Nỗi sợ của "chuyên gia xử lý sự cố"

Nhanh nhẹn, rắn rỏi và… hơi đen. Đó là những cảm nhận đầu tiên về Hoàng Thanh Diễn khi gặp anh tại Công ty Điện lực Hải Phòng. Chỉ đến khi trò chuyện, tôi mới khám phá được những nỗi niềm ẩn chứa bên trong sự từng trải, rắn rỏi ấy…

Anh Hoàng Thanh Diễn - Phó giám đốc Điện lực An Lão

Những sự cố “ấn tượng”

Hoàng Thanh Diễn chia sẻ, anh từng trải qua nhiều năm làm thợ điện tại các chi nhánh điện: Lê Chân, Thủy Nguyên, Cát Hải. Anh đã làm đủ mọi công việc của người thợ điện, từ trèo cột, kéo dây, quản lý khách hàng, trực vận hành trạm cho đến kinh doanh điện năng... Hiện nay, anh là Phó giám đốc Điện lực An Lão.

Anh Diễn là một trong số các “chuyên gia xử lý sự cố” của Công ty Điện lực Hải Phòng. Vì vậy, khi hỏi về sự cố điện, anh sôi nổi hẳn lên: “Nhiều lắm, mà cái nào cũng rất ấn tượng!”. Dù không nhớ chính xác thời điểm trước hay sau năm 2000, nhưng cái giá rét đến cắt da, cắt thịt trong mùa đông năm đó anh Diễn không bao giờ quên được.

Anh bảo, cả xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải, 3 đêm liền mất điện làm cho cánh thợ điện đứng ngồi không yên. Mặc cho cái rét tê tái lòng người, anh em chia nhau rà soát từng ngõ ngách, từng khu vực cấp điện, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra nguyên nhân gây sự cố. Ai cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi, kiệt sức.

Tình cờ, đi qua cửa động Quân Y – một địa điểm du lịch của Cát Bà, nghe đám thanh niên kháo nhau về hiện tượng phóng điện, anh vội vàng trèo lên kiểm tra. Nguyên nhân sự cố là do nhiệt độ xuống quá thấp, dây dẫn co lại làm cho chuỗi sứ bị kéo ngược lên, chạm vào xà đỡ, dây dẫn cũng chạm xà và hiện tượng đó xảy ra đồng thời trên cả 2 pha, gây ngắt mạch giữa các pha làm nhảy máy cắt. “Việc xử lý sự cố không quá phức tạp, nhưng để tìm ra được nguyên nhân của nó, nhiều lúc như đâm đầu vào đá” – anh Diễn chia sẻ.

Một lần khác, do xà lan chở cần cẩu vướng vào kéo đứt dây trung thế đoạn qua kênh Cái Tráp, gây mất điện. Anh Diễn cùng anh em ngay lập tức xuống hiện trường xử lý sự cố. Việc đưa vật tư thiết bị ra biển sửa chữa đường dây điện là vô cùng phức tạp, đồng thời còn phải phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện phân luồng, phân tuyến cho tàu thuyền qua lại tránh khu vực đang sửa chữa. Sự cố này khiến anh em thợ phải mất 15 giờ làm việc liên tục từ 11h đêm hôm trước đến 12h trưa ngày hôm sau mới khắc phục xong.

Anh Hoàng Thanh Diễn:

  • Sinh năm 1973
  • Trú tại Lê Lai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng
  • Tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Điện Sóc Sơn; Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng.

Đánh đổi mạng sống

Lại còn những sự cố đặc biệt kiểu quạ mổ vỡ sứ, đứt dây hoặc rắn bò lên đường điện trung thế, phải “xử lý” rắn trước rồi mới tính đến đường dây. Những việc đó với đôi bàn tay người thợ như anh đều đã từng trải qua. Nhưng rồi sau tất cả, khi một mình đối diện với chính mình,với nguy cơ rình rập giữa sự sống và cái chết, khi không còn đủ sự tự tin, anh lại thấy sợ. Anh bảo với những ai từng gắn bó lâu năm với nghề điện, chắc chắn cái chuyện “hút chết” đều đã từng trải qua. Ranh giới mong manh lắm. Chỉ khi người ta bất đắc dĩ chạm đến cái ngưỡng phân cách này, quay đầu nhìn lại mới thấy một nỗi sợ sâu thẳm như găm vào lòng.

Anh Diễn kể rằng, anh từng mất một người em trai vì cái sự nguy hiểm của nghề. Em trai anh cũng là công nhân của Điện lực An Dương. Khi ra đi mới 25 tuổi, chưa kịp lập gia đình.

Có lẽ những người làm trong ngành Điện, đặc biệt là ở Công ty Điện lực Hải Phòng không thể quên năm 2010. Chỉ trong vòng 59 ngày, mất 3 mạng người, toàn những thanh niên trẻ măng. Bản thân em trai Diễn vì cứu một người dân khỏi bị điện giật mà hy sinh. Anh Diễn chia sẻ, nỗi đau mất em, mất đồng nghiệp và hàng ngày phải đối mặt với sự cố luôn nhắc anh về những hiểm nguy, nỗi sợ, và trên hết là cách để vượt qua nó.


  • 25/09/2014 02:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 8/2014
  • 1253


Gửi nhận xét