Thợ điện trẻ và những kỷ niệm cười ra nước mắt

Tôi vào Ngành mới được 3 năm. Dù quãng thời gian chưa dài, nhưng công việc quản lý điện khu vực cũng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Đáng nhớ nhất là những tình huống dở khóc dở cười với muôn kiểu “thượng đế”…

Công việc của thợ điện được so sánh giống như "nàng dâu trăm họ" - Ảnh: Ngọc Tuấn

Toàn ngành Điện đang nỗ lực đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Chúng tôi cũng tự ý thức được trách nhiệm của mình để làm tốt công việc, làm khách hàng hài lòng. Nhưng khách hàng mỗi người mỗi tính, để làm vừa lòng tất cả thực không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vì thế, chúng tôi cũng tự gọi mình là những “nàng dâu trăm họ”.

Trong công tác quản lý, truy thu tiền điện là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Mặc dù mọi căn cứ và phương pháp tính toán truy thu đều áp dụng theo quy định của nhà nước, nhưng khi bị đụng chạm đến lợi ích kinh tế thì khách hàng thường có phản ứng chung là không muốn bỏ tiền ra hoặc chỉ muốn đóng ít hơn mức tính của ngành Điện.

Một lần, tôi đến làm việc với một trưởng thôn về việc truy thu tiền điện của gia đình ông. Ngày thường, khi chúng tôi xuống địa bàn phối hợp công tác, ông vẫn rất vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ. Tuy nhiên lần này, với trường hợp của chính mình thì ông rất gay gắt và kiên quyết không đồng ý dù tôi đã “rát cổ bỏng họng” giải thích tới 3 lần. Sau cùng, trước những lý lẽ thuyết phục mà tôi đưa ra, ông mới “xuống giọng” nhỏ nhẹ: “Thôi, cháu xem tính cho bác một nửa tiền thôi?!”…

Còn những tình huống bị khách hàng mắng mỏ, xua đuổi, thậm chí vác dao đòi “xử” thợ điện cũng không phải là chuyện hiếm, nhất là khi bị phát hiện có hành vi trộm cắp, vi phạm sử dụng điện. Có người còn khoe “quan hệ rộng” hoặc “người nhà quan chức” để mong được bỏ qua. Những trường hợp như thế, dù không tránh được sự ức chế thì chúng tôi vẫn phải mềm mỏng, giữ bình tĩnh và phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ.

Đôi khi, người dân cũng lầm tưởng những phần việc mà thợ điện tuân thủ theo quy trình, quy định là ngành Điện cố tình “làm khó” khách hàng. Có lần, chúng tôi tiến hành thay công tơ định kỳ. Theo quy trình, phải mời khách hàng có mặt tại thời điểm treo - tháo công tơ để chứng kiến và xác nhận. Gia chủ đã khá lớn tuổi, khi được yêu cầu ra làm việc thì nhất định không đồng ý vì: “Tao có nhà cửa đàng hoàng, sao bắt tao ra cột điện? Muốn ký tá gì thì vào nhà tao ký”. Thuyết phục không được, tôi phải nhờ đến chính quyền thôn vận động thì ông mới hợp tác.

Lần khác, có vị khách hàng đã hơn 60 tuổi đến xin làm thủ tục cấp mới công tơ. Mọi việc đều diễn ra bình thường cho đến khi có lệnh thi công công tơ thì ông lại chủ động hoãn với lý do “tôi đi vắng”. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi vẫn bắt gặp ông thư thái ngồi đánh cờ với hàng xóm, chẳng có vẻ gì bận rộn. Hỏi ra mới hay, vì ông khá mê tín nên đã cẩn thận đi “xem” và thầy phán phải chờ đến ngày lành tháng tốt mới được cho thợ điện đến lắp công tơ!

Bên cạnh những vị khách hàng khó tính, chúng tôi cũng nhận được nhiều tình cảm và sự trân trọng của người dùng điện. Đó là những người dân hiền lành, chất phác, họ quý trọng những người ngày đêm phục vụ, đem lại ánh sáng cho mình. Sự quan tâm đơn giản chỉ là một cốc nước mát mà họ mang ra tận chân cột điện cho chúng tôi giữa trưa nắng, sẵn sàng cho chúng tôi mượn đồ đạc, vật dụng phục vụ cho công việc, hoặc trông coi tài sản cho chúng tôi,... Tình cảm ấy chính là nguồn động viên tinh thần, là niềm hạnh phúc của những người thợ điện. Và chúng tôi lại tự hứa với mình phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn…


  • 25/06/2014 05:55
  • Phan Em
  • 1395


Gửi nhận xét