Người đứng sau đế chế giao đồ ăn trị giá hơn 30 tỷ USD

Với mức định giá hơn 30 tỷ USD của DoorDash sau IPO, cổ phần của Tony Xu - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của gã khổng lồ giao đồ ăn sẽ trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.

Sinh ra ở Nam Kinh, Trung Quốc, cha mẹ anh quyết định đặt tên anh là "Xun", trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là "thần tốc". Cái tên không chỉ vì anh chào đời quá sớm mà còn vì ca sinh nở chỉ diễn ra trong vài phút.

Anh đã không giữ tên đó trong thời gian dài. Sau khi cùng cha mẹ chuyển đến Mỹ vào năm 1989, Xu sớm nhận thấy tên của mình quá khó để bạn bè người Mỹ phát âm. Vì vậy, anh ấy quyết định đổi tên mình là Tony Xu, theo tên Tony Danza - một ngôi sao của bộ phim sitcom kinh điển "Who's the Boss", mà Xu xem sau giờ học hàng ngày để trao dồi kỹ năng tiếng Anh.

Trong khi "Xun" không còn là tên thường ngày của mình, nhưng anh vẫn không mất đi thiên hướng tiến nhanh mà cha mẹ mong muốn. Giám đốc điều hành 36 tuổi này đã chào bán công khai DoorDash vào tháng 12 chỉ bảy năm sau khi anh thành lập công ty khi đang theo học tại Đại học Stanford. Đây được đánh giá là một trong những đợt IPO lớn nhất năm 2020.

DoorDash bắt đầu với tên gọi PaltoAltoDelivery.com vào năm 2013 với chỉ tám nhà hàng trên trang web và ba nhân viên giao hàng: Xu và hai người đồng sáng lập của anh bao gồm Andy Fang và Stanley Tang. Hiện DoorDash có hơn 390.000 người bán trên nền tảng của mình, hơn 18 triệu khách hàng và hơn 1 triệu Dasher ( cách gọi của những người giao hàng).

Sự tăng trưởng chóng mặt là dấu ấn của DoorDash. Công ty nắm giữ 17% thị trường giao đồ ăn tại Mỹ vào tháng 1 năm 2018, xếp sau các đối thủ cạnh tranh chính là Uber Eats và Grubhub. Hai năm sau, nó hiện chiếm 50% thị trường, vượt xa Uber Eats 26% và Grubhub 16%.

"DoorDash có mặt ở đây thực sự là nhờ mẹ tôi. Bạn thấy đấy, bà ấy đã hình dung ra tất cả vào năm 1984 khi tôi còn là một đứa trẻ sinh non", Xu trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, khi bông đùa về quyết định cái tên "Xun của mẹ anh.

Xu có nhiều hơn cái tên của mình để cảm ơn mẹ của mình. Mối quan tâm của anh đối với công việc kinh doanh thực phẩm bắt đầu từ một nhà hàng Trung Quốc ở Champaign, Illinois, nơi bà làm việc như một người phục vụ bàn. 

Giống như nhiều gia đình nhập cư đến Mỹ, gia đình Xu không có gì nhiều khi họ mới đến. Mẹ anh là bác sĩ ở Trung Quốc, nhưng Mỹ không công nhận giấy phép hành nghề y tế ở Trung Quốc của bà. Bà đã làm ba công việc, trong đó có một công việc ở nhà hàng gần 12 năm trước khi tiết kiệm đủ tiền để trở lại trường y.

Là một người hâm mộ lớn của Mario Bros, Xu đã rửa bát tại nhà hàng cùng với mẹ của mình để tiết kiệm mua máy điều khiển trò chơi Nintendo. Anh ấy không chỉ có được bảng điều khiển trò chơi điện tử của mình mà còn được tận mắt trải nghiệm cuộc đấu tranh của các doanh nghiệp đồ ăn, điều mà đã thúc đẩy anh ấy bắt đầu DoorDash như một nền tảng công nghệ để giúp các doanh nghiệp nhỏ kết nối với người tiêu dùng dễ dàng hơn. 

"Giúp các doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh và phát triển trong thời đại thay đổi nhanh chóng này là vấn đề cốt lõi mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết", Xu nói trong hồ sơ IPO của DoorDash.

