Trần Đông Phương: Càng làm việc tôi càng thấy yêu nghề

Đó là chia sẻ của anh Trần Đông Phương, công nhân kỹ thuật thuộc Đội quản lý lưới điện, Điện lực TP Cao Lãnh, Công ty Điện lực Đồng Tháp. Tháng 5/2014, anh Phương được trao tặng giải thưởng: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tỉnh Đồng Tháp. Với 3 sáng kiến trong 3 năm liên tục, anh Phương khiến nhiều người nể phục vì sức sáng tạo của mình. Nhưng những thành tích được biểu dương ấy, có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có trò chuyện cùng anh mới hiểu được hết những say mê và cống hiến của anh trong công việc.

“Tôi mê đường dây”

Anh Phương đã nói vui như vậy khi được hỏi về lý do trở thành một công nhân ngành Điện. Anh chia sẻ: “Từ ngày còn nhỏ, hình ảnh những người kỹ sư, công nhân điện đu mình làm việc trên những cây cột cao, màu áo người thợ nổi bật trên nền trời xanh đã gây ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi. Rồi cũng không biết từ lúc nào, tôi nung nấu mong ước được làm việc trong ngành Điện. Cho tới khi đến lượt tôi leo cột, kéo dây mới thấy việc ấy không đơn giản như lúc nhỏ mình từng hình dung, nhưng càng làm việc tôi lại càng thấy gắn bó với ngành, với nghề”.

Công việc của một công nhân sửa chữa, bảo trì lưới điện trung, hạ thế với những ca trực 24 giờ liên tục có nhiều căng thẳng và vất vả. Thế nhưng, đối với anh Phương thì đây là công việc “có nhiều niềm vui, càng làm càng ham thích”. Sự “say nghề” là động lực để người công nhân kỹ thuật điện cần mẫn vừa làm vừa học. Các đồng nghiệp ở Điện lực TP Cao Lãnh cho biết, anh Phương thích tìm tòi, nghiên cứu và không ngại học hỏi thêm từ các đồng nghiệp. Công việc càng khó khăn, càng nhiều thử thách dường như lại càng “hấp dẫn” đối với anh. Anh chia sẻ: “Guồng quay công việc khiến tôi thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa”.

Anh Trần Đông Phương bên sáng kiến Giá xếp nâng, hạ MBA 1 pha để vận chuyển bằng xe tải nhẹ.

Những sáng kiến hiệu quả

Với tâm niệm “Hoàn thành công việc thôi chưa đủ, mà phải hoàn thành tốt”, anh không ngừng mày mò nghiên cứu, thử nghiệm để tìm cách nâng cao hiệu quả công việc.

Năm 2011, anh ghi dấu ấn với sáng kiến Giá xếp nâng, hạ MBA 1 pha để vận chuyển bằng xe tải nhẹ, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất làm việc, tiết kiệm nhiên liệu đối với các trường hợp phải dùng xe cẩu để nâng, không ảnh hưởng đến môi trường. Hai năm sau đó, anh là đồng tác giả của sáng kiến Dụng cụ tách cáp ABC để lắp kẹp IPC đấu nối dây Branchement nhánh rẽ vào nhà khách hàngGiải pháp giảm sự cố lưới điện do động vật gây ra tại DS liên động 3 pha các lộ ra trạm biến áp 110 kV. Theo đánh giá của Công ty Điện lực Đồng Tháp, tổng số tiền làm lợi từ các sáng kiến này khoảng 55 triệu đồng mỗi năm.

Anh bảo, thấy anh em làm việc nặng nhọc nên trong khả năng của mình, tôi luôn muốn tìm cách cải tiến nâng hiệu quả công việc, giảm bớt vất vả cho anh em. Ngoài ra, sự khuyến khích, động viên của lãnh đạo Công ty cũng khiến anh thấy cần phải nỗ lực hơn nữa trong công việc.

Đằng sau những thành công của anh Phương không thể thiếu bóng dáng người vợ luôn thấu hiểu, chia sẻ với công việc của chồng, dù "anh đi miết cả ngày rồi lúc về lại ngồi cặm cụi đọc đọc chép chép thông tin, hoặc mày mò chế tạo ngổn ngang khắp nhà” - vợ anh Phương chia sẻ.

Những thành tích anh Trần Đông Phương đã đạt được:

  • Bằng khen: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của tỉnh Đồng Tháp, năm 2014
  • Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" của Tổng công ty Điện lực miền Nam, năm 2011 - 2013
  • Giấy khen của Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam: “Đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua Lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh", năm 2012
  • Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Tháp, năm 2011

 

 


  • 03/06/2014 02:15
  • Minh Hạnh
  • 1417


Gửi nhận xét