Đúng ở vị trí này 20 năm về trước, kỹ sư Trần Anh Thái (Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 2) đã bấm nút chính thức nối thông dòng điện Bắc - Nam. Trong ảnh: Công nhân Trần Văn Nam vận hành trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng - Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
|
Kỳ 5: Thời khắc hồi hộp ở Đà Nẵng
Điện từ Hòa Bình chạy ào vào tận Phú Lâm (TP HCM) đã chính thức chấm dứt tình cảnh thiếu điện của nhiều đô thị lớn ở miền Trung và miền Nam. Nhưng để có được niềm vui ấy, mấy ai biết rằng những người làm điện đã phải trải qua một thời khắc vô cùng hồi hộp, nghẹt thở... đến mức không một nhà báo nào vinh dự được mời chứng kiến cho dù đó là một sự kiện vô cùng lớn của đất nước lúc bấy giờ. Đó là sự kiện hòa lưới điện tại trạm 500 kV Đà Nẵng.
Đưa điện 15 kV lên lưới 500 kV
Dẫu đã ở tuổi thất thập, bản thân lại không mấy khỏe vì thường xuyên bệnh tật, nhưng khi nhắc đến công trình 500 kV thì ông Tạ Cảnh (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 3, nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) lại trở nên hoạt bát hẳn. Ông Cảnh nói rằng không thể làm được đường dây 500 kV nếu không có ý chí, quyết tâm của cả hàng mấy vạn con người từ Bắc chí Nam. Nhưng khi làm xong rồi, đến lúc hòa lưới điện mới thấy hồi hộp đến nghẹt thở như thế nào.
Ông Cảnh bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, sau khi xây dựng xong, Tổng công ty Điện lực Việt Nam quyết định giao cho Công ty Điện lực 3 chủ trì việc hòa lưới điện trạm 500 kV Đà Nẵng trước khi vào quản lý, vận hành.
Đây là một “giao lộ” vô cùng quan trọng trong toàn bộ hệ “xương sống” lưới điện 500 kV quốc gia. Vậy nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn trạm 500 kV Đà Nẵng làm điểm hòa lưới điện cho toàn tuyến.
“Trước khi thực hiện việc hòa lưới điện, chúng tôi buộc phải làm tất cả thao tác nhằm kiểm tra các thông số kỹ thuật. Và một trong số thao tác đó là “phóng” một dòng điện cấp 15 kV lên lưới 500 kV để chuyên gia đo các thông số điện áp trên đường dây xem có dao động điện áp hay không.
Nếu có sự dao động thì điều đó cực kỳ nguy hiểm cho toàn hệ thống lưới điện khi tiến hành mang tải ở cấp điện siêu cao áp như 500 kV. Bởi khi ấy điện áp trên lưới điện không phải 500 kV nữa mà có khi là 800, thậm chí tăng vọt lên 1.000 kV. Nếu điều đó xảy ra thì thật tồi tệ, coi như hệ thống lưới điện 500 kV bị phá sản. Rất may điều đó không xảy ra”, ông Cảnh nhớ lại.
Còn ông Nguyễn Hà Đông - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành trạm 500 kV Đà Nẵng sau khi đưa vào sử dụng - cho rằng: “Nếu khi ấy đóng điện vào nhưng lưới điện nhảy ra không chịu nhận thì sự nghiệp 500 kV của chúng tôi coi như bỏ biển, vứt đi vì không thể thay thế thiết bị được nữa”.
Sự kiện hòa điện trạm 500 kV Đà Nẵng trở nên nghẹt thở hơn bao giờ hết, trong khi thời khắc ấy đã đến rất gần.
Lần bấm thứ ba
Ngày 27/5/1994 là một ngày không thể nào quên với những người làm điện. Hôm đó trên toàn tuyến đường dây 500 kV dài hơn 1.500 km, các đơn vị từ xây lắp, tư vấn - giám sát, đến truyền tải, điều độ lưới điện... đều đổ dồn sự quan tâm về Đà Nẵng, nơi có trạm 500 kV.
