Anh Tổ phó ham mày mò

Thoạt nhìn, đây là dụng cụ thô sơ được ghép bởi vài thanh sắt với những vết cắt, mối hàn, vết sơn “tay ngang” của anh thợ điện tự mày mò làm thợ cơ khí. Nhưng thiết bị này lại “rất được việc” cho cánh thợ điện miền núi Đông Giang (Quảng Nam).

Anh Lê Trung Ánh và dụng cụ đưa dây điện lên xà do anh chế tạo

Dụng cụ đưa dây điện lên xà

Đó là tên gọi chính xác của thiết bị và cũng là sự diễn tả đầy đủ tính chất, công năng của sản phẩm “made by Lê Trung Ánh” vừa được Công ty Điện lực Quảng Nam công nhận là sáng kiến.

Gương mặt đen sạm, cộng với nắng gió lâu năm ở núi rừng khiến không ai nghĩ rằng anh là dân đồng bằng chính hiệu. Trước Hội đồng sáng kiến của Công ty, anh Lê Trung Ánh tự tin trình bày rành rọt về sản phẩm của mình.

Anh Lê Trung Ánh:

- Thâm niên công tác: 25 năm. Từng là nhân viên Tổ kinh doanh và Tổ điện miền núi Đông Giang, Chi nhánh điện Đại Lộc.

- Tháng 3/2009 đến nay: Tổ phó Tổ Quản lý đường dây và trạm khu vực Đông Giang, Chi nhánh Điện Đông Giang (nay là Điện lực Đông Giang)          

Thiết bị này gồm một chân đế định vị để ghép chặt vào thanh xà; một vòng tròn sắt với những nan hoa bằng thép ф8 – ф12 dài khoảng 20 cm, phía ngoài có móc để móc dây, gắn vào một ổ bi ở giữa tâm được cố định với chân đế; một vòng tròn nhỏ hơn được gắn cố định với vòng tròn lớn để quấn dây kéo; một đĩa nhông sắt gắn với “con cóc” hãm cho vòng tròn chỉ quay theo một chiều. Tất cả chỉ có thế!

Trông thì thô sơ, nhưng đây là giải pháp giúp thợ điện Đông Giang kéo dây điện nặng lên xà nhanh nhất, ít tốn công lao động nhất. Ở Quảng Nam, phần lớn lưới điện trung, hạ áp vẫn được thực hiện đưa dây lên xà bằng sức người. Còn nhớ trong cơn bão số 9/2009, hàng chục km lưới điện 35 kV bị bão đánh tơi tả, dây rớt la liệt dưới đất.

Bấy giờ, tại huyện Núi Thành, tôi chứng kiến tại mỗi trụ điện phải có 4-5 công nhân, người kéo người đẩy bì bõm giữa ruộng nước rất lâu, rất vất vả mới đưa được dây lên xà. Đông Giang là miền rừng núi, công việc ấy càng gian nan. Với dụng cụ tự chế của anh Lê Trung Ánh, nhiệm vụ này trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần 2 người, trong 2 giờ  có thể làm xong 1 khoảng trụ. Hiệu quả mang lại từ sáng kiến này khá lớn, giảm được một nửa nhân công và khoảng 2/3 thời gian so với phương pháp thủ công,  trong khi “tất cả chi phí để làm ra thiết bị này không quá 300 nghìn đồng” – anh Ánh cho biết.

Theo anh Lê Trung Ánh, sáng kiến này – cũng như rất nhiều sáng kiến khác của anh đã được Công ty công nhận trước đó - đều xuất phát từ những bất cập nảy sinh trong thực tiễn công việc. Làm sao để giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và giảm bớt nhọc nhằn cho con người là động lực thúc đẩy anh tìm tòi và cải tiến các thiết bị lao động.

“Cây sáng kiến” của Điện lực Đông Giang

Ông Nguyễn Văn Châu, Tổ trưởng Tổ quản lý đường dây và trạm Điện lực Đông Giang:

Anh Lê Trung Ánh là “cánh tay” đắc lực, đóng góp rất nhiều công sức cho tổ công tác. Ở anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cũng như niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong lao động. Anh truyền được lòng nhiệt huyết của mình cho đồng đội và cổ vũ, động viên anh em trong tổ cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, chất lượng.  

Anh Lê Trung Ánh từng cải tiến, sáng chế nhiều dụng cụ khác rất hữu ích, được Công ty Điện lực Quảng Nam công nhận là sáng kiến như: Chế tạo dao gọt cáp đa năng; chế tạo khoan sắt bằng tay để khoan những dụng cụ, thiết bị bằng sắt tại chỗ làm việc, trên xà cao hoặc những tình huống không thể dùng khoan điện; chế tạo cánh tay đòn để uốn xà bị vênh, cong ngay trên đầu trụ điện mà không phải tháo xà đem xuống đất mới uốn thẳng được…

“Những sáng kiến của anh Ánh rất hữu ích cho công việc của Điện lực, giải quyết được những khó khăn tại chỗ và góp phần tăng năng suất lao động” - ông Trương Tiến Dũng - Giám đốc Điện lực Đông Giang cho biết.

Hiện anh Ánh đang là Tổ phó Tổ quản lý đường dây và trạm Điện lực Đông Giang. Toàn Tổ có 8 người, trong đó 4 người chuyên quản lý lưới và 3 người giải quyết sự cố. Nhân lực mỏng, khối lượng công việc nhiều nên đội ngũ lao động này đã hết sức nỗ lực để quản lý vận hành 170 km lưới điện 22 - 35 kV, khoảng 80 km lưới điện hạ áp trên địa bàn huyện Đông Giang vận hành tương đối an toàn, ổn định trong điều kiện thường xuyên bị sạt lở đất, giông sét uy hiếp.

Bản thân anh Ánh, để làm tốt nhiệm vụ, gần 10 năm qua cũng phải khắc phục cảnh sống xa nhà, trở lại với “cơm tập thể, giường cá nhân”. Để khỏa lấp nỗi nhớ vợ thương con, anh dành thời gian vào việc học tập nâng cao trình độ và đã tốt nghiệp lớp kỹ sư điện tại chức tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Ghi nhận những đóng góp của Lê Trung Ánh trong thành tích chung của Tổ, góp phần cùng Điện lực Đông Giang liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch được giao, cá nhân anh nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến si thi đua cơ sở và được Công ty Điện lực Quảng Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung khen thưởng. 


  • 24/11/2014 08:45
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 10/2014
  • 1066


Gửi nhận xét