Thu ngân viên lưu động - Những "chú ong cần mẫn"

Nếu có ngành nghề nào đòi hỏi sự cần mẫn như những chú ong thợ, thì một trong số đó chính là nghề thu ngân viên lưu động của ngành Điện. Nhiệm vụ ấy tuy bình dị, thầm lặng nhưng lại góp phần quyết định đến hiệu quả cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh. Có dịp đồng hành với các anh chị thu ngân trong mùa mưa bão mới càng thấu hiểu công việc của những người “làm dâu trăm họ” này.

Kỉ niệm mang theo trên những cung đường xa

Anh Lê Văn Bắc, sinh năm 1963 - thu ngân viên có thâm niên 23 năm của Điện lực Sơn Trà (Công ty Điện lực Đà Nẵng) cho biết, anh gắn bó với nghề từ khi giấy báo tiền điện còn được viết bằng tay, sau đó là hình thức hóa đơn ba liên. Những khi mưa bão, việc bảo quản hóa đơn giấy rất vất vả, đòi hỏi sự cẩn thận của người thu ngân để tránh làm hư hỏng, rách hóa đơn.

Đến năm 2014, cùng với hóa đơn điện tử, anh lại làm quen với “người bạn” đồng hành mới là chiếc máy POS. Không “xuôi chèo, mát mái” ngay từ đầu, đặc biệt là với những người lớn tuổi như anh. Mất gần một tháng, anh Bắc mới bắt đầu thuần thục các thao tác trên máy. Cùng “chiếc máy thông minh” - như cách anh gọi, việc đi thu của anh cùng đồng nghiệp cũng trở nên thuận lợi hơn.

Sau một ngày rong ruổi trên khắp các ngả đường, anh không còn phải cặm cụi cộng sổ. Việc quyết toán hàng ngày cũng diễn ra nhanh hơn, bớt đi những khó nhọc. Trong mùa mưa bão, anh cũng vơi bớt nỗi lo hư hỏng, thất lạc hóa đơn.

Cùng anh Bắc gửi giấy báo tiền điện đến người dân phường Thọ Quang trong cơn mưa như trút nước và những ngọn gió biển cứ vi vút liên hồi, tôi mới cảm nhận được những vất vả trong hành trình của anh. Gửi vội chiếc xe máy tại nhà một khách hàng quen thuộc, khoác chiếc áo mưa, tay cầm chiếc ô, anh cẩn thận che chắn cho chiếc máy Pos rồi đi đến từng hộ gia đình. Vừa đi anh vừa chia sẻ với tôi những kinh nghiệm “làm nghề” của mình để luôn đạt chỉ tiêu thu tiền điện cao. Thành quả ấy có được, với anh là nhờ sự lắng nghe ý kiến khách hàng, hiểu được tâm lý khách hàng và tạo sự thân thiện, tin cậy với người dân địa phương. Từ suy nghĩ ấy, với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, anh lại nắm bắt giờ giấc phù hợp với lịch làm việc, sinh hoạt của hộ gia đình; từ đó có thể thu tiền đúng lúc, tránh gây phiền hà, mất thời gian của khách hàng. 

Nghề thu ngân thầm lặng đã giúp anh rèn luyện tính kiên nhẫn và trách nhiệm, từ đó đạt được nhiều thành công khác trong công việc và cuộc sống. Bỏ qua những buồn vui, “tai nạn” nghề nghiệp – tiền giả, té xe, chó đuổi… với anh, điều đáng quý nhất vẫn là sự quan tâm, tấm lòng giữa mọi người với nhau. Anh chậm rãi kể lại câu chuyện ân tình giúp anh vẫn luôn giữ vững niềm tin, gắn bó cùng nghề. Đó là một ngày mưa gió, anh bị trượt chân ngã ngất bên đường. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong nhà người dân với ly nước cam và toàn bộ đồ đạc bên cạnh. Kỉ niệm ân tình đó luôn theo anh trên những cung đường xa, đầy vất vả, khó khăn.

Chân thành, cảm thông và chia sẻ với khách hàng

Là thu ngân viên phụ trách địa bàn Hòa Hải và Hòa Quý, thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, nơi mỗi khi mưa xuống là nước ngập tới gối, nhưng anh Phạm Văn Hùng (SN 1961) vẫn luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao. Do trên địa bàn có nhiều hộ dân hoàn cảnh khá khó khăn, nên việc thanh toán tiền điện đối với họ cũng không đơn giản. Anh Hùng thường phải kiên trì đi lại nhiều lần, thuyết phục họ thu xếp đóng tiền điện. Thái độ thông cảm, chân thành của anh khiến nhiều khách hàng cảm động.

Chị Cẩm Hà (ngoài cùng bên phải) - thu ngân viên giỏi của Điện lực Sơn Trà

 

Là một nữ thu ngân trẻ, nhưng chị Trần Thị Cẩm Hà, thu ngân viên của Điện lực Sơn Trà cũng luôn nỗ lực trong công việc để đạt chỉ tiêu cao. Mỗi tháng, chị Hà phải thu và quyết toán hóa đơn gần 2.500 khách hàng. Với lượng khách hàng lớn, chị luôn bắt đầu công việc từ lúc 7h30 sáng cho đến tận chiều tối.

Nhờ sự cần cù, chăm chỉ lại có duyên ăn nói, những "lộ trình" do chị Hà đảm nhận không ít lần đã nhận được thư khen ngợi của khách hàng. Những tháng cuối năm, dù mưa bão, chị cùng với các anh chị thu ngân khác vẫn tận tụy đến tận nhà người dân để thu tiền điện kết hợp việc ký lại hợp đồng tuyên truyền về thực hiện quy định chi phí ngừng và cấp điện trở lại. Chị Hà tâm sự, với khách hàng, chị luôn giữ sự thân thiện, đặt mình vào địa vị của khách hàng, cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi khách hàng để hợp tác với họ.

Công việc thu tiền điện tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự kiên nhẫn, cần mẫn, khéo léo của mỗi thu ngân viên. Các anh chị cũng là những tuyên truyền viên, tư vấn khách hàng sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, là kênh thông tin để lắng nghe và truyền đạt kịp thời những tâm tư từ người dân đến với ngành Điện. Vì thế, mỗi thu ngân viên của Điện lực Sơn Trà vẫn luôn học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng hơn với hình ảnh người thợ điện “trách nhiệm – sáng tạo – lịch sự - nghĩa tình”.

 
d


  • 08/12/2014 04:57
  • Bài và ảnh: Hải Hà
  • 1067


Gửi nhận xét