Thợ vận hành trạm biến áp: Nỗi lòng của "dân đi ca"

Tôi chỉ là một công nhân trực vận hành, không phải là nhà báo chuyên nghiệp để có thể miêu tả sinh động, hấp dẫn cho người đọc về chân dung một người thợ vận hành trạm biến áp. Nhưng tôi muốn được chia sẻ những nỗi niềm, cảm xúc rất thật của một người trong nghề…

Công việc của nghề quản lý vận hành không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ .

3 ca 4 kíp

Một ngày đi ca của tôi gồm 8 tiếng, chia làm 3 ca, mỗi ca hai người. Với dân vận hành hay gọi là "ba ca bốn kíp". Công việc hằng ngày là kiểm tra, quản lý thiết bị của trạm, báo cáo xử lý khi có sự cố, thực hiện thao tác theo lệnh, ghi chép sổ sách, chốt sản lượng… Người ngoài nhìn vào không phải làm như giờ hành chính, lách cách hai buổi cũng sướng.

Nhưng ai biết được "dân đi ca" cũng có nỗi khổ riêng. Khi người ta nghỉ, thì mình lại đi làm. Khi mình được nghỉ thì “không có bạn mà chơi”. Đôi khi nghĩ tức cười, tối họ chúc nhau ngủ ngon, chúng tôi lại “lọ mọ” chuẩn bị vào ca. Sáng sớm, mọi người chào buổi sáng, tôi lại vùi mình vào giấc ngủ. Nhiều lúc ca đêm về đang ngủ, chuông điện thoại tiếng đứa bạn nheo nhéo, lẫn trêu cười: “ Dậy chào bình minh đi, ngủ gì mà ngủ ghê thế?”.

Ai đó ví “Nghề vận hành tỷ phú về thời gian” thật không đúng tý nào. Dù không phải chạy đi chạy lại nhiều nhưng những công việc không tên để đảm bảo cho công việc vận hành an toàn, ổn định không phải là ít. Đó là chưa kể những hôm bị sự cố, thí nghiệm định kỳ hay vệ sinh công nghiệp thì cứ gọi là “mệt bở hơi tai”.

Chỉ tội mấy anh con trai, thỉnh thoảng có tiệc vui hay ăn cỗ cũng không được uống rượu bia thoải mái, vì chỉ cần có mùi rượu bia là không giao ca, cho nghỉ luôn vận hành. “Đôi khi bạn bè trách tưởng mình kiếm cớ không nhiệt tình, công việc sao mà khắt khe thế. Cũng kệ thôi, nghề mình vậy mà” - một anh thợ vận hành giãi bày.

Công việc của nghề quản lý vận hành không đơn giản

Ngành Điện có đặc thù với những quy tắc rất nghiêm, đặc biệt là về an toàn. Bên vận hành cũng vậy, với thiết bị đang chạy điện thế kia, làm sao dám sờ để kiểm tra. Từ khi vào nghề, tôi rèn được khả năng “nhìn - nghe - ngửi”. Chỉ cần một tiếng động nhỏ hay mùi khen khét là phải để ý, vì chắc “những đứa con” của  mình “đang có vấn đề”.

Mùa hè - mùa quá tải, phải liên tục kiểm tra dòng, theo dõi công suất, tính phần trăm quá tải để cập nhật với điều độ có hướng xử lý cho kịp thời, rồi phải xem thiết bị có phát nhiệt, vận hành bình thường hay không. Có hôm vào giờ cao điểm, dòng phụ tải tăng cao quá mức, xin điều độ cắt bớt phụ tải, giảm công suất của máy. Mẹ gọi ra bảo: “Bố cũng đang đi trực, ở nhà nóng lắm, lại mất điện”. Định đùa: “Bố cắt điện của mẹ rồi còn gì” nhưng thôi. Hoàn cảnh bắt buộc cả mà.

Vất vả nhất là khi đến mùa mưa bão. Một đêm trong cơn bão, lưới 220 kV nhảy sự cố réo ầm ĩ. Dù lúc ấy, ai cũng sợ đi giữa trời mưa to gió lớn, nhưng để có kết luận chính xác, người thợ vận hành vẫn phải đội mưa ra ngoài trời kiểm tra thiết bị, để có biện pháp xử lý kịp thời. Có hôm “như ma làm” tiếng chuông còi chạm đất kêu rú - Hết - Bước chân ra khỏi phòng phân phối - Tiếng chuông còi lại rú ầm ĩ. Tôi đùa, chắc thay tiếng chuông còi cho nó dễ chịu chút nhỉ, thì được lời giải thích “Chuông còi chối tai vậy, như thế mới báo động được chứ”.

Công việc thường ngày của "dân đi ca" như vậy đó. Đi ca cũng có nhiều kỉ niệm vui buồn với nghề trực vận hành để rồi tự đúc rút cho mình những bài học, kinh nghiệm thực tế. “Viết gì thì viết, không được sót tinh thần tập thể của dân vận hành à nha!” - anh trạm trưởng nhắc nhở. Ừ nhỉ, suýt nữa quên. Trạm toàn người ở xa, hoàn cảnh, công việc đẩy anh em xích lại gần nhau hơn. Khi có sự cố không ai bảo ai, những công nhân dưới nhà nghỉ ca lại chạy lên giúp người đương ca một tay. Bất kể trời mưa hay trong đêm tối, có khi là đang bữa ăn. Có lẽ vậy mà sự cố nào cũng được xử lý nhanh gọn, đảm bảo an toàn. Việc của trạm như việc của mình, có kinh nghiệm gì trong nghề lại truyền cho nhau.

Đã đến giờ vào ca, khoác bộ quần áo đồng phục lên người, tự hứa với mình sẽ làm tốt hơn nữa công việc được giao.


  • 22/07/2014 09:05
  • Hoàng Hồng Nhung
  • 1907


Gửi nhận xét