Kỹ sư điện mê nhiếp ảnh: Nguồn cảm xúc bất tận từ những đường dây

Xem ảnh của Quốc Thái, người ta cảm nhận được vẻ đẹp từ những đường dây mỏng mảnh vắt ngang trời, ngang núi. Đường dây ấy là thành quả, là công sức của hàng vạn con người ngành Điện, làm đổi thay cuộc sống của những người dân, giúp họ được hưởng ánh sáng điện, tiếp thu văn minh nhân loại...

Bức ảnh "Đường ta đi dài theo đất nước" của kỹ sư điện Quốc Thái.

Bén duyên với… nhiếp ảnh

“Thực ra khi cầm máy ảnh tôi đâu có nghĩ tới việc trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật. Nhiếp ảnh đến với tôi như một cái duyên, không hẹn mà gặp ” – Ông Thái tâm sự.

Sinh năm 1939, tại tỉnh Bắc Giang, thời trẻ Ngô Quốc Thái theo học chuyên ngành Điện và trở thành kỹ sư phát dẫn điện. Tốt nghiệp đại học, ông được phân về làm việc tại Nhà máy Điện Lào Cai. Là một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, Ngô Quốc Thái được công đoàn Phân xưởng Điện giao phụ trách văn thể và cấp cho một chiếc máy ảnh nhãn hiệu Ki-ép. Thời bao cấp, phim, giấy ảnh, thuốc rửa ảnh đều được cung cấp. Ông mua một máy phóng ảnh cũ và bắt đầu tập làm ảnh.

Năm 1970, ông được điều về Sở Quản lý phân phối điện khu vực 7 – Hà Bắc nay là Công ty Điện lực Bắc Giang, tiếp tục phụ trách mảng văn hóa thể thao và tuyên truyền. Tại đây, ông có dịp gặp gỡ nhiều với giới báo chí Hà Bắc.

Một lần tình cờ ông gặp tổng biên tập báo Hà Bắc - Hoàng Đình Tiến, một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm. Và nhà báo Hoàng Đình Tiến đã trở thành người thầy đầu tiên hướng dẫn ông về cách pha thuốc rửa ảnh, phóng ảnh cho đẹp, kỹ thuật che chắn lấy mảng sáng tối, cắt cúp khi phóng ảnh trong phòng tối… Càng làm càng mê. Từ công tác phối hợp tuyên truyền cho ngành Điện, ông trở thành cộng tác viên tích cực mảng ảnh cho báo chí, bản tin các ngành khác ở địa phương và Tạp chí Điện lực.

Kỹ sư điện Ngô Quốc Thái.

Công việc đã gắn bó cuộc đời ông với ảnh báo chí và theo ông suốt chặng đường của nghề và nghiệp. Những bức ảnh của ông đã để lại nhiều ấn tượng trên báo chí  như: Trạm điện 110 kV Bắc Giang xanh - sạch - đẹp, Nối mạng, Từ đất, Cho ngày mai cho muôn đời sau… được trưng bày tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Việt Bắc và Tây Bắc tại tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1999.

Nửa cuộn phim - một khoảnh khắc

Thời ấy, người chơi ảnh vẫn ví von “mỗi lần bấm máy là coi như đánh rơi tiền”. Ông Thái kể, có chuyến lên Sơn Động công tác, ông nhìn thấy những người thợ điện như con kiến vàng treo mình trên cột cao, nối đường dây như tơ nhện trên nền trời xanh thẳm. Đẹp quá! Ông Thái dừng xe, bấm máy liên tục, hết nửa cuộn phim.

Phải là người hiểu nghề, yêu nghề mới phát hiện ra được tầm quan trọng của những đường dây mang ánh sáng đến với cuộc sống người dân vùng cao heo hút. Bức ảnh có tên Điện về bản rừng Phe là một bức ảnh đẹp về đề tài điện về núi rừng. Vẫn là cột điện, dây điện và áo vàng cam của người thợ điện trên cảnh nền là rừng núi Yên Thế sao mà đẹp đến nao lòng!

Quả thực, chuyển tải hình ảnh những đường dây không biết làm duyên ấy vào nghệ thuật là một thử thách không nhỏ với nhiếp ảnh gia Ngô Quốc Thái, nhưng ông đã dành nhiều công sức và sự đam mê để thổi hồn cho chúng.

Ngoài mê chụp ảnh, ông Thái còn viết tiểu phẩm kịch có tên “Ông Chững” được biểu diễn và đạt giải nhất toàn đoàn tại Hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành Điện năm 1982.

Hạnh phúc hiển hiện của người kỹ sư điện về hưu – nhiếp ảnh gia chuyên chụp điện một thời đất Hà Bắc bây giờ là một gia đình sum vầy con cháu đều có công ăn việc làm ổn định, học hành tiến bộ. Có ba người con trong số 5 người công tác trong ngành Điện nối nghiệp cha. Ông chỉ tiếc, tuổi ngày càng cao, giờ đi chụp ảnh phải lựa sức khỏe, thời tiết chứ không thể phăng phăng như hồi trẻ. Ông để dành máy ảnh cho các con nhưng ai cũng bận công việc và không thể theo được nghiệp ảnh. Ông hiểu, bởi nghệ thuật là phải tự dấn thân và có niềm đam mê!


  • 03/07/2014 10:40
  • Thu Hà
  • 1702


Gửi nhận xét