Thợ điện trẻ và những kỷ niệm mới vào nghề

Ngày tôi nộp hồ sơ vào ngành Điện, mẹ nhìn tôi với ánh mắt lo lắng: “Nghề gì mà nguy hiểm, suốt ngày ôm lấy cái cột điện, chả giống ai!”. Chả là, gia đình tôi suốt mấy đời chưa có ai theo nghề này.

Tác giả, thợ điện trẻ Anh Tuấn

Tôi từng nghe có người nói "nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề”, ban đầu thấy vô lý nhưng sau này ngẫm cũng thấy đúng. Khi còn là một cậu học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi chưa bao giờ nghĩ sau này mình lại trở thành anh thợ điện như bây giờ. 18 tuổi, tôi từng ước mơ trở thành một chiến sĩ công an; đến khi học xong đại học, tôi lại có nguyện vọng được làm giảng viên. 

Rồi bố định hướng cho tôi vào ngành Điện. Tôi vẫn nhớ, ngày tôi đến công ty nhận công tác, chú giám đốc nhìn tôi cười rồi nói: “Cháu này dáng thư sinh nên chỉ làm văn phòng được thôi!”. Nghe thế, tự ái "trỗi dậy" nên tôi mạnh dạn đề nghị: “Thưa chú! Xin chú cho cháu về cơ sở để học hỏi thực tế ạ!”. Và thế là hôm sau tôi được phân về cơ sở thật!

Ngày đầu tiên tôi đi làm là thời điểm giữa mùa hè. Cái nắng tháng 6 như thiêu như đốt. Trong khi ai ra đường cũng mau chóng chạy thật nhanh về nhà cho mát thì toàn đội vẫn phải ra hiện trường làm việc cho kịp tiến độ. Lúc đó, tôi ngờ ngợ hiểu tại sao người ta lại tếu táo đây là nghề "điên – nặng". Đùa đấy, mà cũng thật đấy!

Nhìn các chú, các anh trong bộ quần áo vàng cam, mặt ai cũng đen sạm, mồ hôi mướt mát mà tôi thấy hãi. Tôi được giao nhiệm vụ làm biên bản và "núp" dưới mái hiên, nhưng cuối cùng vẫn bị say nắng. Hình như "ông trời" muốn thử thách cái sự “thư sinh” của tôi thật! Điều đầu tiên tôi rút ra khi bước chân vào nghề này là phải có sức khoẻ thật tốt.

Lần đầu tiên trèo lên cột điện, tôi được một đồng nghiệp lớn tuổi “dìu” lên, từng bước, từng bước một. Trước đó, khi học trong trường, tôi đã được dạy trèo cột - cột cao thế hẳn hoi nhé, nhưng là cột... không có điện! Còn lần này, thực tế khác hẳn với lý thuyết. “Đỉnh cao” mà tôi đang cần chinh phục là một cột điện với cơ man hòm công tơ và một đống dây rợ chằng chịt cáp viễn thông, cáp truyền hình… mà nếu chưa biết sẽ chẳng thể phân biệt được dây nào là dây đang có điện, chẳng may sơ sẩy, mất tập trung, trượt chân,... thì sợi dây an toàn kia liệu có giữ được tính mạng cho mình không? - trong đầu tôi vang lên hàng ngàn câu hỏi.

Chúng tôi vẫn thường nói đùa rằng làm thợ điện cũng giống như phi công, nghĩa là phải có càng nhiều “giờ bay” an toàn càng tốt, mọi cú “cất cánh” hay “hạ cánh” đều phải hoàn hảo. Điều làm tôi cảm thấy lo lắng hơn cả đó là qua câu chuyện của các anh trong đội, tôi được nghe kể về những vụ tai nạn điện giật do bất cẩn, nhẹ thì tàn tật, nặng thì mất mạng như chơi. Tôi sợ, nhưng khi về nhà chẳng dám kể với mẹ nửa lời vì sợ mẹ lo lắng. Tôi cũng từng có ý định xin chuyển công tác khác, nhưng rồi được sự động viên, khích lệ tinh thần từ mọi người, nhất là từ bố, tôi dần lấy lại bình tĩnh để tiếp tục công việc. Tôi nghiêm túc tìm hiểu quy trình quy phạm, cách vận hành, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp…

Vì đặc thù công việc của thợ điện không tuân theo "quy luật" giờ giấc nào, lúc đi sớm, khi thì về muộn và nhiều lúc là đột xuất, khi có sự cố lớn hoặc những lúc mưa, bão phải huy động toàn đội thì dù đang dở công việc gì cũng phải nhanh chóng có mặt kịp thời. Lần đầu tiên trực tăng cường đảm bảo điện Tết, tôi đón giao thừa xa nhà. Chị tôi cũng theo anh rể về đón Tết ở nhà chồng, tôi gọi điện về nhà chúc Tết mà nghe trong điện thoại giọng mẹ tôi nghẹn ngào. Tôi vẩn vơ nghĩ, có lẽ mẹ buồn vì Tết đầu tiên chỉ có hai bố mẹ ở nhà, những cũng có thể mẹ khóc vì xúc động, khi thấy con trai mẹ đã trưởng thành.

Những “lần đầu tiên” của tôi đã diễn ra như thế… và không biết từ lúc nào tôi thấy yêu hơn bộ quần áo màu vàng cam của mình. Cho đến bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại sự "ngây ngô" ngày nào, tôi vẫn tự cười thầm và những kỷ niệm đáng nhớ ấy sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời.

Nhờ có sự chỉ bảo, động viên của đồng nghiệp, sự chia sẻ của khách hàng và đặc biệt là những lời dạy của bố, người luôn hướng cho tôi những điều hay lẽ phải, kể cả đạo đức nghề nghiệp, tôi ngày một trưởng thành hơn. Tôi luôn tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tiếng gọi thân thương: “Anh thợ điện”.


  • 12/08/2014 08:51
  • Anh Tuấn
  • 1791


Gửi nhận xét