ người. “Những vết cắn để lại khoảng một tuần sau y rằng mảng thịt đó bị thối, có người phát sốt. Bọ chắt chui vào tận lai quần để cắn. Và những trận gió ràn rạt tê buốt cả ngày đêm trong sương mù đầu núi khiến cảnh sống ở đây vô cùng cực nhọc” - anh Tuyên nhớ lại.

Đội anh Tuyên có tổng cộng 17 người đa số đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum và Gia Lai. “Khi làm xong đường dây có đến 13 người có vợ, sinh con, rồi lập gia đình dưới chân đèo này. Bây giờ chúng tôi có hẳn một xóm đường dây bên dưới đỉnh Ngọc Linh” - anh Tuyên hồ hởi nói.

Trong tất cả các anh công nhân ở lại với đường dây bên dưới chân đèo Lò Xo này, chuyện có vợ của công nhân Đặng Hùng Dũng (người Quảng Nam) được nhiều người nhắc đến nhất. “Để phóng tuyến đường dây qua các bản làng khi đó cực kỳ khó. Anh Dũng được phân công về cắm bản, vừa làm tuyên truyền vừa vận động quần chúng. Kết quả sau chuyến vận động, không những trụ điện đường dây được kéo hanh thông mà anh ấy còn kéo luôn cô vợ xinh xắn người Giẻ Triêng về nhà mình” - anh Tuyên nhớ lại.

Bây giờ bên đường dây vòng vèo qua con đèo là căn nhà nhỏ của anh Dũng và những đứa con xinh xắn ngày ngày đến lớp bi bô học bài. Cũng từ ngày anh Dũng về làm con rể của buôn làng Đắk Glei, người Giẻ Triêng trong vùng cùng nhau canh giữ, chăm lo, phát tuyến và bảo vệ dòng năng lượng quốc gia lưu thông qua vùng gian khó nhất này được an toàn. Chị Y Nâng, vợ anh Dũng, hiện là cán bộ Chi cục Thuế huyện Đắk Glei, tâm sự: “Người vùng cao đã không thương yêu thì thôi, yêu ai thì yêu cả con đường ra suối, lên nương. Thương chồng quý cả công việc anh ấy làm và xem như việc nhà mình vậy”.

Dùng trực thăng vá cáp

Anh Huỳnh Phan Kim Nga (hiện là chánh văn phòng Công ty Truyền tải điện 2) kể: “Sau hai năm đưa vào vận hành khai thác, đơn vị quản lý đường dây là Công ty Truyền tải điện 2 phát hiện một đoạn cáp quang trên cung đường 500 kV từ Đà Nẵng đi KonTum bị rách (tưa ra). Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam quyết định vá lại bằng cách thuê một máy bay trực thăng “treo” lơ lửng giữa không trung”.

Anh Huỳnh Sỹ Bình (lúc đó là Đội phó Đội Truyền tải điện Kon Tum, nay là Phó giám đốc Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai) - một trong hai thành viên tham gia sự kiện vá cáp ngày ấy nhớ lại: Không thể ngồi trong trực thăng thò tay ra vá cáp được bởi rất xa. Còn nếu “treo” trực thăng sát với đường dây thì vô cùng nguy hiểm vì khi ấy đường dây đang mang điện, chỉ cần một sơ suất nhỏ là chiếc máy bay lập tức bị điện 500 kV phóng thiêu rụi hoàn toàn. Cuối cùng tổ xử lý sự cố đã nghĩ ra cách chế một chiếc ghế rồi treo bên dưới càng trực thăng. Từ vị trí ghế này, người xử lý sẽ thò tay ra vá cáp.

 

(Còn tiếp)


  • 28/05/2014 05:58
  • Theo Tuổi Trẻ
  • 1767


Gửi nhận xét