“Chiều hôm đó ở Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia rất sớm, sớm hơn dự kiến 2 giờ để theo dõi việc hòa điện ở trạm 500 kV Đà Nẵng. Còn ở Đà Nẵng thì chúng tôi hồi hộp đến mức mọi người cứ nhìn nhau mà không ai nói với ai một điều gì. Tất cả chăm chú nhìn vào màn hình chờ lệnh Hà Nội. Thậm chí không một nhà báo nào được chúng tôi mời đến để chứng kiến giờ phút lịch sử ấy bởi nếu lỡ sự cố xảy ra thì thành quả hai năm xây dựng coi như chấm hết. Và khi ấy trách nhiệm chính thuộc về chúng tôi” - ông Đông nhớ lại.
Còn ông Cảnh kể: “Suốt cả ngày hôm đó chúng tôi cùng mấy chục chuyên gia nước ngoài cứ đi lui đi tới trong nhà điều hành trạm 500 kV Đà Nẵng, xung quanh vô số máy đo tần số, đo điện áp đủ loại chất cao quá đầu người. Trước khi đóng điện thì toàn hệ thống phải hội đủ “3 đồng” - đồng tần (số), đồng áp và đồng pha, còn nếu không thì không thể nào hòa lưới điện được”.
Ròng rã một ngày rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng, mọi thông số kỹ thuật trên toàn tuyến báo về cho biết tất cả đã sẵn sàng. Ngay lập tức, phía Hà Nội truyền lệnh vào cho phép Đà Nẵng đóng điện.
Người bấm nút hòa lưới điện lịch sử hôm đó là kỹ sư Trần Anh Thái (Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 2). Bấm lần một lưới điện nhảy ra, cả nhóm từ chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam lặng người toát mồ hôi. Tiếp tục bấm lần thứ hai, lưới điện vẫn nhảy ra chưa chịu “ăn”.
Bấm đến lần thứ ba thì hệ thống màn hình gắn ở trạm điều hành bật sáng báo hiệu việc đóng điện đã thành công. Tất cả mọi người đều ồ lên sung sướng, ôm chầm lấy nhau.
Anh Trần Văn Nam, một trong ba công nhân vận hành trạm có mặt vào thời khắc lịch sử ấy, bồi hồi kể một chuyện vui: “Hôm đó đúng vào ca trực của tôi. Để đảm bảo an ninh, chúng tôi mỗi người được cấp một chiếc thẻ đeo vào ngực và chỉ những người có thẻ mới được phép tiếp cận trạm. Khi điện đóng thành công, vui quá đến mức tôi làm rơi thẻ khi nào không hay, vậy mà vẫn chạy vào chạy ra mãi cho đến khi an ninh đến hỏi “Anh là ai?” mới lật đật đi tìm thẻ. May mà tìm lại được”.
Sâm banh được mang ra đúng lúc trạm 500 kV Đà Nẵng nhận được điện đàm từ Hà Nội. Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi điện chúc mừng các cán bộ, kỹ sư, chuyên gia có mặt tại trạm. “Sự kiện đó đã chứng minh rằng dự án đưa điện vào miền Nam bằng hệ thống siêu cao áp 500 kV đã thành công. Và trên nữa là phá tan sự hoài nghi trước đó của rất nhiều người rằng Việt Nam không thể nào xây dựng thành công hệ thống điện này”, ông Đông nhớ lại.
Điện từ Thủy điện Hòa Bình đã chạy ào vào tận Phú Lâm, chấm dứt tình cảnh thiếu điện trầm trọng lúc bấy giờ của cả miền Nam.
Tuy nhiên, với miền Trung phải ba tháng sau đó, các địa phương mới chính thức “ăn” điện từ miền Bắc chuyển vào, khi trạm 500 kV Đà Nẵng đưa máy biến áp đầu tiên vào vận hành.
“Việc đưa máy biến áp của trạm 500 kV Đà Nẵng vào vận hành sớm hơn dự kiến mấy tháng đã làm lợi cho nền kinh tế đất nước nhiều tỉ đồng. Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý cho Công ty Điện lực 3 được phép trích 500 triệu đồng từ lợi nhuận mang lại để làm quà cho các em thiếu nhi miền Trung nhân dịp Tết Trung thu năm ấy” - ông Đông kể.
|