Sau khi tốt nghiệp Đại học California, Berkeley với bằng kỹ sư công nghiệp , Xu làm việc cho McKinsey và eBay với ước mơ cuối cùng trở thành một nhà nghiên cứu. Ý tưởng trở thành một doanh nhân không đến với anh cho đến khi anh gặp hai người đồng sáng lập của mình tại Startup Garage, một khóa học dựa trên dự án tại Stanford. 

Họ nảy ra ý tưởng về dịch vụ giao đồ ăn cho dự án lớp học sau khi nói chuyện với một chủ cửa hàng bánh hạnh nhân nhỏ nhưng nổi tiếng, người này nói rằng cô ấy không có cách nào để đáp ứng những khách hàng muốn bánh được giao đến văn phòng của họ. 

Không mất quá nhiều thời gian để Xu quyết định tiếp tục nghiên cứu về dự án DoorDash sau giờ học. "Tôi thực sự thích dự án mà tôi đang thực hiện với những người đồng sáng lập của mình, và tôi cũng thích làm việc với họ, vì vậy không quá khó khăn để tôi triển khai dự án này", Xu nói.

Trong hai năm đầu tiên của DoorDash, Xu giao bữa ăn hàng ngày trên chiếc Honda Accord đời 2001 của mình, chiếc xe mà anh vẫn tiếp tục lái cho đến năm ngoái.

Sau khi nhận được khoản đầu tư 535 triệu đô la vào năm 2018 từ Quỹ Tầm nhìn của SoftBank, quỹ  Singapore GIC và quỹ mạo hiểm Sequoia Capital ở Thung lũng Silicon, DoorDash đã mở rộng sang nhiều thành phố ở Mỹ và ra mắt dịch vụ ở Canada và Úc.

Đại dịch corona virus không làm chậm sự phát triển của DoorDash. Ngược lại, công ty đã mở rộng quy mô, thậm chí còn nhanh hơn vào năm 2020, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, trong tháng 9, doanh thu của DoorDash đã tăng hơn 250% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu của Uber Eats lần lượt tăng 125% và Grubhub 52%.

Tom White, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của DA Davidson cho biết: “Xu hướng sử dụng DoorDash đã được hình thành trước đại dịch”. "Và đại dịch chỉ làm tăng thêm sự phát triển vốn có của nó."

Nhà phân tích công nghệ mới nổi Asad Hussain tại PitchBook, một dịch vụ tình báo thị trường vốn cho biết, DoorDash đã có thể phát triển nhanh hơn đối thủ nhờ khả năng xác định các thị trường kém hiệu quả, chẳng hạn như các khu vực ngoại ô ở Mỹ và xây dựng thương hiệu của mình trước các đối thủ.

Trong khi có rất nhiều cơ hội phát triển thị trường ở các khu vực khác, Xu cho biết công ty của ông vẫn đang ưu tiên Mỹ, Canada và Úc trước khi mở rộng ra những nơi khác. “Đối với tôi, đây là một công việc kinh doanh mà chúng tôi muốn đi chậm mà chắc trước khi có thể sải cánh khắp nơi,” anh nói.

Tăng trưởng nhanh không phải không có giá. Một nhân viên ban đầu của DoorDash đã mô tả thời gian làm việc của Xu là dài và phong cách lãnh đạo của ông là "tàn nhẫn" với "tiêu chuẩn thực sự cao" đối với nhân viên, theo báo cáo của Financial Times.

Xu nói với Nikkei: “Tôi có những tiêu chuẩn cao vì tôi nghĩ rằng mọi người có thể đạt được nhiều hơn những gì họ nghĩ rằng họ có thể làm được".

"Tôi luôn có một tiêu chuẩn rất cao và nguồn năng lượng dồi dào để cố gắng đạt được các tiêu chuẩn", anh nói thêm.

Hiện anh đang sống ở San Francisco với vợ và hai con, Xu cho biết anh muốn các con có tuổi thơ như anh: tự do khám phá bất cứ ước mơ của chúng là gì.

"Mẹ tôi, người đẫ bị trì hoãn giấc mơ của mình tại Mỹ. Trong 12 năm, bà ấy đã làm ba công việc mỗi ngày và hoãn lại những gì bà thực sự muốn làm", Xu nói. "Vì sự hy sinh của bà, tôi càng không muốn hoãn lại ước mơ của mình."

Link gốc


  • 08/04/2021 10:07
  • Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn
  • 786