Trải nghiệm từ chuyến băng rừng đi nghiệm thu

“Cuộc đời là những chuyến đi”. Có những hành trình, sẽ ghi dấu mãi trong cuộc đời mỗi người. Đối với tôi, chuyến công tác đầu tiên khi mới bước chân vào ngành Điện đã để lại những kỷ niệm thật sâu sắc. Phải trải qua nhiều gian nan, và cả hiểm nguy trong hành trình cheo leo vượt núi băng rừng, nhưng nhờ vậy, tôi mới thêm hiểu và cảm phục những cán bộ, công nhân xây lắp điện.

Năm 2001, tôi tham gia chuyến công tác kiểm tra kỹ thuật, an toàn trước khi đóng điện công trình đường dây 35 kV cấp điện cho huyện Sìn Hồ được thiết kế đấu nối từ Phong Thổ (thành phố Lai Châu bây giờ). Để kiểm tra hơn 200 vị trí cột thuộc tuyến đường dây 35 kV Phong Thổ - Sìn Hồ, đoàn công tác chúng tôi phải cuốc bộ 7 ngày xuyên rừng già.

Lúc đầu, đoàn chúng tôi thống nhất chia thành các nhóm nhỏ để cùng lúc kiểm tra được nhiều vị trí. Về sau, càng lên cao cây rừng càng to và ken dày đến nỗi chúng tôi không thể nhìn thấy ngọn cột điện để xác định hướng tuyến nữa. Theo chỉ dẫn của đồng chí cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công (dân xây lắp thường gọi là cán bộ kỹ thuật B) - người đã từng “nếm mật nằm gai” ở tuyến rừng này trong suốt quá trình thi công, chúng tôi men theo vết đường mòn dưới tán rừng nguyên sinh, cứ cách quãng lại rẽ trái hoặc rẽ phải để tiếp cận cột điện mà kiểm tra. Chúng tôi không thể chia thành nhóm nhỏ như dự định ban đầu, vì nếu không có sự chỉ dẫn của đồng chí kỹ thuật B thì chẳng ai xác định được phương hướng.

Đi trên đường mòn nhỏ hẹp, quanh co đã khó, từ đường mòn rẽ vào đến chân cột điện để kiểm tra còn cực gấp nhiều lần vì không có người qua lại, cây bụi và dây leo chằng chịt cản đường. Trên đường đi, chúng tôi liên tục chạm trán với rắn độc, may mắn là đều tránh được những phát “bập” của chúng. Riêng vắt rừng thì nhiều như “quân Nguyên”, vì trời vừa mưa xuống, rừng còn ẩm ướt. Rồi có lúc hết nước, chúng tôi phải ăn quả me rừng, dùng vị chua chua chát chát của nó để "chống chọi" với cơn khát.

Cột điện dựng trên vách đá cheo leo

Lúc đó, mới ra trường, chưa va chạm thực tế nhiều, cả dọc đường "hành quân", tôi trăn trở: Mình đi nghiệm thu còn thấy gian nan thế này, vậy mà những người thợ, người công nhân xây lắp còn phải mang trên vai nào là cát, đá, sỏi, sắt thép, dụng cụ thi công, rồi phải khoét núi, ngủ rừng,... Tôi không thể tưởng tượng nổi người ta đã làm cách nào mà vận chuyển được những chiếc cột bê tông ly tâm vừa dài vừa nặng đến đây, dựng lên "hàng cây nhân tạo" sừng sững giữa đại ngàn, mang trên mình sợi dây truyền tải dòng điện quốc gia đến với những con người ở tận bản làng xa xôi.

Qua đồng chí kỹ thuật B, tôi được biết: Con đường mòn mà chúng tôi đi tuyến hôm đó phần lớn là do đơn vị thi công khai phá, sử dụng làm đường vận chuyển chính trong quá trình thi công, sau này bà con người dân tộc cũng sử dụng làm đường vượt núi săn bắn, làm nương. Do địa hình khó khăn hiểm trở, các loại nguyên vật liệu, vật tư đưa vào xây dựng công trình bắt buộc phải được chia nhỏ ra và vận chuyển từng ít một theo kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ". Việc vận chuyển chủ yếu bằng hình thức thồ, vác chứ không sử dụng được xe thô sơ để hỗ trợ do đường vào rừng quá khó đi. Mọi công việc từ vận chuyển vật liệu đến thi công xây lắp đều hoàn toàn đặt lên đôi vai và hai bàn tay của những người công nhân. Kỷ lục tại đây có chiếc cột phải mất tới một tháng rưỡi mới đưa được từ chân núi vào được vị trí dựng.                

Cột bê tông được vận chuyển qua núi bằng xe lốp

Được trải nghiệm, chứng kiến những khó khăn nơi công trường, tôi thật sự cảm phục những người công nhân, cán bộ xây lắp điện đã trải qua muôn ngàn vất vả gian truân, phá đá mở đường, mang vác, thồ tải nguyên vật liệu xây dựng vào rừng để thi công, đưa đường dây, ánh sáng điện đến mọi miền Tổ quốc. Công việc của họ có khác nào dân công tiếp viện hàng hóa, lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Hình ảnh những chiếc cột bê tông ly tâm loại từ 12 đến 20 mét, nặng từ 1,2 đến gần 3 tấn, gác trên xe thô sơ bánh lốp được kéo, đẩy, tời lên dốc núi có khác nào bộ đội ta năm xưa kéo pháo vào Điện Biên. Thế mới biết, thời đại nào cũng có những người “anh hùng vô danh”, lặng thầm cống hiến sức mình cho đất nước. Chuyến công tác đáng nhớ ấy đã giúp tôi thêm hiểu và tự hào về nghề xây lắp điện, để rồi gắn bó với nghề suốt 13 năm qua.

 


  • 16/07/2014 10:51
  • Vũ Hữu Quang
  • 1215


Gửi nhận xét