Anh Đào Ngọc Duy
|
“Khăn gói quả mướp” lên bản
Duy sinh năm 1984, là cử nhân Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, Duy về công tác tại Điện lực Văn Bàn. Đây là một huyện vùng sâu, vùng xa của Lào Cai. Duy bảo nơi xa nhất, cao nhất ở đây là xã Nậm Chày, cao 2.875m, cách trung tâm huyện 45km, đường giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Do địa hình đồi suối, núi cao vực sâu, dân cư sống thưa thớt không tập trung, 100% là người dân tộc Mông, nên công tác quản lý vận hành rất vất vả. Trước đây, anh em trong Đội phải thay nhau đến tận nhà các hộ để vận động thu tiền điện, phải đến vào buổi chiều tối mà nhiều khi cũng rất “cắc bụp” vì mọi người lên rừng thảo quả, thậm chí cả tháng mới về nhà. Anh em thường phải “khăn gói quả mướp” lên bản ăn ở với bà con, khi nào thu đủ tiền điện mới về. Giờ nhờ phối hợp tốt với chính quyền địa phương, Đội đã tuyên truyền ý thức tự giác đóng tiền điện đầy đủ cho người dân.
Gắn bó với công việc và mảnh đất này, được bà con thôn bản yêu mến, những kỷ niệm đẹp trong Duy mỗi ngày lại đầy lên theo năm tháng. Duy kể, năm 2010, xã Nậm Chày được đầu tư đường điện 35 kV và 2 trạm biến áp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Vì đường xá giao thông lầy lội, trơn trượt, nên quá trình di chuyển cột và trạm biến áp vào xã rất khó khăn. Chỉ có gần 20 km đường dây 35 kV và 2 trạm biến áp mà phải mất hơn hai năm mới xong. Duy nhớ mãi ngày đóng điện thành công, nhà nào cũng phấn khởi vì có điện. Bà con vui mừng lắm, thợ điện đi tới đâu được kéo vào mời cơm chỗ đó. Rượu thì sẵn, cứ gọi là say túy lúy càn khôn.
Những kỷ niệm không phai
Duy bảo, sau khi đóng điện được khoảng gần 1 năm, có một trạm biến áp bị sự cố sét đánh, phải thay trạm. Ô tô chở trạm biến áp còn cách điểm chờ khoảng 4km nhưng không thể đi tiếp.
Hơn chục thanh niên sức dài vai rộng phải mượn xe kéo tự chế của người dân để kéo trạm biến áp lên đồi. Thấy thợ điện cực khổ, bà con bảo nhau hỗ trợ sửa đường và huy động thêm 25 người dân trong thôn ra kéo cùng mà cũng mất nguyên một ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới xong. Cánh thợ điện ai nấy lấm lem vì bùn lầy nhưng thôn bản có điện sáng lại vui như Tết, lại được mời cơm rượu, ngả nghiêng, nghiêng ngả.
Duy bảo 10 năm đi làm, là 10 năm tình sâu nghĩa nặng với người dân bản, chính tấm lòng của bà con trong lúc vất vả, gian khó đã giúp Duy càng thêm yêu nghề.
Nhớ lại quãng thời gian đầu mới vào nghề, khoảng tháng 8/2007, 9h tối hôm đó, trời mưa bão, bị nhảy máy cắt đầu nguồn tại xã Phú Nhuận, cách đó khoảng 35 km. Duy và một đồng nghiệp tên Sơn, nhận được lệnh ra kiểm tra máy cắt đầu nguồn. Để tới nơi, hai anh em phải đi qua 3 gầm tràn tại xã Võ Lao và Văn Sơn.
Nhưng mới qua được gầm tràn thứ nhất thì nước suối đã tràn ngập đường gần nửa mét. Cả hai tiếp tục qua đến gầm tràn thứ hai thì nước dâng đến bụng xe, không thể đi tiếp được. 10h đêm, hai anh em phải gõ cửa xin ngủ nhờ nhà dân, nhưng vừa lạnh vừa sốt ruột công việc nên cứ thắc thỏm suốt. Khoảng 2h sáng, thấy nước rút xuống thấp, anh em bảo nhau dậy khiêng xe qua gầm và tiếp tục đến vị trí máy cắt tổng để kiểm tra, đóng điện. Hai anh em ướt như chuột, quay về cơ quan lúc 4h sáng. Kỷ niệm những năm đầu vào nghề, Duy còn nhớ mãi.
Đào Ngọc Duy hiện là thợ bậc 5/7. Trong đợt thi thợ giỏi cấp công ty mới đây, Duy thi nhóm nghề Thí nghiệm điện và đạt giải nhì. Duy cũng được Tổng công ty Điện lực miền Bắc tuyên dương Công nhân lao động giỏi năm 2011 – 2013.
|